- Trang chủ >
- Thần thoại Việt Nam >
- Sự tích Quan Đệ Tam Thoải Phủ
Quan Lớn Đệ Tam hay còn được gọi là Quan Đệ Tam Thoải Phủ, được tôn kính là Đệ Tam Thượng Thiên Hoàng Thái Tử Vương Quan. Tước phong là Thủy Tào Điển Sứ – Đệ Tam Thủy Thần Nhạc Đại Vương Thượng Đẳng Tối Linh Thần. Quan Lớn vốn là con trai của Vua Cha Bát Hải Động Đình, được giao trọng trách cai quản Long Giai Động Đình, hầu cận bên cạnh phụ vương. Dưới thời Hùng Vương ông cùng hai người em chỉ huy thủy binh dẹp giặc tại Hà Nam, trong số họ Quan Lớn Đệ Tam là người anh cả, người đời suy tôn là Tam Vị Đại Vương. Tích khác lại nói, Ngài là vị Đại Thánh duy nhất giáng sinh vào nhà quý tộc và phò vua Hùng giết giặc, một mình thống lĩnh tam quân thủy lục, lập không ít công trạng. Trong một trận ác chiến, Ngài vị quốc vong thân. Phần thượng thân và hạ thân trôi về hai bên của con sông Lục Đầu. Ông hóa đi và về chầu Long Cung, trở thành vị thánh thông tri tam giới cầm cân nảy mực, quyền cai các thanh đồng đạo quan nên còn được gọi là Ông Cai Hầu Đồng. Khi thanh nhàn ông truyền ba quân tập hợp thuyền bè, dạo chơi khắp miền, trên sông dưới suối, phù hộ cho ngư dân.
Những ai đội khăn hầu Thánh thì đều hầu giá Quan Đệ Tam, khi ngự đồng Ngài mặc bạch y thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp và ông múa đôi song kiếm. Khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, người ta thỉnh quan về chứng đàn Thoải Phủ gồm có: long chu phượng mã, bạch xà_lốt tam đầu cửu vĩ,…tất cả đều màu trắng. Theo thần tích "Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích" thì thân thế của tam vị huynh đệ họ Phạm phò vua Hùng đánh giặc được thờ phụng ở đền Lảnh Giang được lưu truyền rằng:
"Năm xưa ở trang An Cố, huyện Thuỵ Anh, phủ Thái Ninh, trấn Sơn Nam có phu phụ ông Phạm Túc ăn ở phúc đức, chỉ hiềm một nỗi ông bà tuổi đã cao mà vẫn chưa sinh con nối dõi. Một đêm trăng thanh gió mát bà Trần Thị Ngoạn đi dạo chơi vô tình gặp người tiếu nữ cốt cách thanh tao nhưng số phận bi ai, phụ mậu mất sớm không nơi nương tựa phải chịu cảnh tha phương cầu thực. Động lòng thương cảm bà nhận làm nghĩa nữ đặt tên là Quý, vài năm sau thì ông Phạm lâm bệnh qua đời, hai mẹ con nương tựa nhau rau cháo qua ngày. Đúng ba năm để tang cha, nàng ra bờ sông tắm gội thì con thuồng lồng nổi lên vượn vòng quanh nàng, người thiếu nữ ngất đi giữa dòng. Chẳng bao lâu thì nàng Quý cấn động bào thai, những lời thị phi đàm tiếu khiến nàng lại uất ứt bỏ xứ ra đi. Nàng đến Trang Hoa Giám mà ngụ, ngày mồng mười tháng Giêng năm Tân Tỵ thì sinh ra một cái bọc, cho là điều quái dị nên nàng ném bọc xuống sông. Bọc trôi theo sóng đại hà tấp vào Đào Động rồi cuộn vào lưới của ngư phủ Nguyễn Minh. Cứ nhiều lần gỡ lưới nhưng bọc ấy vẫn cứ trôi vào, người đàn ông chắp tay mà khấn rồi rạch bọc ấy ra, từ bọc ấy chui ra ba con đại xà. Một con trườn về cửa sông Đào Động, một con bơi về Thanh Do, một con lại quay về Trang Hoa Giám mà nàng Quý sinh sống.
Lạ thay, vào một đêm trăng sáng, trời bỗng nổi cơn giông, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội. Đến gần sáng, gió mưa ngớt dần, mọi người đều thấy dưới sông có tiếng người ngâm vịnh:
Sinh là tướng, hóa là thần
Tiếng thơm còn ở trong dân muôi đời
Khi nào giặc dã khắp nơi
Bọn ta mới trở thành người thế gian.
