TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Sự tích Tuyết nữ Yuki Onna

Yuki Onna là một hồn ma hay yêu quái tuyết (yōkai) trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Cô ta thường được miêu tả trong văn học Nhật Bản, phim ảnh hoặc hoạt hình. Yuki-onna xuất hiện vào những đêm tuyết rơi hoặc những đêm có bão tố dưới hình dạng của một người phụ nữ xinh đẹp với mái tóc đen dài và đôi môi màu xanh da trời. Nước da tái nhợt, trong bộ kimono trắng toát thậm chí trong suốt khiến cho cô như trộn lẫn vào cùng với khung cảnh phủ đầy tuyết trắng. Yuki Onna là nguyên nhân làm cho những lữ khách lạc đường hoặc lạnh cóng cho tới chết. Cô ta sẽ hút sinh lực của những nạn nhân xấu số, khiến họ chết cóng vì hơi thở lạnh giá cô ta phả ra.

Yuki Onna mặc dù bị mang tiếng là rất độc ác, nhưng bản thân cô ta cũng cô đơn và lạnh lẽo như tuyết vậy. Có chuyện còn kể rằng, Yuki Onna đã lấy một người đàn ông, cũng nhờ sự kiện vào một đêm bão tuyết. Nhưng khi mùa xuân tới, thời tiết ấm dần lên, Yuki Onna cứ héo mòn dần. Và đến một ngày, khi chồng gọi, nàng đã không còn có thể trả lời. Người chồng vào bếp tìm và phát hiện ra bộ kimono nàng thường mặc nằm trên một vũng nước.

Những câu chuyện về Yuki Onna không đáng sợ như truyện về những con ma khác, mà luôn phảng phất một nỗi buồn.

Theo truyền thuyết vùng Ojiya thuộc tỉnh Niigata, có một người phụ nữ xinh đẹp đã đến thăm một người đàn ông nọ và tự nguyện nên duyên vợ chồng với ông ta. Người phụ nữ này không thích đi tắm, và khi bị ép phải tắm, cô ta đã biến mất, chỉ còn để lại một trụ băng mỏng manh, vụn nát và nổi lềnh bềnh (xem thêm về tsurara-onna). Ở tỉnh Yamagata và Aomori, cũng có một câu chuyện tương tự như thế có tên là "Shigama-onna". Ở vùng Kaminoyama thuộc Yamagata, Yuki-onna đến nhà của một cặp vợ chồng già vào một đêm tuyết rơi dày để sưởi ấm cơ thể mình bằng iori (lò sưởi truyền thống của Nhật). Khi đã khuya, Yuki-onna lại rời đi để tiếp tục cuộc hành trình, người đàn ông cố gắng nắm lấy tay để ngăn cô lại, lúc ấy ông ta nhận thấy người của cô lạnh đến rợn cả sống lưng. Và rồi ngay trước mắt ông, cô gái biến thành một luồng xoáy tuyết bay ra khỏi căn nhà qua ống khói. Ngoài ra, nó còn có vài điểm tương đồng với kokakuchō (còn được gọi phổ biến là Ubume - 産女, "sản nữ": cũng là một yêu quái trong truyền thuyết Nhật Bản). Vào một đêm bão tuyết lớn, Yuki-onna sẽ đứng bế một đứa bé (Yukinko - 雪ん子, tuyết tử) và yêu cầu người qua đường bế đứa bé ấy.. Khi có người chịu bế, đứa trẻ sẽ càng lúc càng nặng hơn cho đến khi người đó bị tuyết phủ kín và bị đóng băng cho đến chết. Cũng có lời kể rằng nếu ai đó từ chối, họ sẽ bị xô ngã xuống một thung lũng phủ đầy tuyết. Ở Hirosaki thuộc Aomori, người ta kể rằng có một võ sĩ (bushi) bị Yuki-onna yêu cầu bế đứa bé tương tự như trên, nhưng vị võ sĩ đã ngậm một con dao găm (tantō) trong miệng và bế đứa bé trong khi ông khiến cho lưỡi dao dí sát vào đầu nó, điều này giúp cho vị võ sĩ tránh khỏi hiện tượng như đã kể trên. Khi vị võ sĩ trao lại đứa bé cho Yuki-onna, cô ta đã tặng rất nhiều châu báu như một lời cảm ơn vì đã bế đứa bé. Cũng có người kể rằng nếu ai có thể chịu đựng được trọng lượng không ngừng tăng của Yukinko và vượt qua toàn bộ thử thách thì sẽ có được sức khỏe phi thường.

