Cù Lao Ông Hổ (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) xưa kia chỉ là một cồn cát nhỏ hoang vu, chỉ có hổ, báo, rắn rết, chim muông ngang dọc trên cồn, con người không đặt chân đến. Lần hồi phù sa đắp cồn cát dài rộng thêm ra. Cho đến nay đã thành cù lao rộng lớn, chu vi ngót mười cây số, phù sa vẫn tiếp tục đắp bồi. Dưới cuối cù lao bao giờ cũng có một bãi phù sa mới ùn lại, nhão quánh đỏ hồng. Dân làng này gọi là bãi lan bồi.
Rồi không biết từ lúc nào, có những người phương xa âm thầm kéo đến, họ đốn tre kết bè vượt sông và dừng chân trên cồn đất không tên. Ngày ngày họ đốn cây, phát hoang lau sậy tạo lập cuộc sống nơi đây. Cuộc đời và thời gian lưu lạc đã dạy họ không ở đâu làm ăn sinh sống, cấy trồng tốt hơn đất bãi, đất cồn. Một vuông đất cồn hơn trăm vuông đất núi.
Cồn đất âm u dần dần quạnh quẽ. Người đến càng đông, rắn rết không còn, thú rừng lần lượt tìm về Bảy Núi. Đầu cồn đến cuối bãi bấy giờ san sát ruộng lúa, nương dâu, đồng cói. Người ta đào mương dẫn nước vào cồn, xây cầu, lập vườn cây ăn quả. Nhà cửa mọc lên đông đúc, có trường dạy chữ Nho, có tiếng thoi dệt lụa và có tiếng ngâm thơ trong thôn xóm.
Cuộc sống yên vui bỗng dưng náo động bất ngờ. Không biết từ đâu một con hổ thỉnh thoảng mò về ngồi lặng phía đầu cồn. Khi người này, khi người khác bắt gặp đang trong đêm sáng. Dân cồn không sợ. Họ là dòng dõi những người từng trải hiểm nguy, tinh thông võ nghệ, một con hổ có đáng ngại gì đối với sức lực và tài năng của họ. Nhưng dù sao cũng phải đánh đuổi nó đi để ngăn ngừa hậu họa có thể xảy đến cho trẻ nhỏ trong làng. Dân làng qui tụ trai tráng giỏi võ, gan lỳ bàn mưu đánh hổ. Cả người đứng tuổi cũng đòi được vào đội săn đuổi hổ.
Họ đào sẵn những đường hào gần nơi con hổ thường ngồi. Tay gậy tay dao sẵn sàng. Một đêm trăng sáng. Ánh trăng trên cồn bao giờ cũng trong sáng dịu dàng. Đêm trăng trên cồn man mác hơi nước sương sương. Quá nửa đêm hôm ấy, dưới ánh trăng ngời sáng, từ dưới bãi con hổ ung dung từng bước lên cồn. Dáng đi khoan thai, uyển chuyển như thể con người nhàn nhã ngắm trăng. Chờ hổ đến gần, mọi người hét lớn xông ra khỏi đường huơ gậy, huơ dao đuổi hổ. Không chút hốt hoảng con hổ nhẹ nhàng nhảy một bước khá xa rồi biến mất sau những lùm cây.
Những lần sau, cũng vào tuần trăng, trai tráng trong làng lại ra đường hào rình đuổi hổ. Và cứ thế không biết bao nhiêu lần khi đoàn người xơng ra hổ lại biến mất trong bóng cây. Điều hết sức ngạc nhiên không một lần nào con hổ chống trả hoặc hại người. Có lần người ta thử ngồi im trong đường hào xem con hổ làm gì. Nó lặng lẽ đến bên hai mộ cũ, ngồi im hồi lâu rồi bước nhẹ xuống bãi, biến vào rặng lau dày sát bên mép nước.
Như vậy, con hổ đến đây không phải đi kiếm mồi, phá phách xóm làng. Từ lúc phát hiện con hổ về làng tới lúc này chưa nhà nào bị hổ cắp con chó, con heo. Vậy nó về làng này phải vì lý do nào khác. Một điều lạ nữa là sao nó không đến nơi nào trong xóm mà lần nào cũng ngồi bên hai ngôi mộ cũ? Có người ngỡ ngàng rằng nó muốn moi xác người dưới mộ. Không có lý. Người dưới mộ chết đã nhiều năm rồi da thịt còn đâu mà hổ định moi. Giống hổ tinh khôn, hầu như không bao giờ nó ăn mồi thúi. Hoặc là thần hổ? Giả thuyết này có người nghĩ đến, nhưng chưa có cơ sở đáng tin. Dân cồn này xem xét điều gì quen dựa vào sư thật, ít người nghĩ theo nếp nghĩ hoang đường. Gần tan cuộc họp, một vị bô lão râu dài cao tuổi nhất trong làng, lại là người thông hiểu chữ Nho, người thầy dạy chữ trên cồn từ tốn đứng lên xin nói. Giọng cụ già đĩnh đạc rõ ràng :
- Thưa các vị, tôi nhớ ra rồi, con hổ này không phải là hổ dữ, cũng không phải hổ thần. Có vẽ con hổ đã quen lắm với xóm làng này. Bởi nó về đây với phong thái ung dung, không có vẻ dữ tợn của hổ đói đi kiếm mồi. Lặng lẽ đến, lặng lẽ đi. Đến lần nào cũng chỉ im lìm ngồi bên hai ngôi mộ cũ. Người dưới mộ là ai? Tôi nhớ ra rồi - giọng cụ gi phấn chấn - đó là vợ chồng bác thuyền chài mất trong trận dịch tả mùa hè Ất Mão…
Ai nấy ngạc nhiên, tất cả chăm chăm nhìn ông lão, chờ nghe chuyện chỉ con hổ lại dính dáng qua cái chết của bác thuyền chài? Cuộc họp im phăng phắc. Cụ già nghiêm trang nói tiếp :
Bà con, các vị nghĩ tiếp với tôi xem có đúng thế này không. Cái nghĩ riêng của một người không phải lúc nào cũng đúng cả. Tôi nhớ bác Năm Vạn, thuyền chài không con. Hai ông bà sống với chiếc thuyền nhỏ và ngôi nhà phía trên bãi sậy. Từ lâu đất cồn này không còn hùm beo, rắn rết. Không hiểu sao, một sáng sớm hai vợ chồng bác Vạn đang chèo thuyền đánh cá ven cồn, chợt thấy con mèo hì hục dưới bờ lau. Hình như ai quẳng nó xuống nước - mèo mà xuống nước chỉ có chết đuối thôi - con mèo cố hết sức tìm cách vào bờ, nhưng dường như nó kiệt sức, trồi lên hụp xuống mấy lần rồi. Bác thuyền chài bảo vợ: « Thôi chèo vô vớt giùm nó lên đi bà. Vợ bác thuyền chài do dự: « một lát nó cũng lên được thôi, thăm cho xong lưới cái đã, để chậm cá lớn đến ăn cá trong lưới của mình ». Bác Năm Vạn ôn tồn: « Chẳng mất đi đâu. Dù có, cũng chỉ một hai con, mình nghèo nhiều chứ đâu phải nghèo đôi ba con cá. Vớt giùm con mèo lên đi. Lòng nào thấy nó lâm nguy đứng nhìn nó chết ». Bà vợ nghe phải, quay mũi thuyền vào chỗ con mèo sắp chết đuối. Bác Vạn nhanh tay vớt con vật vừa hụp xuống mặt nước - có lẽ nó vừa cố ngoi lên lần cuối - bác bỏ con vật ướt sũng vào thuyền. « Ô, hổ con! Nó bị con gì cắn cụt mất khúc đuôi ». Vợ bác thuyền chài hô hoảng. Bác Vạn mỉm cười : « Cũng chả sao, đem về nuôi cho vui cửa vui nhà ». Vợ bác thuyền chài trố mắt: « Thôi đi! Ai lại nuôi hổ trong nhà ». Bác Vạn cười to: « Ở rừng, theo bản năng nòi giống hoang sơ, nó sẽ hung hăng như hổ mẹ, hổ cha. Mình nuôi nó theo nếp của con người, nó sẽ lành như chó như mèo, bà coi ». Vợ bác Vạn tỏ vẻ không tin, bác nói thêm với vợ: « Mình xem kìa, nó lạnh run, tội nghiệp quá! Nó nhìn mình sợ sệt, có dám hầm hè đâu. Con thú nào cũng sợ người ngay khi nó ngang dọc trong rừng. Nó cắn người là khi nó đói hoặc tự vệ theo bản năng sợ sệt. Mình không nhớ ngoài quê, người ta nuôi gấu, nuôi voi. Nhà vua còn nuôi hổ lớn làm trò vui ». Bác thuyền chài lấy giẻ khô buộc chặt cái đuôi chảy máu và lau nước trên mình con hổ con. Bác vuốt ve con hổ, nó đau đáu nhìn bác. Bác nhìn vào đôi mắt ngây dại của nó « Đói hả con? Cho mày con cá ». Bác Vạn cầm con cá bóng mẫy đưa tận mồm con hổ: « An đi. Mẹ mày đâu? Đã bị người ta giết đi hay đã lạc nơi nào? Tội nghiệp, mới bây lớn mà đã mồ côi. Thôi về ở với tao, tao nuôi. Lớn khôn đừng hung, đừng ác nghe con ».