TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 3/5 - 5 phiếu
Long thần ở Quảng Tế

Tương truyền vào khoảng niên hiệu Khánh Đức (1650 - 1662) đời vua Lê Thần Tông (hạ), ở vùng ven sông Bưởi (hay còn gọi sông Hoành) thuộc huyện Thạch Thành trấn Thanh Hoa (tức Thanh Hoá), có một ông lão nhà nghèo sống độc thân, chuyên làm nghề đánh cá. Một hôm ông ra chỗ vực sâu quăng chài kéo lưới, nhưng suốt buổi chỉ được mấy con tép và một quả trứng to. Nghĩ rằng trứng của loài sống dưới nước thì từ trước đến nay chẳng có ai ăn, nên ông đem vứt đi. Thế nhưng lần kéo sau, rồi lần sau nữa, lại thấy trứng vẫn cứ theo vào trong lưới.

Chán nhẽ, lại nghĩ “Giời không chịu đất thì đất đành phải chịu giời”, nên ông lão đem trứng về nhà, rồi đặt vào trong ổ trứng gà mới ấp. Được chừng một tháng thì trứng nở, nhưng không phải loài nào khác mà chính là một con rắn hoa, màu sắc tựa như bảy sắc cầu vồng trông rất đẹp mắt. Rắn hoa từ ổ trứng trườn xuống rồi bò lên nhà trên, đến bên chân ông lão thì quấn quít, như chẳng muốn dời. Còn ông lão, do làm nghề sông nước từ nhỏ nên cũng chẳng lạ gì với các loài rắn rết. Ông nhận thấy đây không phải loài rắn độc, mà là rắn lành, hơn nữa con này lại có màu sắc rất óng ánh, nên giữ lại để cho vui cửa vui nhà, chứ chẳng nỡ đem vứt đi.

Được khoảng mười tháng sau, nhờ ông lão nuôi nấng chăm sóc, rắn hoa đã to lớn gấp cả chục lần những con rắn thông thường khác, nên ông lão bèn gọi nó là Rồng. Tuy không nói được tiếng người, nhưng mỗi khi nghe ông lão gọi “Rồng” là nó lại ngước đầu lên, hoặc khi ông vẫy vẫy tay, thì nó lại nhanh nhẹn trườn theo sau. Bởi vậy, khi đi đánh cá hay đi làm công việc gì, ông lão đều cho Rồng đi theo. Mỗi lần như thế, Rồng trườn lên trườn xuống bên cạnh, hoặc cao hứng thì quấn lấy người rồi ngước đầu thè lưỡi ra ở trên vai ông lão. Khi ông ngồi, Rồng cũng cuộn tròn, lúc ở trong lòng, lúc lại nằm phủ phục bên cạnh, như thể phục tùng, lại như thể đang kín đáo canh chừng cho chủ vậy.

Ông lão yêu quý, chiều chuộng Rồng chẳng khác nào con đẻ. Vả lại, cái số ông, trời đã bắt phải làm kẻ suốt đời goá bụa, cô đơn, nên có Rồng quấn quít, ông cũng bớt đi được nhiều phần cô quạnh.

*

*        *

Tuy nhiên, do sự đời vẫn thường hay ẩn chứa những nỗi éo le, đơn bạc, cho nên ông lão đánh cá và Rồng, dù đã từng gắn bó với nhau như thế, mà cuối cùng cũng đành phải ngậm ngùi chia tay.

Trước hết, bởi nhà ông lão quá nghèo, nên không còn đủ sức nuôi Rồng. Mặc dù ông làm nghề đánh cá, nhưng không phải ngày nào cũng mang chài mang lưới ra sông, nhân đó mà có con tôm con cá cho Rồng ăn được. Lại nữa, những khi phải ở nhà mấy ngày liền, thì Rồng tuy cũng biết ăn cơm ăn rau, nhưng ngay cả rau và cơm, ông lão cũng không thể mua sắm đủ. Còn một lý do nữa, mới thực lạ hệ trọng, ấy là việc mỗi khi ông lão và Rồng đi đến đâu, thì đều bị mọi người sợ hãi mà xua đuổi, do vậy, đã khó trong việc mua bán, lại khó cả trong mọi cuộc tiếp xúc, chuyện trò làm ăn, làm cho ông lão như bị tách hẳn ra khỏi xóm làng. Đành rằng, ông lão có thể cho Rồng ở nhà hay đi ra sông một mình, nhưng làm như thế ông lại cảm thấy không yên tâm, sợ có kẻ xấu nào sẽ đánh Rồng đến chết.

Đắn đo mãi, đến một hôm ông lão đành phải nói với Rồng:

-Thôi con ạ! Bấy lâu nay ta đối xử thế nào chắc con cũng rõ, thật sâu nặng chẳng khác nào tình nghĩa cha con. Thế nhưng, chỉ vì như thế mà để mọi người phải xua đuổi chúng ta thì thật cực lòng, làm sao mà sống được? Thôi thì thế này, con vốn sinh ra ở vùng sông nước, thì bây giờ hãy nên trở về với nước sông, như thế con sẽ được tha hồ mà vẫy vùng, cho thoả cái chí bình sinh của mình. Con dẫu thương ta, thì cũng không nên ở lại làm gì cho khổ thêm nữa, còn ta thương con nhưng cũng không thể làm trái được lệ làng.

Bây giờ ta đưa con đến nơi mà trước kia ông trời đã cho con về ở với ta, rồi cha con ta sẽ chia tay nhau. Sau này, nếu có sự gì bất trắc, thì lúc nào con cũng có thể trở về với ta được. Còn ta, sau này nếu có mệnh hệ nào, thì sẽ khấn thầm tên con. Con sẽ về đây để cho ta thấy mặt.

