Faust - truyền thuyết về kẻ bán linh hồn cho quỷ
Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 4 phiếu

Faust  - truyền thuyết về kẻ bán linh hồn cho quỷ

Truyền thuyết về Faust là một câu chuyện rất phổ biến ở Châu Âu, truyền thuyết dân gian Đức, và được nhiều người kể lại the phiên bản của riêng mình. Đây là tác phẩm kịch của thi sĩ, nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, nhà khoa học, chính khách, nhà triết học Đức lỗi lạc Johann Wolfgang Goethe (1749-1832)

Chuyện kể rằng Faust là một học giả, một nhà thiên văn học, một bác sĩ và là một nhà giả kim. Ông vô cùng khao khát tri thức, đến mức bắt đầu nghiên cứu phép thuật để thỏa mãn sự tò mò về vạn vật.

Phòng làm việc của chàng là hàng lô những dụng cụ nghiên cứu và sách vở chất đến trần nhà. Faust đã học qua tất cả các khoa của trường đại học, đỗ tiến sĩ và làm giáo sư mười năm liền. Danh tiếng lừng lẫy, song kiểm điểm lại chàng thú nhận mình vẫn "thông minh như cũ" và những hiểu biết của chàng quá hữu hạn so với bao điều bí mật chưa tìm ra được trong vũ trụ. Sách vở nhà trường không giúp chàng hiểu được cội nguồn của vạn vật và những mối quan hệ bên trong của chúng.

Về khoa học, chàng không nắm và lý giải được bản chất của các sự vật nói riêng và của vũ trụ nói chung. Về tư cách một con người, chàng không tận hưởng được cuộc đời mà chàng được Chúa ban tặng. Từ đó, chàng cho rằng khoa học của con người bất lực trước thế giới đầy bí ẩn. Faust mong muốn có một sức mạnh huyền bí nào đó mà nhờ nó chàng có thể thỏa mãn khát vọng khám phá tận cùng của tri thức. Với quyển sách hướng dẫn ma thuật, chàng dùng pháp thuật để gọi Thần Đất, cầu xin Thần chỉ giáo. Song Thần phũ phàng tỏ ý khinh bỉ chàng như một con vật tầm thường và làm chàng hoảng sợ.

Chàng chán ngấy lối học kinh viện trong trường đại học với những "lý thuyết màu xám ngắt", muốn rời bỏ nó để tìm về "cây vàng của cuộc đời tươi xanh". Đã có lúc chàng định uống thuốc độc tự tử. Nhưng đúng lúc đó, tiếng chuông ban thánh thể của nhà thờ vang lên, khiến ông nhớ lại tuổi thơ hạnh phúc, và từ bỏ ý đồ đáng xấu hổ.

Chàng có một viên trợ giáo và cũng là bạn thân tên là Vacne (có sách nói là Wagner), một gã sinh đồ khô khan và quen tầm chương trích cú làm chàng chán ngấy. Một hôm cùng gã đi ra miền quê dạo chơi nhân ngày lễ Phục sinh, chàng bắt gặp quỷ Mephisto (hoặc gọi là Mephistopheles - con quỷ của địa ngục) đội lốt một con chó đen. Nó nhận ra điều mà Faust muốn, nó theo chàng về nhà và hứa sẽ giúp chàng thỏa mãn mọi điều chàng khát khao, nhưng nếu thua cuộc chàng phải trút linh hồn cho quỷ để chịu kiếp nô lệ ngàn đời dưới địa ngục. Giữa quỷ và người lập tức diễn ra một sự thách thức: Faust tự đề ra cho mình kế hoạch không ngừng nỗ lực vươn lên để làm giàu vốn tri thức về xã hội và thiên nhiên, "muốn tìm tuyệt độ cao siêu, muốn dò tận cùng bí mật", lại muốn "chứa vào lòng mọi bi, hoan, thiện, ác của trần gian". Nhưng nếu quỷ có thể ngăn được không cho chàng thực hiện được điều đó, làm chàng thỏa mãn với chính mình, mê hoặc được chàng bằng lạc thú thấp hèn thì chàng thua cuộc.

