Xưa kia, huyện nọ có một chị nọ tuy góa chồng nhưng lại được cái mặt mày sáng sủa dễ coi, lại khôn ngoan lanh lợi. Thấy có đóa hoa xinh dễ vin dễ hái, nhiều anh chàng thường ngấp nghé. Trong số những người lui tới, có cả một thầy sãi, một xã trưởng và một quan huyện. Cả ba đều dày công thả lời ong bướm, ai cũng tưởng mình lọt vào mắt xanh cô nàng. Thực ra cô nàng chưa chút tơ vương. "Cả ba người đều có vai có vế, nhà ta từng đôi ba phen nhờ vả, thật khó mà ngang nhiên cự tuyệt". Nghĩ vậy, chị ta vẫn tiếp đãi cả ba rất ngọt ngào; trước những cái liếc mắt đưa tình, những câu bóng gió, tuy chị không vồ vập, nhưng cũng không tỏ ra thờ ơ. Cả ba thấy thế tưởng rằng cá đã cắn câu nên lại ra công theo đuổi. Tuy nhiên cuối cùng cô nàng cũng buộc phải tỏ rõ thái độ, không thể giả lả qua ngày, nhất là đối với xã trưởng là tay quyền thế trong làng, lại gần đường lui tới nên cứ săn đón luôn canh. Chị ta bụng bảo dạ: - "Thật là đáng ghét, chúng nó bám lấy ta như đỉa đói. Phải tìm cách cho cả ba một mẻ, không thể kéo dài mãi được".
Một hôm cô nàng đang ngồi ở nhà thì thầy sãi ở đâu bước vào. Sau khi trầu nước, thầy sãi bắt đầu tỉ tê đòi được một buổi hẹn hò. Chị ta đáp ngay:
- Thầy sãi muốn gì nào, tối nay có được không?.
Sãi ta như mở cờ trong bụng:
- Ô thế thì hay quá! Có chắc như vậy không?.
- Chắc như đanh đóng cột. Thầy nhớ đến chơi vào canh một nhé!.
Sau khi thấy sãi ra về, chị ta cũng lật đật chạy đi báo cho xã trưởng làm cho xã trưởng sướng run lên vì cái tin đột ngột. Tiếp đó, đến lượt quan huyện cũng tràn ngập niềm vui vì nhận được ở cô nàng một lời hứa chờ đợi từ lâu.
Đêm hôm ấy, vào khoảng trăng lặn, thầy sãi đã đến gọi cửa. Chị ta ra mở cho vào.
- Trong nhà có ai không? - Thầy sãi hỏi.
Đáp:
- Không. Cả nhà thiếp đều đi vắng.
Sãi ta chỉ đợi có câu ấy bắt đầu lả lơi. Thấy chị chàng không ra bộ cự tuyệt, sãi càng làm già. Nhưng giữa lúc thầy sãi sắp lên giường thì bỗng có tiếng gọi cửa. Như gáo nước lạnh giội vào lưng, sãi ta run lập cập. Người đàn bà làm bộ ngạc nhiên:
- Tiếng ai như tiếng thầy xã, chẳng biết đêm hôm thầy tới đây làm gì?
Nghe nói thế, thầy sãi lại càng cuống quýt, nhờ người đàn bà chỉ cho một chỗ nấp. Cuối cùng thầy đành theo lời chỉ, chui đại xuống gậm giường, vì nhà không có cửa sau.
Xong đâu đấy, chị ta mở cửa đón xã trưởng vào. Sau những câu chào hỏi mời mọc, người đàn bà nói:
- Nhân thể thiếp có chút việc muốn hỏi thầy xã
- Việc gì, cứ nói đi, xã trưởng hỏi.
- Phận đàn bà con gái không biết phép vua lệ làng. Xin hỏi: như thầy sãi bỏ chùa mà đi ve gái thì làng xử ra làm sao ạ?.
Xã trưởng cười hề hề đáp ngay:
- Ồ! Quân đó là đồ trốn xâu lậu thuế, bắt được thì đem chém quách cho rồi, để làm chi!.
Cũng như thầy sãi, khi biết nhà vắng vẻ, xã trưởng ta bắt đầu giở chuyện bài bây. Cô nàng cũng không ra vẻ cự tuyệt. Câu chuyện đang đi vào mặn nồng thì thình lình lại có tiếng gọi cửa. Xã trưởng thất kinh vì hắn nhận ra tiếng quan huyện.
- Chết nỗi, đêm hôm khuya khoắt, chẳng biết quan đến đây làm gì? Làm sao bây giờ đây?.
- Thầy đừng lo. Để thiếp tìm cho thầy một chỗ nấp.
Cuối cùng xã ta cũng được dắt vào buồng, ngồi ẩn vào một xó. Xong đâu đấy, chị ta lại mở cửa đón quan huyện vào. Sau khi dọn trầu mời nước quan, chị ta hỏi:
- Thiếp có chút việc muốn hỏi quan.
- À, việc gì đó cứ nói đi!, quan đáp.
- Bẩm quan, như thầy sãi ban đêm bỏ chùa mà đi chơi gái thì nên xử vào lỗi gì?
- Ồ!. Quan cười đáp: "Bắt được thì đánh cho năm roi, mười roi, rồi bắt phạt xâu cũng như đối với dân sự vậy!".
Quan vừa đáp xong thì thầy sãi từ dưới gậm giường lóp ngóp bò ra, lạy lấy lạy để, vừa lạy vừa nói:
- Bẩm quan lớn, ngài minh lắm: chứ không như anh xã nấp trong kia thực là quá tay. Tội có như vậy mà anh ấy đòi xử chém [1].
Trong vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến cũng có đoạn kết đầy kịch tính như truyện vừa kể. Ở vở tuồng này, nhân vật chính là Thị Hến góa chồng, làm nghề buôn bán. Vì mua phải của ăn trộm, chị chàng bị Trùm Sò bắt lên quan. Nhờ có chút nhan sắc, Thị Hến làm cho từ xã trưởng, đề lại đến quan mê như điếu đổ, và cố lo chạy chọt cho thị được khỏi liên lụy để gây cảm tình. Theo lời hẹn của Thị Hến, ở đây, xã trưởng đến trước. Ngồi chưa nóng chỗ thì đề lại đã tới gõ cửa. Thị mở cửa đón vào sau khi chỉ cho xã trưởng chỗ nấp dưới gậm giường. Ở đây cũng có một câu hỏi do Thị Hến đưa ra cho đề lại giải đáp, nhưng đối tượng lại là xã trưởng: - "Xã trưởng đêm hôm đi mò đàn bà góa thì luận tội gì?" - "Đem chém nó đi!", đề lại trả lời. Đến lượt quan huyện gõ cửa, đề lại kinh hoàng rúc dưới mớ dây khoai. Ngồi với quan, Thị Hến lại nêu câu hỏi vừa rồi. Câu trả lời của quan là: "Chỉ đem phát lạc nó là đủ". Cũng như ở truyện cổ tích, tác giả tuồng cũng mượn miệng xã trưởng và hành động lóp ngóp chui ra tạ ơn quan cứu hắn để gây cười cho khán giả. Nhưng tuồng chưa dừng lại ở đó, còn cho xuất hiện thêm hai nhân vật nữa là vợ quan và vợ thầy đề để tăng thêm tính phức tạp và vui nhộn. Họ cùng đến nơi đập cửa đánh ghen. Kết cục quan chưa kịp chui xuống gậm giường thì đã bị kéo cẳng lôi ra và bị vạch mặt chỉ trán cùng với đề lại [2].
Truyện trên vốn có nhiều dị bản trong kho tàng cổ tích của nhiều dân tộc từ Đông sang Tây, mỗi dị bản đều có nét độc đáo của nó.
Trước hết là truyện của Trung Quốc: Khước Yêu.
Khước Yêu là một nữ tỳ của Lý Dữ ở Hồ Nam, người đẹp, giỏi từ lệnh, quán xuyến công việc nhà chủ, được đối đãi tốt. Lý có bốn người con trai đều muốn ghẹo Khước Yêu mà không làm gì được. Một hôm vào tiết Thanh minh, Đại lang nắm lấy tay nàng buộc phải cho mình gặp riêng. Nàng trao cho hắn một chiếc chiếu nhỏ dặn đêm khuya đến đứng đợi ở góc Đông nam nhà sảnh. Tiếp đó lần lượt ba người em hắn đều hẹn hò và buộc cho mình được gặp riêng. Cũng như đối với anh chúng, nàng cũng lần lượt trao cho mỗi người một chiếc chiếu nhỏ, hẹn gặp không phải vào những giờ khác nhau mà là cùng một giờ ở quanh nhà sảnh. Đêm lại, người anh cả (Đại lang) đến trước nép vào một nơi để đợi người con gái, thì chợt thấy ba đứa em của mình lần lượt đi vào, ai nấy đều tìm chỗ nấp. Chốc sau, thấy Khước Yêu cầm đuốc tiến ra, mở cửa nhà sảnh, nói lớn: - "Không biết các công tử đua nhau đến tìm gì ở chỗ ở của gái hèn này?". Ai nấy đều quẳng chiếu che mặt bỏ chạy. Về sau không dám ghẹo nữa [3].