Rồng ngước đầu, mím miệng, đôi mắt mở to, lắng nghe từng lời của ông lão. Đến khi ông lão nói xong, thì nó cúi rạp đầu, nâng lên hạ xuống bốn lần trong khi hai mắt nhắm nghiền, như đã hiểu, lại như để chuẩn bị bái biệt ông lão.

Thế là ông lão an tâm. Sau đó hai cha con đưa nhau ra sông Hoành, chỗ có vực sâu ở gần địa phận xã Quảng Tế huyện Thạch Thành, như đã nói ở phần trước.

Trước lúc xuống sông, Rồng còn nhảy lên quấn chặt lấy người, rồi rúc đầu một lúc lâu vào cổ ông lão. Sau đó nó trườn xuống, cuộn tròn mình lại, rồi đầu nâng lên hạ xuống bốn lần nữa, đoạn, thong thả bơi đi trong nước. Ông lão đứng nhìn theo, trong lòng dậy lên muôn ngàn nỗi chua chát ngậm ngùi, khiến nước  mắt ông lã chã tuôn rơi. Chừng một lát lâu sau, khi đã nguôi ngoai, ông mới lần đường trở về nhà được.

Từ đấy trở đi, ở chỗ vực sâu trên sông Hoành gần xã Quảng Tế, thường có sông dữ cuồn cuộn, làm cho bụi nước tung lên mịt mù. Tuy nhiên, không thấy xảy ra đắm thuyền chết người ở chỗ ấy bao giờ. Còn ông lão, thường vẫn đánh cá ở những đoạn sông khác, thỉnh thoảng mới đến đây. Những lần hai cha con gặp nhau, thì thật là cảm động. Rồng “đưa cho ông vài con cá, còn ông thì đút vào miệng Rộng, khi nắm bỏng rang, lúc thì củ khoai luộc... Hàng chục năm như thế đã qua đi...

*

*         *

Rồi đến một năm... Khi ấy đang tiết tháng ba, trời làm đại hạn hán. Khắp trong vùng cây lúa khô cằn xơ xác. Dân chúng lo lắng xôn xao. Các vị chức sắc trong làng, trong xã tuy cũng đã họp bàn nhiều lần, nhưng chưa ai tìm được kế sách gì hữu hiệu.

Ông lão độc thân, tuy sống bằng nghề đánh cá, nhưng cũng thấy thương cảm cho hoàn cảnh  khốn khó của người dân sống bằng nghề trồng lúa. Vì vậy, vào một đêm, trước lúc đi ngủ ông khấn thầm tên Rồng và bảo liệu xem có cách gì cứu giúp cho dân chúng không. Thế rồi sau đó, trong giấc mơ màng, ông thấy mình bay đi khỏi giường,  đến ngủ dưới một gốc cây to bên núi, cũng ở trong xã này. Đến sáng, khi mở mắt nhìn ra, ông lại thấy ở ngay cạnh đấy có hai giếng nước thật to, nước đang đùn mạch lên sùng sục, còn các loài tôm cá trong giếng, cũng bơi đi bơi lại không ngừng.

Vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, ông lão vội rảo bước về làng, báo cho mọi người đến xem, rồi sau đó, bàn nhau xẻ núi, đào nương, dẫn nước từ hai giếng đó về đồng ruộng. Nhờ thế,từ vụ lúa ấy đến  mãi sau này người dân Quảng Tế không bao giờ còn phải lo đến nạn hạn hán nữa.

Thế nhưng, cũng từ vụ lúa ấy trở đi, ở những chỗ sâu trên sông Hoành, không còn thấy có đợt sóng dữ dội nào nữa. Ông lão đánh cá cũng đã đến những chỗ ấy nhiều lần, nhưng không lần nào gặp được Rồng cả. Ông kể câu chuyện đó với dân làng, và mọi người cho rằng “Long thần” đã hoá thân thành hai giếng nước mà trước đó chưa có, để lấy nước tưới cho đồng ruộng.

Sau đó, để tưởng nhớ công ơn của Long thần và cũng để cầu mong cho mạch nước luôn luôn dồi dào, dân làng đã bàn bạc rồi xây ở dưới gốc bên cạnh hai giếng nước, một ngôi miếu để phụng thờ. Họ gọi cả khu vực ấy là “Thuỷ phủ Long thần” vì cho rằng đó là nơi ở của Thần, do thấy mạch nước luôn luôn sủi lên, không bao giờ cạn.

Mấy năm sau, khi ông lão đánh cá “trăm tuổi” về với tổ tiên, dân làng tiếc thương, đã chôn cất ông ở ngay cạnh ngôi miếu. Sau đó, họ còn lập bài vị của ông để phối thờ với Long thần. Cũng từ đấy, Long thần được tôn làm Thần thành hoàng, còn ông lão đánh cá được tôn làm “Thánh phụ”.

Vì chưa lần nào có các vị vua chúa hoặc tướng lĩnh đi qua làng Quảng Tế, nên Long thần - Thành hoàng cũng chưa có dịp để hiển ứng âm phù cho họ. Do vậy mà Thần chưa được sắc phong tặng của triều đình. Tuy thế, đối với dân làng và dân của cả vùng này, thì việc lúc nào cũng có dòng nước mát tưới nhuần đồng ruộng, cũng đã là niềm hạnh phúc lớn lao, có lẽ còn hơn cả sắc phong của triều đình gửi đến.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Thần trụ trời (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Anh chàng nghèo khổ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Công chúa ngủ trong rừng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
  9. Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  10. Chú mèo đi hia (Tạo lúc: 06/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn