Cô Bé Mỏ Than vốn là một Cô Bản Cảnh ngự ở đền Mỏ Than, Tuyên Quang. Tích xưa kể lại, thần Kim Quy ngự miền Đông Hải, hay tin Vua Cha và Thánh Mẫu có mỏ quý, bèn rủ Đông Hải Kình Ngư cùng nhau đánh tháo mỏ mang về Nam Hải làm của riêng. Kình Ngư gác ngoài mỏ, Kim Quy xuống hang, nhưng vừa tới gần miệng hang thì Ông Cóc sống ở miếu sơn thần gần đó thấy động tĩnh, nghi có kẻ gian tà bèn nghiến răng kẽo kẹt. Y hẹn năm nào, tiếng nghiến răng của “cậu ông trời” đã đánh động tới Vua Cha Ngọc Hoàng ngự chốn thiên cung. Ngài liền cử Cô cưỡi hai con thiên long hạ phàm. Bắt gặp thần Kim Quy lén lút ngoài hang, cô nhảy xuống chẹn chân lên cổ Kim Quy, chân phải trượt gót lên lưng rùa thành vết mờ, bàn chân trái đè oằn cổ rùa. Tức thì vị thần rùa hóa thành đá, cá kình cũng hóa đá theo.
Cô Bé lại bắt Ông Ba Mươi phủ phục bên mình, rồi xin Vua Cha và Thánh Mẫu cho ngàn xanh mọc lên bao lấy mỏ, bốn mùa tỏa bóng mát. Cô ở lại trần gian chữa bệnh cho dân, lúc thư nhàn cô gọi đàn chim ngũ sắc về vây quanh ca hát. Khi cô đi xa cô thường để lại đôi dải thắt lưng màu đen hóa thành đôi long xà có mào giữ đền giữ phủ. Tương truyền những kẻ thực tâm trông thấy đôi long xà sẽ được ban phúc đức công danh, nhược bằng kẻ nào dã tâm còn xin xỏ cửa cô, ắt cô sẽ trừng trị cho gia trung náo loạn.
Nhờ ơn Cô Bé mà bách gia trăm họ vẫn còn mỏ quý xưa nay. Mãi về sau thực dân Pháp tìm ra mỏ than, được gọi là vàng đen của đất nước; về sau sập hầm mỏ gây nhiều thương vong, dân ta đồn rằng là do chúng phạm phải đất thiêng của Thánh Cô. Cô được tôn xưng là Cô Bé Mỏ Than, thờ ở đền Mỏ Than, giữa đền có tượng Kim Quy, Kình Ngư, Ông Ba Mươi phủ phục.