Từ đó, quỷ tìm mọi cách quyến rũ Faust, đưa Faust đến với các cuộc chè chén trong giới sinh viên hát hò nhậu nhẹt. Faust không thích và muốn lẩn đi chỗ khác. Quỷ thì muốn ở lại. Song nhóm sinh viên nhận ra Mephisto là quỷ và lấy dao tấn công cả hai người. Nhờ pháp thuật của Faust, hai người đã trốn thoát, trong khi các sinh viên sửng sốt: Ai bảo đời này không có phép màu? Tới nhà bếp các nữ phù thủy, người ta muốn Faust uống một loại thần dược. Lúc đầu, Faust không chấp nhận. Song Mephisto khéo nỉ non, ông đã uống và nhìn thấy hình ảnh không thể đẹp hơn của một phụ nữ trong một chiếc gương vỡ. Thần dược khiến cho ông thấy người đàn bà nào cũng đẹp. Khát vọng tình yêu vậy là đã thức dậy.

Mephisto dùng pháp thuật làm Faust trẻ lại và bố trí cho Faust gặp nàng Gretsen, giúp Faust gây ấn tượng với cô, một cô gái xinh đẹp và trong trắng, với ý định để chàng vui với tình yêu mà từ bỏ kế hoạch tiếp tục hành trình khám phá khoa học. Tình yêu say đắm giữa hai người bị quỷ chi phối khiến họ gặp biết bao khổ cực, oan trái: khi Gretsen mang thai với Faust, anh trai của Gretsen biết chuyện, bèn thách đấu với Faust. Với sự hỗ trợ của Mephisto, Faust giết chết anh trai của Gretsen rồi cả hai cùng bỏ trốn. Biết việc này, Gretsen cho rằng mình đã bị lừa rối và phụ tình, trong cơn tuyệt vọng cô đã hóa điên và dìm đứa trẻ sơ sinh xuống sông ngay sau khi đứa bé ra đời. Chính quyền phong kiến bắt giam và xử tử Gretsen vì tội sát nhân.

Bốn năm bỏ rơi người yêu, Faust trở về và tìm cách cứu Gretsen thoát khỏi lao tù nhưng cô nghĩ ông có máu quỷ trong người nên đã cự tuyệt việc bỏ trốn. Getchen cầu Chúa cứu mình. Quỷ Mephisto thốt lên: "Nàng đã bị phán xử!". Từ trời cao vọng xuống: "Nàng đã được cứu rỗi!". Rời khỏi nhà tù, chàng buồn bã nằm ngủ trên bãi cỏ đầy hoa dại, một bầy tiên nữ ca hát quanh chàng và một giọng nói từ trên trời van xuống, rằng Linh hồn cô gái sẽ được cứu rỗi, làm chàng quên hết đau buồn, lòng trào dâng hối hận và muốn hăng say hoạt động trở lại.

Đấy là phần I của Faust, có thể nhìn nhận như một tác phẩm trọn vẹn. Phần II là một công trình khác hẳn, thiên về các vấn đề chính trị và xã hội. Chuyện kịch không phức tạp, nhưng ý nghĩa không kém phần đa tầng và gợi mở không cùng, kiểu những con búp bê Nga. Nếu phần I là tương tác chủ yếu trong nội tâm con người, giữa buông xuôi và hướng thiện, thì phần II nhấn mạnh ràng buộc tất yếu giữa nguyện vọng cao đẹp của cá nhân và áp đặt vô cảm của chính quyền, giữa tri thức hướng tới tương lai và quyền lực chỉ cần hiện tại.

Trong phần II, chàng cùng quỷ đến Kinh đô, lúc này Hoàng đế gặp khó khăn về tiền bạc, chàng giúp vua chế tạo ra tiền giấy thay cho tiền kim loại trang trải mọi khoản chi tiêu nợ nần. Do cuộc "thượng kinh cứu Chúa", Faust được gặp nàng Helen, tuyệt thế giai nhân của La Mã cổ. Chung sống với nữ thần Helen. Hai người sinh được một đứa con trai nhưng vì nó quá nghịch ngợm nên bị ngã chết, Helen vợ chàng cũng bỏ đi và tan biến vào hư vô. Faust vô cùng đau khổ. Đúng lúc ấy, các thế lực phong kiến cấu kết với nhau chống lại nhà vua. Faust lại quay về phương Bắc giúp vua dẹp tan giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi và được vua thưởng công cho một khu đất hoang hóa bên bờ biển. Ông áp dụng những tiến bộ khoa học tư bản tiền tiến vào sản xuất nên mùa màng bội thu.

Lúc này Faust đã trăm tuổi, quỷ lo sợ Faust chiến thắng bèn làm mắt chàng bị mù, nhưng Faust vẫn nỗ lực chiêu mộ dân chúng đến khai phá, cải tạo thiên nhiên.

