Chung Quỳ (chữ Hán: 鍾馗) là vị thần diệt yêu trừ ma nổi tiếng trong truyền thuyết dân gian Trung Hoa, nắm quyền điều khiển 80.000 ma quỷ các loại, hình của ông thường được vẽ ở trước cửa các gia đình để xua đuổi tà ma. Từ xưa, những câu chuyện giáng yêu trừ ma của Chung Quỳ được nhiều người biết đến.
Theo sử sách, Chung Quỳ là người thời Đường Minh Hoàng. Vốn thông minh tài giỏi, văn võ song toàn, chỉ mỗi tội mặt mũi xấu xí, râu hùm hàm én, mắt to miệng rộng, trông rất dữ tướng. Năm đó, Chung Quỳ cùng người bạn Du Bình lên kinh ứng thí. Nhờ tài năng của mình, Chung Quỳ đạt điểm cao nhất và đỗ Trạng Nguyên. Được chủ khảo xem là kỳ tài. Thế nhưng khi lên điện ứng thí, gian thần Lư Kỷ lại lấy tướng mạo xét người, Chung Quỳ vốn xấu xí, bị Lư Kỷ buông lời xúc xiểm, vì quá tức giận đã đâm đầu vào cột mà chết, chấn động cả thiên đình.
Đến đây thì có hai cách kể khác nhau. Một chuyện thì kể linh hồn Chung Quỳ xuống âm phủ, Diêm vương tiếc tài năng của Chung Quỳ và cũng cảm động cho số phận của anh, phong cho làm Ma Vương - chuyên nhiệm vụ đi săn bắt ma quỷ trên dương gian. Hoặc có tích kể, Ngọc Đế biết chuyện đã đứng ra chủ trì công đạo, phong cho Chung Quỳ làm vị thần phụ trách giáng yêu trừ ma chốn nhân gian.
Chuyện thứ hai thì lại kể rằng sau khi Chung Quỳ chết, nhà vua biết chuyện, tiếc thương cho chàng ta, lấy áo Trạng Nguyên khoác lên thi hài và ra lệnh mai táng theo nghi thức của quan lại. Linh hồn Chung Quỳ cảm động, nguyện ở lại dương gian, dùng tài năng của mình đi bắt ma diệt quỷ, bảo vệ cho thiên hạ.
Sau đó Chung Quỳ bắt đầu sự nghiệp trừ ma diệt quỷ của mình, ông còn về thăm quê và gả em gái cho người bạn tốt Du Bình năm xưa (đố anh Bình dám khước từ, hehe).
Có một truyện kể rằng vào đời vua Đường Minh Hoàng, nửa đêm vua ngủ, chiêm bao thấy một con tiểu quỷ vào ăn trộm cái túi ngọc của Dương Quý Phi và một cây sáo của mình. Bất ngờ có một vị mặt mũi hung dữ, đầu đội mũ mão, tay cầm thần kiếm, nhảy ra bắt lấy con tiểu quỷ, móc mắt và ăn thịt nó. Vị này tự giới thiệu mình là Chung Quỳ, đang làm nhiệm vụ trừ yêu ma.
Tỉnh dậy, vua Đường thuật lại chuyện này và miêu tả hình dáng của Chung Quỳ cho họa sĩ Ngô Đạo Tử vẽ lại. Các tranh vẽ Chung Quỳ cho đến ngày nay, đều ảnh hưởng từ phong cách vẽ của ông này.
Nhiều gia đình hiện nay vẫn thích treo trong nhà bức tranh Chung Quỳ cao bằng người có sát khí, có thể tránh tà, trị ma. Một số người nói rằng dùng biểu tượng Chung Quỳ sẽ bất lợi về việc cầu con. Điều này chưa hẳn đúng vì đa số các gia đình người Hoa, có nơi sống chung ba bốn thế hệ vẫn hay dán tranh Chung Quỳ ngay trước cửa nhà để trấn tà ma, đem lại bình an cho gia đình. - Tiền thân Chung Quỳ học giỏi cả văn lẫn võ, là bậc kì tài và được Ngọc Đế phong là vị thần giáng yêu trừ ma. Nên biểu tượng Chung Quỳ trấn tà được dùng rộng rãi trong mọi gia đình lúc bấy giờ. - Vào thời xưa, chiếc mặt nạ Chung Quỳ được dùng trong dịp tế thần trị ma, là một loại biểu diễn mang tính tôn giáo. Vào thời xưa ở Trung Quốc có một số loại kịch diễn viên không nói chuyện, chỉ mang mặt nạ Chung Quỳ biểu diễn, khi diễn xong đều phải dùng khăn trắng che mặt nạ lại rồi mới cất vào. Các mặt nạ này tuyệt đối không được treo trong nhà để tránh rước họa. Ngày nay biểu tượng Chung Quỳ được tái hiện chung hoặc qua ba hình tượng riêng biệt:
- Chung Quỳ tay cầm kiếm, biểu trưng cho đường Quan vận được hanh thông, thăng tiến.
- Chung Quỳ tay cầm Ấn, biểu trưng cho đường học hành đỗ đạt đăng khoa.
- Chung Quỳ tay cầm quỷ thủ, biểu trưng cho Trấn tà, diệt ma.
Tuỳ mục đích sử dụng mà chọn cho mình biểu tượng Chung Quỳ phù hợp.