TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 4/5 - 1 phiếu
Đấng tạo hóa Brahma

Thần Brahma (Đại Phạm Thiên) được cho là vị thần tối cao, đấng tạo hóa của vạn vật thế gian, vị thần tạo ra con người và sáng tạo ra kinh veda (Vệ Đà) - bộ kinh được coi là suối nguồn tri thức của nền văn minh Ấn Độ.

Brahma là Đại Tổ (Pitâmaha) tức là cha chung của muôn loài, là đấng tự sinh tự hữu (Svayambhuâ). Cuộc đời của Brahma chia ra ngày và đêm; ngày thức đêm ngủ. Khi Brahma thức, vạn vật sinh trưởng; khi Brahma ngủ, vũ trụ tiêu tan, nhưng sẽ tái sinh khi Brahma lâu bằng 4.320.000.000 năm ở trần gian; một đêm cũng lâu như vậy. Hiện nay Brahma đã 50 tuổi và sẽ sống lâu 100 tuổi. (Xem phần nói về Kalpa).

Có truyện kể ông tự sinh ra từ một đóa hoa sen, có truyện lại kể ông sinh ra từ một hạt giống, từ dưới nước hoặc từ một quả trứng vàng, quả trứng tách đôi, Brahma dùng nửa trên làm trời, nửa dưới làm đất (có nét tương tự truyền thuyết Bàn Cổ khai thiên lập địa ở Trung Quốc).

Về hình tượng, Brahma có màu da đỏ hồng (màu đỏ tượng trưng cho nguyên lý sáng tạo trong thiên nhiên). Brahma có bốn đầu, 4 gương mặt (tượng trưng cho 4 hướng Đông Tây Nam Bắc) ngoảnh nhìn về bốn phía biểu thị ý nghĩa quán triệt khắp vũ trụ của Tứ Veda. Brahma có bốn tay: cầm bốn pho Veda, hoặc có khi Brahma nắm bốn pho Veda ở tay thứ nhất, tay thứ hai cầm trượng, tay thứ ba cầm cây cung và tay thứ tư cầm một bình nước. Hoặc Trên 4 tay, thần Brahma luôn cầm theo 4 thần vật: 1 cuốn kinh Vệ Đà (tượng trưng cho tri thức), một đóa sen (tượng trưng cho thiên nhiên), một tràng hạt (tượng trưng cho vật chất trong quá trình sáng tạo vũ trụ), một cái ấm nước hoặc cái cốc hoặc quyền trượng (tượng trưng cho quyền lực tối cao). Ông là vị thần duy nhất không cầm theo bên mình bất kỳ loại vũ khí nào. Râu tóc Brahma trắng xóa (tượng trưng cho sự trường cửu). Bàn tay phải phía sau biểu thị cho tâm trí, bàn tay trái phía sau biểu thị cho trí tuệ, tay phải phía trước là bản ngã và bàn tay trái phía trước là sự tự trọng. Brahma thường cưỡi con Thiên Nga (Hamsa) tượng trưng cho trí thức, đây cũng là biểu tượng của thần.

Về phẩm tính, Brahma là nguồn gốc của trí thức, và vợ của Thần, nàng Saraswati, là hình ảnh nhân hoá của trí thức. Chính Brahma đã truyền thụ trí thức tuyệt đối (Brahma-vidya) cho đạo sĩ Atharvan, tác giả bộ Atharva-Veda. Brahma cũng dạy áo nghĩa về vô biên (Brahma Upanishad) cho Brajâpati (Đấng SángTạo, một danh hiệu của Thượng Đế hữu ngã).

Brahma say mê nàng Ushas (Rạng đông), có cùng nàng một người con trai là Manu, tổ của loài người và muôn vật, tác giả của nhiều bộ pháp điển được gọi chung là Manu-samhitâ hay Manu-smriti.

Thần Brahma có nhiều liên hệ mật thiết với nghệ thuật: kiến trúc, hội hoạ, khiêu vũ, âm nhạc và kịch nghệ; thảy đều là những cố gắng ca ngợi Thiêng Liêng, đồng thời phổ cập hào quang vinh hiển của Thiêng Liêng nơi trần thế.

Một lần chư thần trên thiên giới cảm thấy chán nản vì cuộc sống thiếu hoạt động tại nơi đây bèn phái Indra tới yêu cầu thần Brahma soạn cho một vở kịch để cùng thưởng thức. Brahma bèn tham bác bốn bộ Veda cũ, soạn ra bộ Veda thứ năm mệnh danh là Nâtya-veda (Veda về kịch nghệ) : phần đọc tụng, ngâm nga rút ở Rig-veda; lời ca điệu múa gợi cảm lần lượt rút ở trong Sâma, Yagur và Atharva veda (ca vịnh, tế tự và cầu đảo). Khi soạn xong, Brahma nhờ Vishva-karman (Hoá công) dựng lên một hí viện ở Thiên Đường của Indra. Shiva đóng vai vũ công múa điệu Tândava tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ. Vợ Shiva, nàng Pârvati (Pârvati, nghĩa đen là sơn nữ. Trong thần thoại Ấn Độ, Parvâti là con gái của sơn thần Himavant, tức là núi tuyết Himâylay) múa điệu Lâysya; vũ điệu về tình ái. Vở ca vũ nhạc kịch đã thành công rực rỡ, thổi lại luồng sinh khí tưng bừng, chói lọi vào nếp sống chư thần trên thiên giới từ đấy.

