Thần mặt trời luôn là một vị thần xuất hiện trong hầu hết các thể loại thần thoại, đây là vị thần quan trọng bậc nhất trong các vị thần trên thế giới và được tôn thờ ở nhiều nơi, trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. (ở Việt Nam ta có thần thoại Nữ thần mặt trời và nữ thần mặt trăng)
Thần Mặt Trời Surya (Surya do tự căn Sur hay Svar nghĩa là sáng chói) là nguồn sáng của vũ trụ, một trong ba ngôi tối linh (Adityas), là nguồn minh trí của tất cả các sinh vật biểu thị bởi mười hai nguyên lý tối cao (Âditya), là cửa mở vào con đường đưa tới thần linh, là nguyên nhân và cứu cánh của tất cả những gì hiện hữu trong quá khứ, hiện tại và vị lai, tất cả những gì sinh động và bất động.
Thần Surya có khoảng 108 tên gọi khác nhau. Những Shaivites (thờ thần Shiva) và Vaishnavas (thờ thần Vishnu) thường đề cập đến Surya như là một hiện thân của Shiva và Vishnu.
Về hình tượng, Surya là một vị thần mình màu đồng đỏ, tóc và râu màu vàng, ngự trên một chiếc xe một bánh do bảy ngựa kéo, đôi khi do Rồng (Naga) kéo. Surya đội vương miện và đeo vòng, tất cả đều toả hào quang chói lọi khắp mọi phương trời.
Thần Mặt Trời Surya có bốn vợ: Samjnâ (Trí thức) (Còn có tên là Saranyuâ (Mây)), Rajni (Hoàng hậu), Prabhâ (Ánh sáng) và Châyâ (Bóng Tối). Surya có nhiều con, trong số có Yama (Tử thần).
Tương truyền rằng Samjnâ không thể chịu nổi sức nóng của chồng lâu được, nên phải trốn vào rừng đi tu, nhờ các thiên thần tạo ra nàng Châyâ có dung mạo giống hệt mình để đánh lừa Surya. Khi khám phá ra sự thật, Surya đi kiếm. Samjnâ bèn biến thành con ngựa cái. Surya cũng lập tức biến thành con ngựa đực để theo vợ. Vì thế mà Samjnâ sinh ra một cặp sinh đôi, mình người đầu ngựa, tức là hai thần Ashivins, thần của nhà nông và cũng là thần y chữa bệnh cho chư Thần. Sau đó Surya dẫn vợ về nhà.
Cha vợ là Tvashtri (Hoá công) muốn cho con gái khỏi bị đau đớn vì sức nóng, bèn xén bớt một ít tia sáng của Surya. Những mảnh này được tạo thành cái đĩa của Thần Bảo Tồn Vishnu, cái chĩa ba của Thần Huỷ Diệt Shiva, cái chuỳ của Thần Tài Sản Kubera, cùng là khí giới của nhiều thần linh khác nữa.
Ghi chú:
Thoạt kỳ thuỷ ba ngôi trong thần thoại Ấn Độ là vậy : Cõi Trời – Mặt Trời; Không Trung – Gió; Đất – Lửa. Về sau quan niệm Ấn Độ chú trọng vào phương diện hành động. Theo quan niệm mới này, bất cứ một hành động nào, kể cả hành động của Thượng Đế cũng biểu thị cho một trong ba khuynh hướng tất yếu và căn bản : Sáng Tạo, Bảo Tồn và Huỷ Diệt. Do đó suy lên đến hành động khởi nguyên của Thượng Đế, người ta có thể nhận biết Ngài qua Ba Ngôi chủ động : Đấng Sáng Tạo, Đấng Bảo Hộ và Đấng Hủy Diệt (Brahmâ, Vishnu và Shiva). Ta luôn luôn phải nắm vững đường lối suy tư truyền thống của Ấn Độ mà nhớ rằng ba khuynh hướng trên bất khả phân và có liên hệ nhân quả với nhau. Tuy ba mà một, tuy một mà ba. Sáng tạo để bảo tồn rồi huỷ diệt; hủy diệt để sáng tạo rồi bảo tồn; bảo tồn để huỷ diệt rồi sáng tạo. Cứ thế tiếp diễn theo một chu kỳ bất tận. Bây giờ chúng ta bắt đầu đi và thần thoại Ba Ngôi Tối Linh dưới diện mạo mới. Thoạt cần phải biết thế nào là Kalpa.
Các lễ hội thờ thần mặt trời
Để tỏ lòng thành kính và cầu mong điều tốt lành với thần mặt trời, người dân Ấn Độ cũng tổ chức nhiều lễ hội với nhiều tên gọi khác nhau.