Thiên tình sử "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" và sau này còn gọi là "Mộng Uyên Ương Hồ Điệp" được lưu truyền trong dân gian Trung Hoa hơn 1460 năm, trở thành truyền thuyết của Trung Quốc gây ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới và được mệnh danh là "Romeo và Juliet của phương Đông" (mặc dù Romeo & Juliet có mặt sau nó hàng ngàn năm). Truyền thuyết này ảnh hưởng sâu đậm vào văn hóa Trung Quốc dưới nhiều dạng như ca dao, dân ca, âm nhạc đương đại, kịch nghệ, khúc nghệ, hí kịch,... và trở thành nền văn hóa "Lương Chúc" nổi danh, "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" nằm trong tứ đại truyền thuyết Trung Hoa.
Chuyện kể vào thời nhà Tấn, có tiểu nữ họ Chúc tên Anh Đài tài mạo hơn người, từ nhỏ nàng đã mến mộ văn chương. Lớn lên, Anh Đài cải nam trang để đến vùng Hàng Châu tìm thầy cầu đạo. Trên đường đi gặp chàng thư sinh Lương Sơn Bá đã đem lòng cảm mến, họ cùng vào trường và trờ thành đồng môn. Ba năm đèn sách cũng trôi qua và tình huynh đệ của hai người cũng ngày một thân thiết, riêng Sơn Bá thì chẳng hề biết về phận nữ nhi của nàng.
Phụ mẫu ở quê nhà nhớ mong đã gọi nàng về, lúc đi Anh Đài có hứa sẽ mai mối người em gái của mình cho chàng. Thế nhưng ngoài hai vị ca ca, Anh Đài nào có người em nào, phải chăng đó chính nỗi mong mỏi kết duyên cùng Sơn Bá? Về sau có dịp đến Chiết Giang thăm vị hảo huynh đệ thì mới biết người bấy lâu nay kết giao bằng hữu lại là nhi nữ. Nhìn thấy dung nghi mấy phần tú lệ, cốt cách vài phần thanh tao mà Sơn Bá đã mang cả tim mình trao cho nàng. Họ đã yêu nhau, rất nồng nàn, và Sơn Bá cũng đã ngỏ lời kết duyên cùng Anh Đài. Nhưng rồi thân phụ nàng đã hứa hôn cùng tên công tử Mã Văn Tài. Dù Sơn Bá đầu đội ô quan, thân mặc quốc bào giữ chức huyện lệnh thì cũng không thoát khỏi hai chữ tình duyên. Chàng vì đau buồn mà phát sinh tâm bệnh đã đoạn kiếp anh tài, mộ chàng được đặt tại Nam Sơn Tiểu Lộ - nơi đầu tiên gặp Anh Đài.
Đến ngày Anh Đài xuất giá, kiệu hoa ngự trên thuyền xuôi dòng nước chảy đi ngang Nam Sơn Tiểu Lộ thì sóng gió cuồn cuộn nổi lên ngăn đoàn đưa đón tân nương. Biết đã đi ngang nơi tình quân an nghỉ, Anh Đài bước lên thắp hương tế chàng mà không ngừng tuôn lệ. Rồi thiên địa bao trùm màu đen, mây gió kéo đến, cửa mộ mở ra và cô gái ấy bước chân vào đi theo tình yêu đời mình. Viên thừa tướng Tạ An đã xây cho nàng ngôi mộ bên cạnh chàng, viết tặng nàng ba chữ "nghĩa phụ trủng" (nơi yên nghỉ của người vợ trọn tình vẹn nghĩa). Dân gian kể rằng, lúc hai người sắc cầm hòa duyên từ trong mộ một đôi bướm đã cùng nhau hợp vũ rồi bay đi, loài hồ điệp từ đó cũng trở thành biểu tượng cho chuyện tình bi ai.