Từ khi khai thiên lập địa, người Việt Nam xưa thường gặp nạn giặc ngoại xâm đánh chiếm, chúng thường ồ ạt kéo thuyền tiến từ ngoài biển vào.
Truyền thuyết kể rằng, Ngọc Hoàng thấy như vậy thì đã cử Rồng mẹ cùng đàn Rồng Con của mình xuống hạ giới để giúp đỡ người Việt đánh giặc.
Ngay khi hạ phàm, gặp đúng lúc giặc đang ùn ùn kéo đến, đàn Rồng lập tức đã chia nhau phun lửa thiêu rụi các chiến thuyền của giặc, đồng thời nhả ra vô số ngọc ngà châu báu, chất thành muôn vàn các hòn đảo lớn nhỏ mầu ngọc thạch, chỗ kết lại như bức tường thành vô cùng vững chắc sừng sững giữa đất trời, chỗ dàn ra trận địa, chặn bước tiến quân của giặc.
Thuyền giặc không ngờ tới sự việc, phần vì đang lao nhanh, phần vì tháo chạy khỏi Rồng, bị chặn đột ngột đã va vào đá mà đắm hoặc vỡ tan tành, quân giặc đành bỏ mạng cho tôm cá ngoài khơi.
Khi giặc đã tan, người Việt thoát khỏi nguy cơ ngoại xâm đô hộ. Đàn Rồng định bay về trời thì bỗng thấy cảnh vật nơi thanh bình, cây cối xanh tươi, sản vật phong phú và những con người thì cần cù, chịu khó. Rồng mẹ cảm thấy quyến luyến ko muốn rời đi nên đã cùng đàn Rồng con quyết định lại nơi vừa mới diễn ra trận đấu làm nơi trú ẩn và từ đây đàn Rồng bảo vệ con dân Đại Việt muôn đời.
Nơi Rồng mẹ hạ xuống ngày nay chính là Vịnh Hạ Long, còn nơi đàn Rồng con hạ giới là vịnh Bái Tử Long và nơi đuôi đàn Rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ, tức bán đảo Trà Cổ ngày nay với bãi cát mịn, dài hàng chục cây số.
Truyện dân gian này gắn liền với quan niệm về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là "con Rồng cháu Tiên". Dân tộc Việt Nam chiến thắng giặc ngoại xâm có Rồng, Tiên giúp sức. Rồng, Tiên ấy chính là sức mạnh truyền thống của dân tộc đã được biểu tượng hóa. Và cái tên Hạ Long ấy bắt nguồn từ trong dân gian. Người đầu tiên đặt cho vùng vịnh đảo xinh đẹp cái tên thơ mộng ấy không ai khác ngoài chính những người dân đất Việt.