TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước

Đánh giá: 4/5 - 6 phiếu
Lê Sát - chiến thần Lam Sơn và cái kết đầy oan nghiệt

Lê Sát là chính khách, nhà quân sự, thừa tướng Đại Việt thời Lê sơ. Ông là người làng Bỉ Ngũ, thuộc Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam, và là một trong những công thần khai quốc của hoàng triều Lê.
Lê Sát người làng Bỉ Ngũ ở Lam Sơn, trí dũng hơn người, theo chân Thái Tổ khởi binh từ buổi nguy nan, chiến công rất lớn.
Tháng 12 âm lịch năm 1420, Lê Lợi tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm, thuộc huyện Lỗi Giang, khiêu khích cho quân Minh ra đánh. Tướng Minh là Đô ty Tạ Phương, Hoành Thành bỏ đồn Nga Lạc, về giữ trại Quan Du để phòng bị cho thành Tây Đô, cố giữ không ra đánh. Lê Lợi ngày đêm dùng nhiều cách tiến công uy hiếp để quân Minh mỏi mệt, rối loạn. Lại sai Lê Sát, Lê Hào chia nhau tiến đánh, cả phá bọn giặc, chém được hơn nghìn thủ cấp, thu được rất nhiều chiến cụ, từ đó thế giặc ngày một suy. Lê Lợi bèn chiêu tập nhân dân các xứ. Các huyện bên cạnh đều sôi nổi hưởng ứng, cùnh nhau tiến đánh và uy hiếp các đồn do quân Minh chiếm giữ.
Năm Giáp Thìn (1424) tại ải Khả Lưu, Lê Sát cùng Lê Lễ, Phạm Vấn tiên phong đi trước xông xáo phá tan quân của Trần Trí, Sơn Thọ, bắt được Đô Ty nhà Minh là Chu Kiệt, chém tướng tiên phong Hoàng Thành, đuổi đến tận thành Nghệ An, thanh thế lừng lẫy. Đô đốc Chu Kiệt bị bắt sống, đô ty Hoàng Thành bị chém, bắt sống hàng nghìn người, vật tư, khí giới, thuyền bè không sao kể xiết.
Lê Thái Tổ ở lại vây thành, sai Lê Sát và Lê Lễ đem 2.000 tinh binh vây đánh Tây Đô.
Thu năm Bính Ngọ (1426), Lê Thái Tổ tiến quân vây Đông Kinh, chia quân đi lấy các thành, Lê Sát cùng Lưu Nhân Chú lên phía Bắc đánh Xương Giang.
Khi An Viễn Hầu Liễu Thăng đem quân sang tăng viện, Lê Sát cùng Lưu Nhân Chú, Lê Linh được điều lên biên giới phía Bắc dựa nơi hiểm yếu chống giữ các ngả, trong trận phục kích ở Chi Lăng, Lê Sát và Lưu Nhân Chú chém chết Liễu Thăng.
Vài ngày sau Lê Sát tiếp tục giao phong với quân Minh, lại chém được Bảo Định Bá Lương Minh. Ông bày kế để địch chạy đến thành Xương Giang vốn đã bị hạ, cùng hợp binh với các cánh quân khác của Lam Sơn tiêu diệt hoàn toàn cánh viện quân chủ lực của quân Minh.
Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), luận công ban thưởng, ông được ban hiệu là Suy Trung Tán trị Hiệp trung mưu quốc công thần, Nhập nổi Kiểm hiệu tư khấu Bình chương quản quốc trọng sự, khi khắc biển 93 vị công thần khai quốc, tên ông đứng thứ hai, được phong Huyện thượng hầu, đến năm thứ 6 (1433) gia phong là Dương Vũ Tĩnh nạn công thần, thăng Đại tư đồ, phong làm 1 trong 3 vị tể tướng đương triều ngang hàng Phạm Vấn – Lưu Nhân Chú, cùng phò thái tử Lê Nguyên Long.
Tiếc rằng, về sau này, ông hay có tính nóng nảy chuyên quyền, thích làm theo ý mình, dùng hình phạt nghiêm khắc tàn bạo, cả khi vua Lê Thái Tông trưởng thành chấp chính cũng ỷ thế lấn lướt vua:
- Ông vu cáo độc hại Tư Khấu Lưu Nhân Chú, đuổi em của ông là Lê Khắc Phục từ chức Hành khiển Nam đạo ra làm phán đại lý chính.
- Ông bắt thợ và dân phu phục dịch làm chùa Báo Thiên rồi chùa riêng cho mình (Thanh Đàm Chiêu Độ tự hơn 90 gian, rất tráng lệ), bị người vụng trộm nói xấu thì đem ra chém dù vua cũng đã có ý muốn tha, tự ý lạm dụng tư hình, hành hình tra tấn kẻ khác ngay trên điện, ngờ có người tố giác mình độc hại Lưu Nhân Chú, Lê Sát đem giám sinh Đức Minh đi tra tấn, muốn chém chết nhưng hình quan cho rằng tội trạng chưa rõ nên giảm xuống thành đi đày và tịch thu gia sản.
