Thuở xa xưa người ta không đắp mộ, bốc mả cho người chết như bây giờ, mà hễ nhà nào có người chết thì họ hàng, làng xóm kéo đến chia nhau xẻo lấy thịt về ăn.
Pjạ là con nhà nghèo. Lúc còn nhỏ, bố chết hàng xóm cũng đến xẻo thịt ăn như thế, nhưng Pjạ chưa biết gì. Khi lớn lên Pjạ bắt đầu giúp đỡ mẹ chăn trâu.
Một hôm Pjạ cùng bạn bè đuổi trâu vào lũng ăn cỏ, Pjạ trông thấy một con trâu cái đẻ con, trâu cái đau đớn, hết nằm lại đứng. Pjạ thương quá, đi chặt cây "nắm" lấy lá về cho trâu nhưng nó không ăn, và quằn quại đến nửa ngày mới đẻ được, nghé con mềm nhũn, nhớp nháp thế mà trâu cái lấy lưỡi liếm lên mình nghé, liếm đến đâu nghé con sạch khô đến đấy.
Tối hôm ấy Pjạ kể chuyện đó cho mẹ nghe, mẹ nói:
– Con người đẻ con, nuôi con cũng vất vả như vậy. Con trâu liếm ba lượt biết đi, còn con người thì phải ẵm ba tháng mới biết bò, bế một năm mới biết nói.
Nghe mẹ nói xong Pjạ oà khóc, mẹ hỏi tại sao con lại khóc. Pjạ nói: Con người đẻ con, nuôi con cực hơn trâu, vậy mà khi chết thì con cháu lại kéo đến ăn thịt, còn con trâu thì chẳng bao giờ ăn thịt lẫn nhau đâu.
Bà mẹ xoa đầu con: Từ tạo thiên lập địa, trời đã cho con người làm như thế. Tổ tiên ta đã ăn thịt nhau như thế. Mình ăn thịt bố mẹ người khác coi như đã mắc nợ, đến lượt bố mẹ mình chết người ta đến ăn lần lượt như thế, chẳng ai nghĩ rằng ai nợ ai. Bởi vì ai cũng có bố mẹ, ai cũng một lần chết.
Pjạ đứng dậy nói rắn rỏi:
– Không mẹ ạ, không thể như thế mãi được, công bố, công mẹ rất lớn, con sẽ không để người ta ăn thịt mẹ đâu.