Ngày xưa ở làng Đa Hòa có một ông thầy phù thủy cao tay, tên là Dọng. Không những ông có nhiều phép lạ mà còn có lòng thương người. Từ lâu, ông được bầu làm hương trưởng, và được dân trong vùng kính phục.
Hồi ấy làng Đa Hòa gặp mấy năm hạn hán, mùa mất liên tiếp, dân tình cơ cực. Nhiều người phải đem vườn ruộng đi cầm đi bán. Nhưng giá gạo ngày một cao, ruộng ngày một hạ. Cuối cùng ruộng đất của dân đều vào tay mấy tên trọc phú. Thấy vậy, ông Dọng nghĩ cách để cứu giúp người nghèo. Ông bảo bọn nhà giàu:
- Thần thánh phù hộ cho các người, bao nhiêu ruộng nhà nghèo đều lấy về ban cho một số người có của. Đó là lộc thánh. Nhưng nếu không biết tạ ơn thì rồi có lúc sẽ bị thánh phạt đấy.
Biết ông là người có thể thông được với thần, bọn nhà giàu lo sợ, hỏi ông:
- Muốn tạ ơn thánh thì phải làm gì?
Ông Dọng đáp:
- Làng ta vốn không có đình. Thánh ngự về không có cái mà ở. Vậy phải mau mau dựng một cái đình.
- Dựng đình tốn kém lắm sao có thể làm nổi.
- Nhà giàu bỏ của, nhà nghèo bỏ công, mỗi người vun đắp một tý thì việc lớn không mấy chốc mà thành. Nếu được như vậy, tôi tuy bất tài cũng xin đứng ra đốc công.
Bọn nhà giàu nghe lời ông. Chúng bèn họp làng quyết định dựng đình: những người có của thì quyên tiền, còn người nghèo thì gánh đất gánh cát. Ông Dọng thân hành thu góp tiền nong và làm người đôn đốc. Ông bảo bọn trọc phú:
- Thần thánh đều có con mắt, "sởi lởi trời gởi của cho, quăn co trời gò của lại". Hằng tâm hằng sản ai bỏ nhiều thì được phúc nhiều.
Chúng nghe nói đều thi nhau quyên những món tiền lớn và góp lại trao cho ông. Nhưng thu được bao nhiêu ông phân phát cho dân đói bấy nhiêu. Ông bảo họ gánh đất đắp thành nền đình, xung quanh trồng bờ giậu cho kín, ở sân đình trồng các thứ cây cối kể cả các loại cây dây như cây bìm hìm, v.v… Đoạn, ông hẹn với bọn trọc phú ba tháng nữa đình sẽ hoàn thành. Bọn trọc phú thấy ông phân phát hết tiền thì sinh nghi, nhưng thấy ông nói cứng, thì lại nửa tin, nửa ngờ. Vả xưa nay ông chưa từng thất hẹn với ai, nên cũng không dám hỏi.
Thời gian trôi qua, nền đình đã đắp xong, tiền quyên góp đã nhiều, hạn cũng sắp hết mà chưa thấy động tĩnh gì cả. Thấy gỗ lạt không có một que, gạch ngói chẳng có nửa mảnh, bọn nhà giàu đến thúc ông Dọng. Ông chỉ đáp gọn lỏn: -"Đình khắc có đình! Ai sinh sinh sự sẽ sự sự sinh!".
Một số phú thương ở làng bên cạnh là làng Vạn Phước trước đây cũng bỏ những số tiền lớn quyên vào công việc làm đình ở Đa Hòa để mong được thánh ban lộc, nay đợi mãi không thấy đình, chúng lấy làm nóng ruột, liền đến vặn ông Dọng:
- Chúng tao qua đây buôn bán thấy việc phúc đức, nên cũng vón tay vào để vo tròn quả phúc. Không ngờ mày "nhũng lạm" đi mất cả rồi, chỉ ngồi trơ thổ địa nói phét.
Nói rồi chúng xúm lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh ông sưng cả mặt mũi. Ông Dọng đáp:
- Đình khắc có đình! Nhưng đánh người là có tội, đánh bậc "cao niên" tội lại càng nặng. Kẻ nào đánh ta thì phải đền tội. Ta không nói chơi đâu!
Đoạn ông mang gậy nón đi sang làng Vạn Phước để bắt đền. Tới nơi, ông vào đình Vạn Phước, ngả gậy nón ngay ở gian giữa mà ngồi.
Rồi ông cởi áo giở chỗ bị đánh phân vua với những người dân Vạn Phước có mặt:
- Các ông các bà xem. Đánh người không phải là chuyện chơi. Bọn những tên Giáp tên Ất ở làng này vô cớ gây sự đánh ta. Kẻ nào sinh sinh sự thì sự sự sinh! Sẽ phải đền đình!
Nói thế rồi ông cứ ngồi ở giữa gian vót đũa và xe chỉ. Có ai hỏi làm thế để làm gì thì ông trả lời "đính nèo" (tức nói lái là néo đình).
Bọn lý hào làng Vạn Phước được bọn phú thương xúi giục, ra đình đuổi ông Dọng đi. Ông không đi, nói:
- Các ông phải trả lời cho tôi cái chuyện người làng này, những tên Giáp tên Ất, tự dưng vô cớ đánh tôi. Tôi được rửa nhục rồi thì sẽ đi ngay!
Chúng hỏi:
- Ông muốn rửa nhục thế nào?
- Kẻ nào đánh tôi thì phải làm đình để đền.
- Không làm đình thì sao?
- Không làm đình thì vay tạm đình này rồi sẽ đền sau.
Cho đòi hỏi của ông là vô lý nên chúng không chịu xử. Cuối cùng chúng lấy thế đông đến đuổi ông đi. Ông đợi cho họ tập hợp đông đủ, rồi mới thủng thỉnh nói:
- Bây giờ tôi sẽ cắm cái gậy này xuống trước sân đình. Nếu làng ta nhổ được gậy lên thì tôi xin đi ngay.