Tương truyền ba vị tướng thời Hùng là con của Bát Hải Long Vương và Nàng Quý. Nàng Quý là con nuôi của vợ chồng ông Phạm Túc. Do vậy về sau nhân dân ghép họ Phạm cho các ông.
Lại nói, bấy giờ Thục Phán muốn cướp ngôi, Hùng Duệ Vương cho gọi tướng sĩ lập đàn cầu đảo giữa trời đất. Đêm ấy nhà vua chiêm bao thấy có người sứ giả mặc áo xanh từ trên trời bước xuống sân rồng, truyền rằng: "Hãy đi tìm ba vị thủy thần ở đạo Sơn Nam, họ hiện đang trong hình hài loài rắn, nếu tình được tam vị đại tướng thì đất nước ắt bình yên". Tỉnh dậy Duệ Vương liền cho sứ giả theo đường chỉ dẫn trong giấc mộng tìm về đạo Sơn Nam. Sứ giả vừa đến trang Đào Động, bỗng nhiên trời đổ mưa to, sấm sét nổi lên dữ dội ở cửa sông. Một người mặt rồng mình cá chép, cao tám thước đứng trước sứ giả xưng tên là Phạm Vĩnh, xin được đi dẹp giặc. Sau đó, ông Phạm Vĩnh gọi hai em đến bái yết thân mẫu, rồi cùng nhau đi yết kiến Duệ Vương. Vua Hùng liền phong cho ông là Trấn Tây, giữ các vùng Sơn Nam, ái Châu, Hoan Châu. Hai em và các tướng hợp lại, dưới sự chỉ huy của ông, năm đạo quân Thục đều chiến bại.
Vì có công lớn nên nhà vua lại phong cho ông là "Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần" nhưng ông không nhận, chỉ xin cho dân Đào Động hàng năm không phải chịu sưu dịch. Được vua Hùng đồng ý, ông Phạm Vĩnh cùng hai em về quê hương bái yết thân mẫu và khao thưởng gia thần, dân chúng.
Ngày 25 tháng 8 năm Bính Dần, trong lúc ông đang ngự tại cung thất của mình, bỗng dưng giữa ban ngày trời đất tối sầm, mưa gió ầm ào đổ xuống. Khi trời quang mây tạnh, dân làng không nhìn thấy ông đâu nữa. Cho là điều kỳ lạ, nhân dân trang Đào Động làm biểu tâu với triều đình.
Nhưng cũng có truyền thuyết kể lại thì trong một trận đánh, ông đã bị chết trận, xác ông bị chém làm đôi rồi ném trôi sông, phần đầu trôi dạt vào bãi sông thuộc làng Xích Đằng (phường Lam Sơn, Thành phố Hưng Yên), dân làng đã lập đền thờ tưởng nhớ ông. Còn phần thân dạt vào ven sông thuộc thôn Yên Lạc (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), cũng được dân làng chôn cất và lập đền thờ tưởng nhớ, đó là đền Lảnh Giang.
Được tin ông Phạm Vĩnh về trời, nhà vua liền gia phong cho ông là "Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ưng Thái Thượng Đẳng Thần", đồng thời đặt lệ quốc lễ, ban sắc chỉ cùng 400 quan tiền cho dân Đào Động rước thần hiệu, tu sửa đền miếu để phụng thờ. Các triều đại sau đó cũng có sắc phong cho ông (hiện trong đền còn giữ 12 sắc phong. Sắc sớm nhất là đời Lê Cảnh Hưng, sắc muộn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 7.
Quan Lớn Đệ Tam ngự trên ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông, hằng năm ngày tiệc các thanh đồng cùng con nhang đệ tử dâng hương hầu thánh, bản văn ca ngợi Ngài không dứt:
Lòng thành thắp một chiện nhang
Tấu về Thoải Phủ các ban các toà
Thiên Đình, Thoải Phủ, Diêm La
Tấu về Thoải Phủ Vua Cha Động Đình
Vốn dòng là chúa Thủy Cung
...
Hoá tức thì lâu đài điện các
Dâng nước về Thuỷ Quốc một khi
Có phen lấy ngọc lưu ly
Đùng đùng dâng nước phép thì ai đang
[...]
Xem ngay truyện hay khác
- Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
- Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
- Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)
- Shitakiri Suzume (Tạo lúc: 07/03/2015)
- Đền Cờn (Tạo lúc: 08/03/2015)
- Hòn vọng phu (Tạo lúc: 08/03/2015)