Mấy ông bầu gánh hát bội thường khoe khoang với mọi người:
- Ban đêm tôi không bao giờ sợ ăn trộm, đồ đạc cứ để bừa bãi sau khi vãn hát, sáng ra áo mão đều còn nguyên, nhất là khi hát ở đình làng.
Nếu hỏi lý do thì mấy ổng trả lời vu vơ:
- Ăn trộm với hát bội thờ chung một tổ!
Tại sao chung một tổ? Theo suy luận của chúng tôi thì kẻ trộm và đào kép hát bội giống nhau ở điểm thay hình đổi dạng, nhất là trong trường hợp kẻ trộm thuộc vào loại “ăn trộm tài.” ở lẩn quẩn trong xóm. Hắn phải bôi lọ, vẽ râu để không có ai nhận được tung tích.
Xưa kia, tại làng nọ có ngôi đình nhỏ, tất cả các món tứ khí (đồ thờ phượng) đều bằng vàng, bằng bạc. Nhiều kẻ động lòng tham, lẻn đến để đánh cắp nhưng hỡi ôi, sau khi thi hành thủ đoạn bất lương, chẳng ai ra khỏi sân được. Tay kẻ trộm như tê cóng, co rút lại. Hắn đành lê lết, kêu rú rồi bị bắt tại trận vào sáng hôm sau.
Thần thánh linh thiêng, nhưng đôi khi vì bận rộn đi chầu Ngọc hoàng nên kẻ trộm vào đình, vơ vét vài món đồ rồi về nhà, bình yên vô sự. Dè đâu hôm sau khi trở về thì thần thánh làm điềm, khiến cho một đứa bé “lên xác.” điểm chỉ đúng danh thủ phạm.
Bởi vậy, suốt mấy năm liền, trong đình không bao giờ mất mát. Đến năm nọ, như thường lệ vào dịp kỳ yên, các vị thân hào và bô lão rước gánh hát đến, hát liên tiếp mấy đêm. Đâu vào khoảng đầu canh tư, tuồng hát tạm chấm dứt, ai về nhà nấy, đào kép nằm xuống ngủ khò, sau khi thay xiêm y.
Một tên trộm nghĩ ra sáng kiến kỳ diệu để lấy trộm những món quý giá trong đình. Hắn đến chỗ đào kép đang ngủ, lấy áo giáp mặt vào mình, lấy mão đội lên đầu. Hắn không quên đeo râu, lấy phấn son tô đầy mặt.
Làm như thế mà hắn vẫn chưa yên tâm. Hắn xuống bờ sông, móc bùn đất dưới bãi mà trét vào chân tay. Đâu đó xong xuôi, hắn cười thầm:
- Như vầy thì làm sao thần thánh nhận ra được!
Lát sau, hắn tiến vào chính điện. Công việc đầu tiên là đạp đổ chiếc ngai.
Chiếc ngai ngã sập xuống. Hắn nhủ thầm:
- Thần linh phải chạy trốn, không còn chỗ ngồi.
Rồi hắn thẳng tay vơ vét mấy chiếc ấm bằng vàng, mấy bộ chén bằng bạc để sẵn trên bàn thờ. Sau cùng, hắn ung dung ra khỏi sân đình vào lúc gà gáy rộ, báo hiệu canh năm.
Trời vừa hừng sáng, viên chính tế bỗng thức dậy, đạp xô bàn ghế trong nhà khiến vợ con la hoảng:
- Ông làm gì vậy? Đêm rồi uống rượu say mèm về đây ngủ một giấc mà chưa tỉnh hay sao?
Viên chính tế chạy thẳng ra đường cái rồi đến chính điện của đình làng mà quát mắng:
- Chúng bây tội nặng lắm. Tại sao không canh chừng, đồ đạc của ta mất hết rồi.
Dân làng tụ họp lại, nghĩ rằng thần linh đã nhập vào xác viên chính tế. Họ kiểm soát lại thấy mất tất cả những món bằng vàng bạc, chiếc ngai thì gãy đổ. Chẳng một ai dám trả lời, cứ quỳ lại để nghe quở mắng.
Hồi lâu, một vị bô lão thử lên tiếng:
- Xin thần linh tha thứ cho, từ bao lâu rồi chẳng có đứa nào dám vào đình. Là người phàm mắt thịt, làm sao chúng con biết hình dáng kẻ trộm. Xin thần linh mách bảo, lập tức chúng con đánh nó mềm xác về tội phạm thượng chứ chúng con đâu dung túng.
Thần linh cứ giậm chân mà trả lời:
- Đêm rồi, bọn ngươi dâng rượu, dâng xôi thịt cho ta. Ta uống hơi nhiều, phần mệt vì xem hát nên không chú ý. Đứa bất lương hất ta ra khỏi ngai.
Vị bô lão bèn nài nỉ:
- Xin thần linh chỉ dạy sơ qua hình dáng đứa gian, mập hay ốm, cao hay thấp, nước da trắng hay đen để chúng con truy tìm.
Thần linh đáp:
- Hình dáng đứa ấy lạ lùng quá, đầu đội mão công chúa, mình mặc áo giáp tướng cướp, chân tay đen thui, miệng thì có râu như kẻ nịnh. Phải tìm kiếm, để trễ thì ta quở mắng.
Nói xong thần linh "thăng" khỏi xác. Dân làng theo dõi mãi nhưng dễ gì biết chính danh thủ phạm là ai. Đúng là kẻ bất lương đã vào đình, mặc áo mão của đào kép để thay hình đổi dạng.
Rốt cuộc, họ đành góp tiền, mua sắm vài món khác rẻ tiền hơn để đền bù cho thần linh.
Chuyện trên đây chứng tỏ rằng kẻ khôn ngoan có thể làm những chuyện bất ngờ mà thần thánh chẳng đoán trước được. Có người cho rằng kẻ trộm nếu muốn vào đình làng vẫn có thể dùng thủ đoạn khác, khó nhọc hơn: hắn bò ngược, day đầu ra ngoài sân, dùng hai chân mà quơ quào, thần thánh chỉ thấy chân chứ không thấy cái mặt của hắn trong bóng tối.