Chưa bao giờ, ông được hưởng một niềm vui thánh thiện và vô bờ như vậy. Không bằng lòng riêng mình hạnh phúc, ông xin Hoàng đế cho ông tặng lại khu đất vàng của mình cho toàn dân và “được sống trên đất nước tự do giữa nhân dân tự do”, ý nguyện của mọi người đương thời. Được Hoàng đế chấp thuận, ông muốn hiến cho hai ông già một trang trại sầm uất, thay thế túp lều khốn khổ của hai cụ. Hai cụ không tán thành. Đệ tử của Mephisto đốt lều và hai cụ già chết cháy. Faust bị khép tội tử hình. Song người yêu Getchen đã nhất quyết giành lại ông từ tay quỷ Mephisto, không chỉ cho cô mà cho tất cả.

Trước khi chết, Faust đã dự cảm được rồi đây "một nhân loại tự do sẽ sống trên mảnh đất tự do" mà họ đã khai phá đó.

Tuy nhiên, cái kết của câu chuyện lại rất không rõ ràng. Có một số phiên bản, Faust được Chúa cứu rỗi, linh hồn được lên Thiên Đàng. Cũng có chỗ thì kể Faust phải tuân theo đúng thỏa thuận và xuống địa ngục phụng sự Mephistopheles


Trên nền cốt truyện dân gian về một con người bán linh hồn cho quỷ dữ để thỏa mát khát khao hiểu biết và các ước mơ, Goethe đã đưa vào Faust nội dung triết lý sâu sắc nhằm chống lại các tín điều tôn giáo: con người không phải là một sinh vật độc ác; con người có bản tính nhân đạo và luôn có nỗ lực vươn lên không ngừng trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, chinh phục mọi thế lực hắc ám trong xã hội, làm chủ vận mệnh của mình nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tác phẩm đề cao con người, với lao động của họ, như một động lực để tồn tại và phát triển. Bằng cái nhìn nhân ái, Goethe thể hiện sự bao dung và lòng tin vào mỗi hành động của con người, dù có thể họ lầm lạc không tránh khỏi trong bước đường hoạt động, nhưng cuối cùng vẫn tìm được đường đi đúng đắn để vươn lên. Bên cạnh nội dung triết lý, vở kịch còn thể hiện vốn kiến thức hết sức to lớn của tác giả về mọi mặt chính trị, khoa học, đạo đức, triết học, tôn giáo và xã hội, xứng đáng là tác phẩm vĩ đại mà Goethe đã theo đuổi suốt đời, mang đến cho người đọc mọi thế hệ những nhận thức sâu sắc về một giai đoạn trong lịch sử nhân loại: giai đoạn có sự chuyển giao giữa giai cấp phong kiến và tư sản. Vở kịch là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến, một xã hội với pháp luật man rợ và những hạng người suy đồi của nó luôn lăm le kéo lùi bánh xe lịch sử. Tác giả cũng ít nhiều phản ánh trong Faust diện mạo của xã hội tư sản đang lên và vẫn còn ở giai đoạn tiến bộ, với những giá trị nhân văn và khát vọng đấu tranh giải phóng con người, nhưng đã manh nha những bất cập với sự chi phối của tiền và quá trình tích lũy tư bản nguyên thủy.

Từ một nhân vật với những hành động thể hiện khát vọng đơn lập của một cá nhân, Faust thực sự phản ánh lịch sử của cả nhân loại trong hành trình đi tìm sự thật và những nỗ lực hành động để thay đổi thế giới nhằm hướng đến một cuộc sống toàn vẹn, hiển hiện một lịch sử loài người với những cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, cái tiến bộ và cái kìm hãm. Với ý nghĩa sâu sắc trong một nội dung trữ tình đầy chất thơ, vở kịch Faust thực sự là một tác phẩm kịch đã đưa danh tài của đại thi hào Goethe lên đỉnh cao, đồng thời tác phẩm cũng xứng đáng được đánh giá là một trong những vở kịch vĩ đại nhất mọi thời đại.

Faust đã được chuyển thể thành nhiều bản phim, đầu tiên là phiên bản năm 1926 rất thành công, gần nhất bản Nga năm 2010, giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 2011. Đức cũng dự kiến làm bản phim mới dựa theo Faust

wikipedia

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Thần trụ trời (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Ba anh em (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Anh chàng nghèo khổ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  9. Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  10. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Main:
Secondary:
Outline:
Footer:
Menu: