Trống Đồng là loại nhạc cụ truyền thống của người Việt có từ thời cổ đại. Trống Đồng được tìm thấy khắp nơi ở Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc nhưng chỉ có vùng Đông Sơn - Thanh Hóa là nơi tìm được nhiều Trống Đồng nhất, lâu đời nhất và sử dụng kĩ thuật đúc điêu luyện nhất nên các nhà khảo cổ tin rằng đây là nơi sản sinh ra Trống Đồng.
Trống Đồng không chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là biểu tượng cho quyền lực giai cấp, tôn giáo,... Người Việt Nam xem Trống Đồng là thứ vật linh thiêng do họ quan niệm rằng chính vị thần từng hiển linh qua nhiều triều đại vua Hùng cho đến tận các triều Lý, Trần để giúp vua giữ nước - thần Đồng Cổ đã phát minh ra Trống Đồng.
Hiện nay các truyền thuyết về Trống Đồng có đến 14 phiên bản khác nhau. Tuy nhiên theo ghi chép trong sử thi của người Mường thì kể lại như sau: "Ngày xửa ngày xưa, Vua Dịt Dàng vì ở Kinh đô, nơi ngài có một cung điện lớn và nhiều cung nhỏ. Ngài có nhiều quân, bởi ngài có nhiều quyền thế. Ngài cho gọi thợ đến cưa cây đẽo gỗ dựng kho chứa thóc, gạo, trầu, cau, vàng, bạc, đồng, cất kiệu, lọng, làm chuồng trâu, bò, voi ngựa, dựng trại cho quân tướng hùng hậu của ngài.
Nàng Ngà và nàng Ngân, hai em gái của ngài, một hôm ra suối gội đầu, khi chải đầu nhìn về phía Đông, bỗng thấy một chiếc trống đồng trên mặt biển và dạt vào bờ cát.
Vua Dịt Dàng sai người vớt chiếc trống đồng lên mang tới chỗ mình rồi lệnh cho gọi thợ khéo bốn phương đến đúc 1960 chiếc trống, ban phát cho các nhà Lang, mỗi nhà một chiếc".