- Nâng đỡ phe cánh của mình, đuổi hoặc biếm chức những người bất đồng chính kiến ra ngoài: Đuổi Lê Lý, Lê Văn An, truất Trịnh Khải, bãi chức Ư Đài, đuổi Bùi Cầm Hổ, vua muốn bổ nhiệm quan viên cũng cản trở không cho.
Vì vậy sau này Lê Thái Tông đã có ý muốn trừ Lê Sát, bề ngoài tỏ ra trọng vọng nhưng âm thầm điều chuyển binh quyền, đưa Trịnh Khả trở về, rồi sau trị tội Lê Sát, lần đầu tước binh quyền, lần sau ban chết tại nhà.
Trong chiếu bãi chức Lê Sát, Lê Thái Tông hạ rằng: "Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghen ghét người tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai của mình, truất Trịnh Khả để người ta phục, bãi chức của Ư Đài khiến đình thần không ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra nơi biên thùy để gián quan phải ngậm miệng. Xem thảy việc làm đều không phải đạo làm tôi. Nay muốn khép vào luật hình để rõ phép nước, song vì là cố mệnh đại thần, có công với nước, đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước".
Chiếu xử tử Lê Sát: "Lê Sát nay lại ngầm nuôi võ sĩ, mưu hại trung lương, mưu kế hiểm giảo, giấu tích gian phi ngày càng lộ ra, đáng chém để nêu gương", Bùi Cầm Hổ, Lê Ngân tâu xin giảm chém, vua cho ông tự tử ở nhà.
Đến năm 1453, dưới triều vua Lê Nhân Tông (1443-1459), nhà vua mới cho ông là bị tội oan, bèn cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng để thờ tự. Năm 1484, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Lê Sát được truy tặng là Thái Bảo, Cảnh Quốc Công. Dẫu biết rằng việc vua Lê Nhân Tông gỡ bỏ cho Lê Sát mối oan và cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng khi Lê Sát đã ngậm cười nơi chín suối được 16 năm, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để an ủi vong linh ông.
Lời bàn:
Vẫn biết rằng dười thời phong kiến, vua bảo chết thì thần dân không thể không chết nhưng quyết định này của vua Lê Thái Tông khiến Lê Sát và con cháu ông không phục. Bởi nếu ai đó nói rằng Lê Sát chuyên quyền, giết hại người tài thì hơi khiên cưỡng, bởi lúc đó Lê Sát chỉ là quan tể tướng, dù ông đứng trên muôn người nhưng vẫn dưới một người chính là nhà vua. Do đó, dù Lê Sát có trình tấu với vua việc phải giết người này hay tha tội chết cho người kia thì đó cũng chỉ là những lời trình tấu của cấp dưới với cấp trên, quyết định cuối cùng vẫn là ở nhà vua và nhà vua phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Do vậy, vua Lê Thái Tông là người phải chịu trách nhiệm chính trong cái chết của Lưu Nhân Chú và Cao Sư Đãng, chứ không phải là Tể tướng Lê Sát.
Thế mới hay rằng dưới thời phong kiến, vua là người đứng đầu quốc gia xã tắc, đồng thời cũng là người chỉ biết có quyền chứ không hề có trách nhiệm và không bao giờ chịu trách nhiệm về bất cứ việc gì. Tiếc rằng cho đến ngày nay, tàn dư của chế độ phong kiến vẫn chưa hết. Bởi thế, ở đâu đó vẫn còn có người học theo thói xưa, họ cũng chỉ biết đến quyền và lợi ích của bản thân, còn nghĩa vụ và trách nhiệm thì đùn đẩy cho người khác hoặc cho cấp dưới. Thậm chí có kẻ nếu quyền lợi không được như ý mình thì sẵn sàng phá bĩnh, rồi nói xấu người này, người kia để gây mất đoàn kết nội bộ...
Báo Bình Phước: Chuyện về Lê Sát
 

 

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Thần trụ trời (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Anh và em gái  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  9. Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
  10. Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn