Do sự tình cờ trâu lại đến ở gần vịt, nếu trâu ít ăn ít nói lo cặm cụi làm việc bai nhiêu thì vịt lại bẻm mép tía lia cái miệng tối ngày, làm biếng làm nhác bấy nhiêu.
Cả hai đều sống cạnh một bờ ao, trâu thì chuyên nghề làm ruộng, quanh năm lo gieo trồng hạt lúa, hạt thóc để ăn, trái lại vịt không thiết làm chuyện gì, tối ngày lang thang khắp xóm làng nghêu ngao ca hát, vì vậy cảnh túng thiếu của vịt không sao tránh khỏi, thành thử vịt thường sang nhà trâu vay mượn để rồi không làm gì trả nổi. Thét rồi vịt ê mặt chẳng dám sang nhà trâu vay mượn nữa.
Từ hôm lúa bắt đầu chín ửng ngoài đồng, trâu hằng lo chim chóc, côn trùng khuấy phá nên ban ngày ra nằm ngoài ruộng canh chừng, chỉ có ban đêm thì về nhà nghỉ ngơi. Chẳng ngờ đêm đêm thừa lúc trâu không canh giữ, kẻ trộm gặt hết lúa trong ruộng đem đi, chừng rạng ngày trâu hay được thì muộn rồi. Từ đó trâu để tâm canh giữ, hễ đêm nào có trâu đi rõn (Đi rõn: tuần rõn, tuần tra) thì lúa ngoài đồng còn nguyên, rủi trâu mệt mỏi ngủ quên, thì sáng ngày lúa trong ruộng sạch bách. Gần hết mùa mà trâu không gặt được giạ lúa nào. Tức quá trâu liền tìm nhà một ông đồ nho, nổi tiếng là mưu lược, thưa hết đầu đuôi tự sự. Ông đồ suy nghĩ giây lâu rồi giúp trâu một kế mọn để bắt quả tang kẻ trộm. Ông bảo trâu về tìm cho thật nhiều nhựa cây đợi đêm tối đến rắc đầy các thửa ruộng, kẻ trộm mà bén mảng tới thể nào cũng dẫm lên nhựa cây chân sẽ dính vào đó, khỏi cần đuổi bắt kẻ trộm cũng nạp mình.