Ở vùng Ina thuộc tỉnh Nagano, Yuki-onna được gọi là "Yukionba", người ta tin rằng chúng sẽ xuất hiện vào một đêm tuyết rơi dày dưới hình dạng của một yama-uba (山姥, "sơn mụ"), Tương tự như thế, ở Yoshida, tỉnh Ehime, vào một đêm khi tuyết phủ đầy mặt đất, người ta nói "Yukinba" sẽ xuất hiện, và họ không cho phép trẻ con đi ra ngoài. Cũng thế, ở vùng Tōno thuộc tỉnh Iwate, vào dịp Rằm tháng Giêng Âm lịch (koshōgatsu - 小正月, "tiểu chánh nguyệt") hay ngày 15 tháng Giêng, Yuki-onna sẽ dắt thật nhiều con nít đến một bãi đất lớn để chơi đùa, vì thế trẻ con bị cấm đi ra ngoài. Có thể thấy rằng, Yuki-onna thường được coi là yama-uba, tương đồng ở chỗ cả hai đều mắn đẻ và có dẫn theo nhiều con nít. Ở vùng Ito thuộc tỉnh Wakayama, người ta nói rằng có một đứa trẻ bị cụt một chân nhảy đi vào một đêm tuyết phủ đầy, và sáng hôm sau sẽ có những vết chân tròn còn sót lại, nó được gọi là "Yukinbō" (đứa trẻ tuyết), nhưng người ta nghĩ đứa trẻ tuyết bị cụt một chân là thuộc hạ của thần núi. Ở ngôi làng Oshika, huyện Tōhaku, tỉnh Tottori (nay là Misasa), người ta nói rằng Yuki-onna sẽ đến trong khi tuyết rơi nhẹ và nói "koori gose yu gose" ("cho tôi gạo, cho tôi nước nóng") ("gose" là phương ngữ có nghĩa là "cho tôi") trong khi vẫy một cây gậy phép trắng vòng quanh, cô ta sẽ phồng ra khi bị tạt nước và sẽ biến mất khi bị tạt nước nóng. Ở khu vực quanh sông Kumano ở huyện Yoshino, tỉnh Nara, người ta cũng nghĩ "Oshiroi baa-san" (白粉 婆さん, "bạch phấn bà") hay "oshiroi babaa" (白粉 婆あ, "bạch phấn bà bà") là một dạng Yuki-onna, chúng kéo theo những tấm gương tạo ra âm thanh leng keng. Những đặc điểm như vẫy cây gậy phép trắng (gohei - 御幣, "ngự tệ") và sở hữu một tấm gương, được cho là những đặc điểm của một miko (巫女, "vu nữ")  người phục vụ thần núi điều khiển việc sinh nở và mùa màng. Ở Aomori, người ta thực sự nói rằng Yuki-onna sẽ vào làng vào ngày thứ ba của Tết Nhật Bản (Shōgatsu - 正月, "chánh nguyệt") và quay về núi vào ngày đầu tiên của Thỏ, và người ta nghĩ rằng vào những năm mà ngày của Thỏ đến muộn, vụ mùa sẽ khác so với trước như thế nào.

Ở tỉnh Miyagi và Iwate, người ta nghĩ Yuki-onna hút mất sinh khí của con người và ở tỉnh Niigata, người ta nói rằng Yuki-onna lấy cắp gan của trẻ con sau đó đóng băng chúng đến chết. Ở Nishimonai, tỉnh Akita, nếu nhìn vào khuôn mặt của Yuki-onna và nói chuyện với cô ta thì sẽ bị ăn thịt. Ở tỉnh Ibaraki và ở thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima, người ta nói rằng nếu ai không trả lời khi bị Yuki-onna gọi thì sẽ bị xô xuống đáy thung lũng. Ở tỉnh Fukui, chúng được gọi là "koshi-musume" (越娘, "việt nương") và người ta nói rằng những ai quay lưng lại với koshi-musume khi bị gọi sẽ bị đẩy xuống một thung lũng.


Ở Ibigawa, quận Ibi, tỉnh Gifu, người ta nói có một con yêu quái vô hình tên là "Yukinobō" có thể thay đổi ngoại hình và xuất hiện dưới hình dạng của một Yuki-onna. Người ta nói con yêu quái này sẽ xuất hiện ở những ngôi nhà trú ẩn trên núi và hỏi xin nước, nhưng nếu như ai chấp nhận yêu cầu thì sẽ bị giết chết, vì vậy người đó nên dùng trà nóng thay thế để cho chúng. Người ta nói rằng để xua đuổi Yukinbō đi thì nên niệm chú "saki kuromoji ni ato bōshi, shimetsuke haitara, ikanaru mono mo, kanō mai" (có nghĩa là "một kurujo ngay phía trước và một bōshi ở phía sau, bằng cách đeo chặt chúng thì không gì là không thể").

Cả hai truyền thuyết ở Hirosaki, Aomori về một Yuki-onna quay về nhân thế vào dịp Tết Nhật Bản và truyền thuyết ở Tōno, tỉnh Iwate về Yuki-onna dẫn theo những đứa trẻ để chơi đùa vào dịp Rằm tháng Giêng Âm lịch, dựa trên những ngày mà chúng ghé thăm, có thể thấy rõ hơn rằng Yuki-onna có vài đặc điểm của một Toshigami (年神, "niên thần" - một vị thần của đạo Shinto Nhật Bản). Câu chuyện về một người đối xử tử tế với Yuki-onna vào một đêm bão tuyết lớn, và Yuki-onna hóa thân thành vàng vào buổi sáng hôm sau cho thấy ngay cả trong những câu chuyện cổ tích như Ōtoshi no Kyaku (大年の客, "Đại niên Khách" - Vị khách của Năm mới), Yuki-onna cũng có một vài mối liên quan đến những đặc điểm của một toshigami.

Yuki-onna thường xuất hiện trong lúc dắt theo trẻ con. Điều này giống với một yōkai khác cũng có dẫn theo trẻ con, đó là ubume. Ở thành phố Mogami, tỉnh Yamagata, người ta nói ubume chính là Yuki-onna.

Chúng thường xuất hiện trong những câu chuyện về hôn nhân khác loài, và những câu chuyện tương tự như Yuki-onna của Lafcadio Hearn kể về một gã thợ săn trên núi chung sống với một người phụ nữ xin tá túc qua đêm và cuối cùng họ đã hạ sinh ra một đứa bé, một ngày nọ người đàn ông vô tình đề cập đến sự cấm kỵ của việc chung sống với Yuki-onna dẫn đến việc người phụ nữ đã tiết lộ thân phận của mình là một Yuki-onna nhưng cô ta đã không giết người đàn ông đó vì họ đã có một đứa con chung, trước khi bỏ đi, cô ta cảnh cáo rằng "nếu có bất kì điều gì xảy ra với đứa trẻ thì ngươi sẽ không yên đâu!" Những câu chuyện như thế có thể được tìm thấy ở tỉnh Niigata, tỉnh Toyama và tỉnh Nagano, nơi có rất nhiều những câu chuyện về những người dân miền núi vi phạm những điều cấm kỵ và bị các ma quỷ trên núi giết chết.

