Thần gió Vâyu cai quản không trung, thần gió Vâyu được coi là hơi thở của Lửa, có nhiệm vụ thánh tẩy và cùng với Lửa chuyển lễ vật lên các thần linh.
Về hình tượng, Vâyu là một vị thần mình trắng, dũng mãnh, cưỡi con linh dương, mang theo cung và tên. Tất cả các món trang phục khác của Vâyu đều màu trắng cả.
Đôi khi Vâyu cùng Indra (Thần Sét) ngự trên chiếc xe bằng vàng có một ngàn con ngựa kéo và có thể chạy thẳng đến trời.
Dũng sĩ Bhĩma trong thiên anh hùng ca Mahâbhârata và Thần Khỉ Hanuman trong thiên anh hùng ca Râmayâna đều là con của Vâyu và đều có tài đi nhanh như gió cuốn.
Xưa có một hôm đạo sĩ Nâranda thỉnh cầu Vâyu thổi gãy đỉnh núi Meru. Vâyu thổi một trận cuồng phong kéo dài suốt một năm mà không có kết quả vì thần điểu Garuda (do thần Vishnu thường cưỡi) đã xoè cánh che ngọn núi và cản sức mạnh của cuồng phong. Đạo sĩ Nâranda bèn đề nghị với Thần Vâyu chờ khi nào Garuda đi vắng hãy tấn công. Quả nhiên cơ hội này đến và Vâyu thổi bay chóp núi Meru ra tận ngoài biển, biến thành hòn đảo Lankâ tức là xứ Ceylon (Tích Lan) bây giờ.
CHÚ THÍCH:
Vâyu do tự căn "vâ" có nghĩa là "thổi". Trong kinh Upanishad (Áo Nghĩa Thư), Vâyu được mô tả là sinh khí của vũ trụ, là mạch sống của muôn loài, là bản chất, uyên nguyên của Thượng Ngôn (Vâc) cũng như Ngôi Lời (Verbe) trong Sáng thế thư.
Vâyu cũng có nghĩa là "thấm nhập, tràn lan". Sách Brihad-devatâ ghi: "Ngài ngự trong không gian, thấm nhập và tràn đầy ba cõi. Các bậc tiên tri tôn thờ và gọi Ngài là Vâyu".