Mỗi năm, đến mùa mưa, Ngọc Hoàng sai mấy ông Rồng phun nước xuống trần gian để nhà nông đủ nước mà cấy lúa.
Nhưng số Rồng ít quá, phun nước không đủ. Nhiều năm, dưới trần gian chịu cảnh hạn hán. Ngọc Hoàng thấy vậy bèn mở cuộc thi. Các thú vật ở trần gian, nhất là loài cá tôm đều có quyền tham dự, để được hóa rồng.
Ai muốn thi thì phải vượt qua ba lượn sóng.
Cá rô nhảy qua được một lượn. Gặp lượn thứ hai, cá rô nhảy không khỏi nên phải rớt.
Con tôm có tài hơn. Nhảy qua lượn thứ nhất rồi nhảy qua luôn lượn thứ hai. Nhờ vậy mà thân thể biến hóa, đuôi, mình, đầu lần lần sửa đổi coi trang nghiêm gần giống như con rồng. Nhưng đụng lượn sóng thứ ba, con tôm nhảy qua không khỏi. Vì quá sức nên té cắm đầu xuống, lưng cong lại, gan ruột lộn lên đầu.
Đến lượt con cá chẽm (lý ngư hay con cá chép) ra thi. Nhờ thần linh giúp sức nên giông tố nổi lên ù ù, cá chẽm lấy trớn nhảy qua một hơi ba lượn sóng liên tiếp, lọt vào cửa Võ môn, đắc thắng.
Cá chẽm hóa ra Rồng, hình dạng thay đổi. Lời tục thường ví người gặp vận may với con cá hóa long.
Gái ngoan nên lấy chồng khôn,
Cũng như cá vượt vũ môn hóa rồng.