Thời viễn cổ, có một người khổng lồ tên là Khoa Phụ (cháu tám đời của Viêm Đế), sinh sống ở vùng núi phương Bắc. Khoa Phụ rất thân thiết với loài rắn, theo miêu tả, trên mỗi vành tai của ông đều vắt vẻo một con rắn vàng, trên mỗi tay cũng cầm một con.
Khoa Phụ tuy thân hình to lớn nhưng di chuyển cực kỳ nhanh nhẹn, khi chạy thì nhẹ nhàng như bay, có thể nói là trên đời chẳng có sinh vật nào chạy nhanh bằng ông ta lúc đó. Chính vì thế, khi thấy vầng thái dương trôi qua trên bầu trời, Khoa Phụ nảy sinh ý muốn chạy đua với Mặt Trời. Lại có truyền thuyết thì kể khác rằng do Mặt Trời nóng quá, khiến vạn vật nóng bức, đất đai khô hạn, dân không chịu được nên Khoa Phụ muốn đuổi theo bắt lấy Mặt Trời, buộc nó phải nghe theo lệnh mình.
Thế là Khoa Phụ đuổi theo hành trình của Mặt Trời từ Đông sang Tây. Hai bên đuổi bắt nhau bất phân thắng bại. Đến cuối ngày, Khoa Phụ cũng đuổi kịp nhưng ông ta không lường trước được sức nóng khủng khiếp của Mặt Trời, khiến tất cả nước trong cơ thể đều bị bốc hơi. Khoa Phụ khát quá chạy một mạch đến bờ sông Hoàng Hà - con sông lớn bậc nhất Trung Quốc, cúi mặt uống một phát cạn sông nhưng vẫn không hết được cơn khát, ông ta lại tiếp tục chạy đến uống nước ở sông Vị Hà (nhánh nhỏ của Hoàng Hà) nhưng cũng không hết khát. Khoa Phụ bèn chạy tiếp về biển Hãn Hải ở phương Bắc, hi vọng tìm được nguồn nước đủ lớn để thỏa cơn khát cháy cổ.
Tiếc thay, không kịp đến được bờ biển thì Khoa Phụ đã kiệt sức do mất nước và chết trên đường. Cây gậy chống đi đường của Khoa Phụ rơi xuống đất, mọc lên một khu rừng đào quanh năm xanh mát, cho nhiều quả ngon giúp người đi đường ăn đỡ khát. Bên cạnh rừng đào, người ta xây dựng một vương quốc gọi là Khoa Phụ (hay Bác Phụ) để tưởng nhớ ông. Con dân nước này đều có thân hình to lớn và thân thiết với loài rắn, người nào trên 2 tay cũng cầm 1 con rắn vàng và 1 con rắn lục.
Câu chuyện Khoa Phụ đuổi Mặt Trời có nét gì đó tương đồng với chuyện Cường Bạo đại vương trong truyền thuyết Việt Nam hay chuyện chàng Icarus trong truyền thuyết Hy Lạp, đều thể hiện khát vọng muốn chinh phục thiên nhiên của con người, chỉ tiếc là sức người hữu hạn, để thắng "thiên" quả thật đâu có dễ.
Một dị bản khác như sau:
Thời cổ xưa, trong hoang dã miền bắc có một ngọn núi cao chọc Trời, ở trong rừng sâu, có một nhóm người khổng lồ sinh sống. Thủ lĩnh của họ trên tai có đeo hai con rắn vàng, tay cũng cầm hai con rắn vàng, người này tên là Khoa Phụ, bởi vậy, nhóm người này được gọi là dân tộc Khoa Phụ. Người Khoa Phụ hiền lành, cần cù dũng cảm, sống cuộc sống không tranh giành với ai, an nhàn thảnh thơi.
Có một năm, thời tiết rất nóng, Mặt Trời nóng hừng hực chiếu thẳng xuống Mặt Đất, cây cối đã bị phơi khô, sông ngòi cũng bị phơi sắp cạn. Mọi người nóng nực khó chịu, người Khoa Phụ tới tấp bị nóng chết. Thủ lĩnh Khoa Phụ rất đau lòng, ông ngẩng đầu nhìn Mặt Trời, nói với mọi người: "Mặt Trời quá ác độc, tôi nhất định phải đuổi Mặt Trời, bắt lấy Mặt Trời, bắt Mặt Trời phải nghe con người chỉ huy. Người trong dân tộc nghe nói, tới tấp khuyên ngăn. Có người nói: "Ông chớ nên đuổi, Mặt Trời cách chúng ta xa như vậy, ông sẽ mệt mà chết thôi." Có người nói: "Mặt Trời nóng như thế, ông sẽ bị đốt chết đấy." Nhưng Khoa Phụ trong lòng đã quyết, ông nhìn mọi người nói: "Vì cuộc sống yên vui của mọi người, tôi nhất định phải đi."
Khoa Phụ tạm biệt mọi người, đi về phía Mặt Trời, hai chân chạy nhanh như gió. Mặt Trời di chuyển nhanh chóng trên không, Khoa Phụ rượt đuổi trên Mặt Đất. Ông băng qua từng ngọn núi, vượt qua từng con sông, bước chân của ông dậm "Thình thịnh". Khoa Phụ đuổi mệt rồi, giũ đất cát ở trong dầy ra rơi xuống đất, do đó tạo thành một ngọn núi đất. Khoa Phụ nấu cơm, nhặt ba viên đá làm kiềng bắc nồi, ba viên đá này trở thành ba ngọn núi cao mấy nghìn mét.
Khoa Phụ một mực đuổi theo Mặt Trời, xem ra ngày càng đến gần Mặt Trời, Khoa Phụ ngày càng có lòng tin hơn. Cuối cùng Khoa Phụ đã đuổi kịp Mặt Trời ở nơi Mặt Trời xuống núi. Một quả cầu lửa đỏ chói hiện ra ngay trước mắt Khoa Phụ, hàng vạn tia sáng chiếu lên người Khoa Phụ. Khoa Phụ vô cùng hân hoan giang rộng cánh tay, muốn ôm lấy Mặt Trời. thế nhưng Mặt Trời nóng lạ thường, Khoa Phụ cảm thấy vừa khát vừa mệt, Ông chạy đến bên sông Hoàng Hà, một hơi tu cạn nước sông Hoàng Hà, ông lại chạy đến bên sông Vị, uống sạch nước sông Vị, thế nhưng vẫn chưa hết cơn khát. Khoa Phụ liền chạy về hướng bắc, ở đó có đầm nước lớn ngang dọc nghìn dặm, nước trong đầm đủ đề Khoa Phụ giải khát. Thế nhưng Khoa Phụ chưa chạy đến bên đầm nước, đã bị khát chết trên đường đến đầm nước.
Khi sắp chết, Khoa Phụ trong lòng thấy rất đáng tiếc, ông còn nhớ đến người dân tộc mình, do đó quẳng chiếc ba toong trong tay mình. Nơi chiếc ba toong rơi xuống, bỗng hiện ra một rừng đào xanh tốt. Mảnh rừng đào này quanh năm rậm rạp xanh tốt, che bóng mát cho khách qua lại, quả đào làm thứ giải khát cho mọi người, để mọi người quên hết mệt nhọc, lấy lại tinh thần tiếp tục lên đường.
Chuyện Khoa Phụ đuổi Mặt Trời, đã nói lên nguyện vọng chiến thắng hạn hán của người đời xưa Trung Quốc. Tuy Khoa Phụ cuối cùng đã hy sinh, nhưng tinh thần bất khuất của ông lại bất tử. Trong nhiều sách cổ Trung Quốc, đều đã ghi chép truyền thuyết liên quan đến Khoa Phụ đuổi Mặt Trời, có địa phương Trung Quốc còn gọi núi lớn là "Núi Khoa Phụ" để kỷ niệm Khoa Phụ.