Những câu chuyện dân gian về Yuki-onna hầu hết là những câu chuyện về nỗi buồn, người ta nói rằng những câu chuyện kể này xuất hiện khi mà những con người có cuộc sống bất hạnh, ví dụ như những cặp vợ chồng già hiếm muộn con cái hay những người đàn ông ế vợ trong các ngôi làng trên núi nghe thấy âm thanh của bão tuyết đập lên cửa và họ ảo tưởng về những thứ mà họ đã mong ước sẽ xuất hiện. Người ta bảo rằng sau đó, họ sẽ sống trong hạnh phúc với những gì mà họ ước ao trong những ảo tưởng thoáng qua nhanh chóng tựa như một cơn tuyết. Cũng có khi đó lại là cảm giác sợ hãi, như trong truyện Tōno Monogatari (遠野物語, "Viễn dã Vật ngữ") , âm thanh của bão tuyết đập vào shōji (một loại cửa hoặc vách ngăn bằng giấy của Nhật Bản) ở bên ngoài được người ta gọi là "shōji sasuri" (sự chà xát shōji), và có một tục lệ đó là người lớn sẽ bắt những đứa trẻ con thức khuya phải đi ngủ ngay lập tức khi nghe thấy tiếng Yuki-onna chà xát lên shōji, người ta nói những điều mà con người mong muốn sẽ đi liền theo sau nỗi sợ. Hơn nữa, mùa đông là mùa mà các vị thần sẽ đến viếng thăm, và nếu có ai đó không chịu bày tỏ lòng tôn kính thì những tai họa sẽ ập xuống đầu họ, vì vậy mà cho dù nó được xem là những thứ con người khát khao thì họ cũng không thể đặt quá nhiều niềm tin vào được. Trong mọi trường hợp, nó có thể được cho là có liên quan tới sự đi và đến của các mùa trong năm, Nobuyoshi Furuhashi - học giả về văn học Nhật Bản, nói rằng tiểu thuyết Kaze no Matasaburō (風の又三郎, "Phong hữu Tam lang") cũng có thể có liên quan đến việc này.

Có rất nhiều truyền thuyết về diện mạo thật của Yuki-onna, chẳng hạn như nói rằng Yuki-onna là một tinh linh tuyết hoặc là linh hồn của một người phụ nữ bị ngã vùi trong tuyết. Trong một setsuwa (説話, "thuyết thoại" - một thể loại văn học Nhật Bản; bao gồm thần thoại, truyền thuyết, truyện dân gian và giai thoại) của vùng Oguni thuộc tỉnh Yamagata thì Yuki-jorō (Yuki-onna) ban đầu là công chúa của nguyệt giới, do cuộc sống quá nhàm chán nên cô đã hạ trần cùng với tuyết rơi nhưng rồi lại không thể quay về mặt trăng và do thế mà người ta mới nói là cô thường xuất hiện vào những đêm sáng trăng có tuyết rơi.

Yamaoka Genrin, một trí thức vào thời Edo đã nói rằng Yuki-onna được sinh ra từ tuyết. Người ta cho rằng nếu như có rất nhiều một thứ gì đó, thì một vật thể sống sẽ sản sinh ra từ trong nó, sinh ra cá nếu nước đủ sâu và sinh ra chim nếu khu rừng đủ rậm. Vì cả tuyết và phụ nữ đều mang thuộc tính "âm", nên ở những nơi như Echigo người ta nói rằng Yuki-onna có thể đã được sinh ra từ sâu bên trong tuyết.

Trong văn hóa truyền thống Nhật Bản, có thể bắt gặp Yuki-onna trong kōwaka (幸若, "hạnh nhã" - một thể loại hát nói Nhật Bản) như vở Fushimi Tokiwa (伏見常磐, "Phúc Kiến Thường Bàn"), cũng có thể xem ở thời hiện đại. Trong Yuki-onna Gomai Hagoita của Chikamatsu Monzaemon, câu chuyện về một người phụ nữ bị lừa gạt và sát hại sau đó biến thành Yuki-onna, một hồn ma đầy thù hận để báo thù. Những diện mạo kinh khủng và mê hoặc của Yuki-onna thường được sử dụng trong các miêu tả như thế. Truyện cổ dân gian và truyền thuyết như trên cũng đã được xác nhận ở Aomori, Yamatagata, Iwate, Fukushima, Niigata, Nagano, Wakayama, Ehime, và ở những nơi khác.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Bà chúa tuyết  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  9. Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)
  10. Shitakiri Suzume (Tạo lúc: 07/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn