Già làng Y Ruê Mlô ở buôn Mắp, thị trấn Ea Pốk kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về sự hình thành rừng thiêng Cư H’lăm. Theo tiếng dân tộc Êđê, Cư có nghĩa là núi, còn H’lăm nghĩa là loạn luân. Ngày xửa, ngọn đồi này đã có từ lúc nào không ai biết, thuở ấy cũng chưa có tên gọi; trên đồi rừng cây rậm rạp và có rất nhiều loài thú dữ. Cư H’lăm gắn liền với truyền thuyết về mối tình giữa hai anh em họ tộc Niê trong vùng. Truyền thuyết được đồng bào lưu truyền qua nhiều thế hệ, người già, con nít trong buôn đều biết. Đây cũng được xem như "lá bùa hộ mệnh" cho khu rừng nguyên sinh được vẹn toàn đến ngày nay. Chuyện kể rằng, từ thuởã xa xưa có buôn người Êđê sinh sống ở phía đông ngọn núi Cư M’gar, trong buôn có 2 anh em cùng trong dòng tộc họ Niê là Y Đin và H’Hoan yêu nhau. Theo luật tục của người Êđê thì nếu những người trong dòng tộc lấy nhau là phạm vào tội loạn luân, phải phạt nặng, cúng Yàng bằng một con trâu trắng lớn. Y Đin và H’Hoan trong cơn mộng mị tình ái vẫn khăng khăng đòi lấy nhau bằng được. Thương cho đôi trai gái nghèo, không có trâu trắng để cúng Yàng nên dân làng chỉ phạt cúng 1 con heo trắng. Nhưng kỳ lạ thay, đúng lúc già làng bắt đầu hành lễ thì con heo trắng đã thui lông, mổ bụng đặt trên bàn lễ bỗng nhiên sống lại, kêu ầm ĩ rồi phóng chạy từ đầu đến cuối buôn. Con heo chạy đến đâu, đất dưới chân nó nứt ra đến đó. Vết nứt lan nhanh, càng lúc càng rộng, đất sụt xuống nuốt chửng toàn bộ nhà cửa, người và súc vật trong buôn. Đất sụt đến đâu, nước ào lên đến đó, hình thành nên một hồ nước lớn hình bán nguyệt. Trong khi đó, phần đất phía tây của buôn lại dần nhô cao và tạo thành ngọn núi nhỏ. Rồi cây cối mọc lên rất nhanh, ken dày, xoắn xuýt như một ma trận, khiến nhiều người khi vào rừng chặt cây bị lạc lối, tạo nên khu rừng thiêng Cư H’lăm bây giờ.