Thần thoại Trung Á, hay rộng hơn, thần thoại của các tộc người từng theo đạo Tengri, một tôn giáo cổ từng một thời ảnh hưởng rộng khắp các dân tộc thảo nguyên: người Turk (Thổ, nay là nhóm dân tộc chính ở các vùng lãnh thổ như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Tân Cương, Thổ Nhĩ Kỳ, Siberia...), người Mông Cổ, người Hung Nô... Đạo Tengri thờ vị thần bầu trời Tengri và một hệ thống các thần linh cấp dưới.
TENGRI
Tengri (Trời) là vị thần bầu trời, thần Sáng thế của người Turk và người Mông Cổ. Trong hình dạng của một con ngỗng trắng khổng lồ, Tengri bay qua bể nước nguyên thủy và kiến tạo ra thế giới. Ông sinh ra vị thần đất mẹ Yer. Rồi Tengri và Yer cùng nhau sinh ra các vị thần, nổi bật nhất trong số đó là ba vị Ulgen, Erlik và Umay. Ba vị này được nhắc đến đồng nhất ở hầu hết các tộc người vùng Trung Á; ngoài ra Tengri và Yer có nhiều người con khác là các vị thần tự nhiên: thần mặt trời, mặt trăng, nước, gió, lửa,... với những cái tên khác nhau ở các nhóm dân tộc khác nhau.
Tengri và Yer lại hợp tác cùng nhau để sinh ra con người. Yer tạo ra cơ thể con người từ đất, và Tengri thổi vào đó hơi thở của sự sống. Từ đó con người được hình thành.
Tengri là vị thần được tôn thờ bậc nhất và tối thượng trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Các hãn (khan) được coi là con của Tengri, tức "con trời".
Tuy nhiên, người Turk tại Thổ Nhĩ Kỳ lại coi "tengri" là danh từ chung với nghĩa "vị thần". Họ gọi tất cả các thần là các tengri, còn vị thần bầu trời tối cao lại có tên là tengri Kayra.
YER
Yer là vị nữ thần của Đất mẹ, là con gái và là vợ của Tengri. Bà là mẹ của các thần và con người. Các con của bà là các thần Ulgen, Erlik, Umay và nhiều vị thần tự nhiên khác.
Yer còn được coi là vị thần mùa màng. Sữa dê và chè được dâng lên bà vào mỗi đầu vụ và cuối vụ để cầu mong một vụ mùa bội thu.
ULGEN
Ulgen là vị thần bảo hộ cho loài người, con trai của Bầu trời Tengri và Đất mẹ Yer. Trong một số thuyết thì Ulgen mới là người tạo ra con người chứ không phải Tengri. Ông sống trên tầng trời thứ 16 trong một căn nhà dát vàng, trên cả những mặt trời mặt trăng và các vì sao (các tinh thể này ở tầng thứ 6). Quá xa như vậy nên con người phải nhờ tới các thầy đồng để liên lạc và tế lễ cho Ulgen, mong được ông bảo hộ.
Đối thủ không đội trời chung của Ulgen là người em trai Erlik, vị ác thần của Bóng tối và Địa ngục. Ulgen đã phái vị anh hùng Maidere xuống trần để dạy dỗ, bảo vệ con người khỏi những xấu xa, bệnh tật, chết chóc mà Erlik gây ra. Erlik giết chết Maidere, nhưng những ngọn lửa từ máu chàng vươn tới đốt cháy cung trời của Erlik, buộc hắn phải lủi xuống sống dưới địa ngục.
Ulgen có 9 người con gái không rõ tên tuổi, phù trợ cho các thầy đồng và 7 người con trai, gọi là "những chàng trai màu trắng", bao gồm:
• Karshyt: thần thanh sạch
• Pura: thần của loài ngựa
• Burcha: thần thịnh vượng
• Yashyl: thần tự nhiên
• Karakush: thần của loài chim
• Kanym: thần tự tin
• Bakhty: thần ban phước
ERLIK
Erlik là vị ác thần của cái chết. Hắn là con trai của Tengri, em trai và là đối thủ không đội trời chung của Ulgen. Còn theo thuyết Ulgen tạo ra loài người thì Erlik là kẻ đầu tiên Ulgen tạo ra, nhưng hắn không chịu dưới trướng mà muốn ngang hàng Ulgen. Hắn tạo ra cõi giới riêng của mình dưới lòng đất: cõi giới dành cho người chết.
Erlik cai quản những linh hồn ác gây rối dương gian, đem tới dịch bệnh và chết chóc cho con người. Hắn có 9 người con gái chuyên xua đuổi các thầy đồng đối chọi với 9 con gái của Ulgen. Hắn cũng có 9 người con trai, bao gồm:
• Karash: thần bóng tối
• Matyr: thần can đảm
• Shyngay: thần hỗn loạn
• Komur: thần ác độc
• Badysh: thần thảm họa
• Yabash: thần chiến bại
• Temir: thần khai khoáng
• Uchar: thần đưa tin
• Kerey: thần bất hòa
UMAY
Umay là vị nữ thần màu mỡ, bảo trợ cho phụ nữ và trẻ em của người Turk và người Mông Cổ. Bà có 60 lọn tóc vàng óng như những tia mặt trời. Sự hiện diện của bà như vầng hào quang bảo vệ cho những đứa trẻ khỏi bệnh tật và tai ương. Lũ trẻ ốm đau do bà đi quá lâu, khi đó các thầy đồng sẽ phải gọi bà trở lại. Chúng cảm nhận được bà, nên mỉm cười khi bà đến và khóc òa khi bà đi.
Ở Mông Cổ có nữ thần Ot bảo trợ cho ngọn lửa. Ot được xem là một phiên bản tương đương của Umay.
ASENA
Asena là đứa con của sói trong huyền thoại lập quốc của người Turk. Chuyện kể rằng sau chiến tranh, có một ngôi làng dân chúng chết sạch, chỉ còn một bé trai sống sót. Đứa trẻ bị thương, đói khát, được một con sói cái cưu mang nuôi dưỡng cùng bầy sói con của bà. Lớn lên, chàng trai trẻ "quan hệ mẫu thân" làm người mẹ sói có mang. Khi bị kẻ thù đuổi theo, bà vác bụng bầu vượt biển tới vùng đất mới, sinh hạ được 10 người con nửa người nửa sói. Trong số những người con đó có chàng Asena, ông tổ của bộ tộc Ashina – bộ tộc thủ lĩnh của người Đột Quyết (Gokturks).
Nhiều năm sau, một nhóm người Turk bị mắc kẹt trong hang đá sau một chiến bại. Giữa lúc tuyệt vọng, một con sói xám đã xuất hiện dẫn đường cho họ thoát khỏi hang động. Những người đó sau khi thoát nạn đã lập ra đế quốc của người Turk. Tương truyền con sói xám đó chính là bà mẹ của Asena đã hóa thánh thần.
OGHUZ KHAGAN
Oghuz Khagan, tức Đại hãn Oghuz, là một vị Đại hãn trong truyền thuyết của người Turk, con trai của Đại hãn Qara. Vừa mới hạ sinh, Oghuz đã biết nói, ngưng uống sữa mẹ và đòi rượu thịt. Oghuz lớn nhanh như thổi, thoắt cái 40 ngày đã hóa chàng trai trưởng thành. Chiến công đầu tiên ngay khi "dậy thì", Oghuz đã đốn hạ con rồng Kiyant bấy lâu nay tàn phá mùa màng và bắt người ăn thịt.
Sau chiến công đó, Oghuz được người dân tôn kính hết mực. Tuy nhiên vợ cả và con trai người Trung Quốc của Đại hãn Qara lo sợ Oghuz cướp ngôi, liền xúi ông giết Oghuz. Oghuz biết chuyện, giết chết Qara. Hai mẹ con nhà kia chạy về Trung Quốc, còn Oghuz trở thành Đại hãn của người Turk.
Oghuz ngay khi lên chức Đại hãn liền bày tỏ lòng tôn kính thờ phụng thần Bầu trời Tengri. Ông được Tengri ban cho hai người vợ, sáu người con trai. Tengri lại hóa thân thành một con sói xám giáng trần để trợ giúp Oghuz chinh phạt khắp chốn và trở thành Đại hãn của bốn phương trời. Cuối đời, ông chia đất cho sáu người con rồi về trời trong vòng tay của Tengri.
GESAR KHAN
Sử thi về Gesar Khan (Hãn Gesar), người anh hùng của Mông Cổ và Tây Tạng, được coi là sử thi dài nhất thế giới với hơn 1 triệu dòng thơ, dài hơn cả những Mahabharata, Ramayana, Odyssey, Illiad và Gilgamesh cộng lại.
Phiên bản của người Mông Cổ kể lại rằng, các vị thần trên trời lo lắng vì con người bị bại hoại bởi chiêu trò của lũ ngạ quỷ và bầy quái vật, liền bàn nhau sai một người con của thần Tengri xuống trần giúp đỡ nhân gian. Người con trai út của Tengri nhận nhiệm vụ, đầu thai làm Joro, con trai của một cặp vợ chồng quyền quý. Cậu bé xấu xí nhưng lại có quyền phép và sự lanh lợi, thường xuyên đối đầu với người chú Cotong xấu xa và ông anh Rongsa hay tị nạnh. Ngay từ hồi còn trẻ, Joro đã lập nhiều chiến công, đánh bại những yêu ma quỷ quái. Sau này Joro lên chức Hãn, đổi tên thành Gesar.
Những chiến công hiển hách của Gesar khi trưởng thành phải kể đến trận đại chiến với gã hổ tinh cùng 30 đồng đội; chuyến du hành của Gesar sang Trung Hoa, giúp Hoàng đế dẹp thù trong giặc ngoài rồi được gả công chúa Trung Hoa làm vợ. Gesar còn giải cứu một cô vợ khác bị gã chằn tinh cải trang thành lạc đà bắt cóc. Trong lần đó Gesar bị gã nguyền thành con lừa, phải nhờ tới thần Tengri giáng trần giải nguyền cho con trai, Gesar mới có thể đánh bại gã chằn tinh và cứu vợ. Bá đạo nhất, khi hay tin mẹ chết, Gesar còn xông thẳng xuống địa phủ của thần Erlik và bắt ông ta cho mẹ chàng lên thiên đàng.
Phiên bản của người Tây Tạng có nhiều khác biệt và chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi các hình tượng Phật giáo Tây Tạng và Hindu giáo. Theo đó, Gesar vốn là con út của thần Indra đầu thai vào làm con của đôi vợ chồng quý tộc vương quốc Ling. Lớn lên cậu cũng phải đối đầu với những tranh giành vương quyền, yêu ma quỷ quái, và đặc biệt là chiến tranh giữa vương quốc Ling (đại diện cho Tây Tạng) và vương quốc Hor (đại diện cho Mông Cổ). Cuối cùng do vua nước Hor bắt cóc vợ Gesar mà chàng lẻn thẳng vào cung điện giết chết nhà vua, giải cứu vợ. Vương quốc Ling thắng trận.
Khi đã ngoài 80 tuổi, Gesar hoàn thành nhiệm vụ dưới nhân gian và trở về trời.
TARVAA
Nếu như người Ba Tư có hoàng hậu Scheherazade thì người Mông Cổ có chàng Tarvaa người hát rong. Họ đều là những người kể chuyện tài ba được lưu truyền trong hậu thế, được coi như những "nhà sưu tập" truyện dân gian vĩ đại.
Khi trận đại dịch hạch càn quét vùng Trung Á, chàng trai trẻ Tarvaa ngã bệnh thập tử nhất sinh. Chàng chiến đấu với cái chết nhiều ngày, để rồi nghe tiếng người nhà than khóc, linh hồn của Tarvaa ngỡ rằng mình đã chết, buông xuôi lên đường xuống âm phủ. Erlik, vị vua cõi âm ngạc nhiên khi thấy chàng, liền hỏi sao chàng đã vội xuống đây khi mình còn sống. Linh hồn của Tarvaa đáp rằng chàng nghe thấy mọi người than khóc, tưởng mình đã chết nên không đợi đến giờ chót mà xuống ngay địa phủ thần phục ngài. Erlik xúc động vì sự chân thành của chàng trai, đáp rằng thời khắc của chàng chưa đến, và lệnh cho Tarvaa trở về với một món quà từ âm phủ.
Tarvaa quyết định chọn nghệ thuật kể chuyện làm món quà, để chàng có thể đem kể những câu chuyện mua vui cho dân chúng. Erlik gật đầu, ban cho chàng điều chàng muốn rồi đưa chàng trở lại dương gian. Nhưng khi Tarvaa trở về, xác của chàng đã bị quạ mổ hai mắt. Tarvaa sống sót khỏi trận dịch hạch, đôi mắt mù lòa, nhưng chàng đã dùng tài kể chuyện của mình để lưu truyền những câu chuyện dân gian cho hậu thế.
BICHURA
Bichura là một loài yêu tinh sống trong nhà trong quan niệm dân gian của người Turk, mang hình dạng một con mèo mặc váy đỏ. Giống như loài mèo ngoài đời thật, chúng thường sống dưới bếp hoặc trên gác xép. Và cũng giống loài mèo, chúng thường rên gừ gừ, làm vỡ bát đĩa giữa đêm khuya vắng lặng. Điều này có thể khiến thân chủ của những ngôi nhà có một con Bichura cảm thấy vô cùng khó chịu.
Tuy nhiên, Bichura cũng có ích lợi trong việc cảnh báo nguy hiểm. Chúng sẽ hú vang báo hiệu nguy hiểm sắp đến với thân chủ ngôi nhà. Chúng kéo tóc cảnh báo phụ nữ về những gã đàn ông bạo lực. Còn nếu trực tiếp đụng mặt một con Bichura, thì điều đó có nghĩa rằng trong nhà sắp có người chết. Chúng cảnh báo chủ nhà về nguy hiểm, nhưng vô tình sự xuất hiện của chúng lại bị coi là điềm xui báo hiệu chuyện xấu sắp xảy ra. Đúng là làm ơn mắc oán...
Shurale là một loài quái vật rừng rậm của người Turk. Nó có những ngón tay dài khoằm, chiếc sừng trên trán, nhưng có thể ẩn giấu vẻ ngoài xấu xí đó bằng cách biến hình thành con người. Đặc điểm để nhận biết những gã Shurale biến hình là đôi mắt nó thường lóe sáng rực và đi giày ngược.
Shurale thường lừa người nông dân lạc đường, khiến họ ốm đau hoặc bắt cóc họ rồi cù lét tới chết bằng bộ móng tay rùng rợn. Để tìm được đường về, họ phải lộn trái quần áo ra mặc rồi đi giày ngược. Tuy nhiên, nếu kết bạn được với Shurale, người nông dân cũng có thể được nó dạy ma thuật và bảo vệ mùa màng tốt tươi.
ZILANT
Zilant là loài quái rồng của người Turk, với các đặc điểm: từ một đến hai đầu rồng, hai chân gà, mình chim, đuôi rắn và đôi cảnh rồng màu đỏ. Nó là loài sinh vật hung dữ, và đặc biệt... hôi thối. Zilant có thể giết người và ngựa chỉ bằng mùi cơ thể.
Truyền thuyết kể rằng vị hãn vùng Kazan được một cô gái thông thái khuyên hãy dời đô vì kinh đô cũ của ông ở một nơi quá xa nguồn nước. Hãn đồng ý, nhưng nơi họ dời tới ở lại có một con rồng khổng lồ hai đầu Zilant sinh sống. Nó có một đầu ăn cỏ, một đầu ăn thịt gái đồng trinh và những người trẻ tuổi. Vị hãn lừa con rồng chui vào đống rơm rồi đốt trụi, mùi hôi thối bốc ra từ đám khói giết chết nhiều người và vật trong vùng. Con rồng thoát khỏi ngọn lửa lao xuống hồ trốn lủi, dù đôi khi nó vẫn bay lên giết người và vật vùng đó để trả thù. Còn nơi mà họ đóng đô chính là thành phố Kazan, thủ phủ nước cộng hòa Tatarstan thuộc Liên Bang Nga ngày nay.
TULPAR
Tulpar là loài ngựa có cánh trong thần thoại Turkic, là biểu tượng cho đời sống thảo nguyên của người Turk và người Mông Cổ. Tulpar là một sinh vật thiêng liêng và đặc biệt trung thành với chủ nhân, thường được sử dụng trong những cuộc săn. Tulpar còn được đặt trên quốc huy của Mông Cổ và Kazakhstan.
Chuyện kể rằng ngày xưa có một anh chàng nghèo khổ tên là Oskus-ool. Anh phải đi làm thuê cho địa chủ để nuôi người cha già ốm yếu. Gã địa chủ có một con ngựa cái già yếu mới chết, để lại một con ngựa non. Gã keo kiệt không muốn trả tiền thức ăn cho con ngựa non, lệnh cho Oskus-ool đem nó vào rừng cho sói thịt. Oskus-ool không nỡ, mang ngựa về nuôi bằng sữa dê. Con ngựa hết sức trung thành, lớn lên khỏe mạnh, tráng kiện, cùng anh thắng lớn những cuộc đua ngựa. Nó không chỉ như miếng cần câu cơm, mà còn là một người bạn, là niềm hãnh diện của anh. Gã địa chủ thấy vậy ghen tức, nhân lúc Oskus-ool vắng nhà sai người giết chết con ngựa rồi ném xác nó xuống vực.
Oskus-ool tìm mỏi mắt mà không thấy ngựa yêu. Đêm đến, chú ngựa về báo mộng cho anh hãy tìm xác nó, đặt hộp sọ dưới cây dẻ, lấy gỗ cây, da ngựa và đuôi ngựa làm nhạc cụ mà chơi. Anh làm theo, gẩy những tiếng đàn da diết bi ai mà khóc thương cho ngưởi bạn. Bất thình lình, từ giữa đám mây một con ngựa chiến có đôi cánh trắng hệt như con ngựa cũ của anh hiện ra, theo sau là một đàn ngựa non. Đó chính là Tulpar, con ngựa thần trở về đoàn tụ với ân nhân tình nghĩa.