CHÚ THÍCH:

Còn có nhiều truyền thuyết khác nhau về lai lịch Brahma. Một truyền thuyết kể rằng Brahma ra đời do cuộc phối hợp giữa đấng tối cao với năng lực của Ngài là Mâyâ (Ảo tưởng). Một truyền thuyết khác lại nói Brahma sinh ra tự một quả trứng vàng (kim noãn Hiranya-garba) trôi nổi trên mặt biển nguyên thủy vô biên. Sau khi nằm trong trứng được một năm, Brahma phân vỏ trứng làm đôi, một nửa làm thành vòm trời, một nửa làm thành đất, khoảng giữa là không trung. Thuyết thứ ba cho rằng Brahma sinh ra tự một bông sen mọc ở rốn của Thần Bảo Tồn Vishnu. Hình ảnh này tượng trưng ý nghĩa tái sinh do những mầm mống của tiền kiếp được bảo tồn trong Vishnu. Và cũng do điển tích này, Brahma còn có tên là Nabhi-ja (tự rốn sinh ra), hoặc Abja-ja (tự bông sen sinh ra).

Chính ra Brahma có 5 đầu, bị Shiva hủy mất một nên chỉ còn bốn. Sự tích Brahma có 5 đầu thường được kể như sau: "Brahma lấy chất vô nhiễm của mình tạo thành một người đàn bà. Nữ thần này được thờ với nhiều tên khác nhau là Shataruâpâ (Bách Tướng), Vâc (Thượng Ngôn cũng như Ngôi Lời) hay Sarasvâti (Hùng Biện), Savitĩ (Thánh Mẫu), Gâyatri (Thánh Ca) và Brahmani (vợ của Brahma). Khi ngắm người con gái do chính mình tạo ra, Brahma bị mê hoặc bởi dục tính, Shararuâpâ phải lẩn về phía tay mặt để Brahma khỏi nhìn thấy. Brahma bèn mọc thêm một đầu trông ra phía mặt; nàng lẩn về phía trái; Brahma mọc thêm một đầu ra phía trái; nàng lẩn về phía sau, Brahma mọc thêm một đầu trông ra phía sau; cuối cùng nàng bay lên không, Brahma lại mọc thêm một đầu thứ năm để ngắm nhìn nàng".

Còn về việc Brahma bị Shiva hủy mất cái đầu thứ năm cũng có nhiều truyền thuyết. Truyện thì cho là vì chính miệng của đầu ấy khoe rằng Brahma ưu thế hơn Shiva; truyện thì cho rằng vì miệng ở đầu ấy đã nói dối trong một cuộc tranh tài giữa Brahma và Vishnu; truyện thì kể vì Brahma phạm tội loạn luân nên Shiva bèn trừng phạt bằng cách chiếu con mắt thứ ba vào cái đầu ấy và đốt nó ra tro.

Trong ý nghĩa triết học, Brahma biểu thị khuynh hướng vận động điều hòa (rajas), tạo nên thế quân bình giữa hai khuynh hướng qui tâm (sattva) và ly tâm (tamas), giữa bảo tồn và hủy diệt mà thần Vishnu và Shiva là biểu hiện. Chính cái tác dụng điều động quân bình ấy mới thực sự là nguyên lý sáng tạo, bởi vậy Brahma biểu thị cho sự sáng tạo.

Mặc dầu vai trò của Brahma có vẻ quan trọng nhất, địa vị của Brahma lại sút kém nhất trong ba ngôi tối linh. Lý do có thể vì:

- Đứng ở phương diện đạo đức, Brahma đã phạm tội dối trá và loạn luân. Thần thoại trên đây đã kể do sự phối hợp của Brahma và Ushas (Rạng Đông) mà sinh ra Manu, tổ của loài người và muôn vật. Ushas chính là con gái của thần.

- Đứng về phương diện triết lý mà suy thì vì có sự sáng tạo của thần mà con người phải đắm chìm trong bể khổ , trong vòng thiện, ác xung đột và bị tách rời khỏi chân lý và hạnh phúc tuyệt đối. Như vậy sáng tạo không hẳn là một hành động đầy ân phước mà chính là một hành động đọa đày, nếu không bị chống đối thì cũng chẳng đáng được sùng bái nhiệt thành.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Những bông hoa của cô bé Ida (Tạo lúc: 06/03/2015)
  3. Con chim họa mi (Tạo lúc: 12/03/2015)
  4. Con quỷ sứ của ông hàng tạp hóa (Tạo lúc: 13/03/2015)
  5. Mười hai hoàng tử (Tạo lúc: 14/03/2015)
  6. Lê Quý Đôn giai thoại: Biết thì nói là biết (Tạo lúc: 17/03/2015)
  7. Phùng Khắc Khoan (Tạo lúc: 17/03/2015)
  8. Sự tích hoa mai vàng (Tạo lúc: 25/03/2015)
  9. Cô bé choàng khăn đỏ (Tạo lúc: 25/03/2015)
  10. Sự tích hoa hồng (Tạo lúc: 26/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn