Tương truyền vào thời nhà Lý: Theo chân đến làng Quả Cảm Bắc Ninh, Nơi được mệnh danh có người con gái với nhan sắc tuyệt trần. Tuy xuất thân từ một gia đình nông thôn nghèo nhưng Bà đa trí đa tài từ cầm kỳ thi họa cái nào cũng giỏi. Bà lọt vào mắt nhà vua và được đưa vào cung làm vợ vua Lý.
Sau khi trở thành vợ vua, Bà nhận thấy vùng đất quê nhà còn hoang sơ: đất đai sâu rộng mà không ai khai hoang, sản xuất. Chính vì vậy Bà xin nhà vua cho được về làng, chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tăng gia sản xuất.
Vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077) quân Tống kéo sang xâm lược nước ta. Lý Thường Kiệt lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Tống. Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa. Bà tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia phục vụ cho trận chiến Như Nguyệt. Bà cũng “thác ” trong cuộc chiến này.
Nhà vua biết chuyện vô cùng thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần . Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho. Công lao của bà đã được triều đại phong kiến ghi nhận qua việc sắc phong đền thờ bà là "Chủ khố linh từ" (Đền thiêng thờ bà Chúa Kho). Ở thôn Cổ Mễ còn một ngôi đình và ngôi chùa cổ. Chùa Cổ Mễ có từ đời lý thế kỷ XI. Ngày nay trong chùa còn ba pho tượng đá khá đẹp mang rõ phong cách điêu khắc thời Mạc. Chùa còn lại đến nay là kiến trúc thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T chạm khắc công phu.