Hai truyện sưu tầm ở Bắc Ấn Độ:
1. Một người đàn bà đẹp, lương thiện, bị một quan thượng (vi-dia) theo đuổi. Để có thể được gần gụi người đàn bà, quan bảo vua rằng chồng nàng có thể lên rừng tìm bắt một con chim chưa ai thấy, gọi là rang-ta-ti-ya. Vua muốn có ngay con chim lạ, bèn đòi anh kia đến, ra lệnh đi tìm con chim theo lời quan thượng, giao hẹn nội một tháng phải có. Ở cung vua về, anh kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo: - "Đừng đi, quan thượng muốn giết anh đấy", lại nói: "Được, nếu thế thì tôi sẽ có một mưu còn sâu hơn mưu của quan thượng"- Bèn bảo chồng đào một hố ở trong buồng, đặt xuống đấy một vại đầy mật. Lại trải một tấm vải rộng trên giường, rải lên một lượt bông chưa bật có nhiều màu. Xong việc chị chàng hẹn với quan đến nhà. Quan vừa vào được một chốc sắp dược vui thú, thì ở ngoài đã có tiếng đập cửa. - "Có lẽ chồng tôi đã tìm bắt được chim đưa về", nàng nói với quan. - "Xin chỉ cho một chỗ trốn". Người đàn bà dắt hắn vào buồng. Đang đi thì hắn ngã vào vại mật, hắn nhờ nàng kéo lên và chùi hộ. Làm xong việc này nàng bảo hắn lên nằm trên tấm vải trải ở giường và bọc lại như cái gói. Đoạn ra mở cửa cho chồng vào, chỉ cái gói bọc và nói: "Đây là chim rang-ta-ti-ya". Chồng mang cả bọc đến vua và nói: - "Tâu bệ hạ, đây là con chim mà quan thượng mách. Nếu giội nước vào thì màu nó còn lấp lánh đẹp hơn". Vua sai làm như lời. Nước chảy đến đâu quan thượng lộ hình đến đấy. Vua cười, truất chức hắn mà cho anh kia lên thay.
2. Một ông vua theo đuổi vợ một người dân. Một hôm đứng trước vua, thấy vua và quan thượng cười, anh cũng cười theo. - "Mày cười gì đấy?", quan thượng hỏi. - "Không", anh đáp: - "Không là cái quái gì? Mày hãy đi tìm cho được nó rồi đưa nó về đây. Vua tán đồng, ra lệnh bảo phải đi tìm, không có không được. Anh buồn bã trở về kể cho vợ hay. Vợ bảo rồi sẽ tìm cho, không khó. Bèn cho đào mấy hố trong buồng của mình, đặt vào đó một thùng đầy nhựa. và ở một hố khác, một thùng đầy lông chim. Rồi bảo chồng đến báo với vua là đã tìm được, mời vua đến vào một giờ hẹn. Vua đến lả lơi với người đàn bà. Sau đó không lâu có tiếng đập cửa. Người đàn bà hỏi: -"Ai?" - "Ta là chồng nàng" - "Sao lại về?" - "Để lấy vũ khí". Nghe nói, vua sợ, hỏi: - "Trốn đâu bây giờ?". Người đàn bà mở cửa buồng thứ nhất cho vua vào. Vua rơi vào thùng nhựa. Nàng kéo lên và cho vào buồng thứ hai, vua lại rơi vào thùng lông. Đoạn nàng ra mở cửa cho chồng vào, nói là mình đã tìm hộ cho cái "Không", cái "Không" này không phải là người cũng không phải là chim. Anh vực cái "Không" về cung, chẳng ai hiểu đó là vua. Từ đó vua tởn đến già. Hai vợ chồng sống yên ổn.
Truyện của Tây-tạng đã có chép trong sách Can-jua (Kandjour):
Ma-hăng-sa-đa, quan đầu triều, có một người vợ rất đẹp và khôn ngoan tên là Vi-sa-ka. Nàng đã làm cho sáu quan thượng thư mê mẩn. Mỗi người đeo đuổi nàng với nhiều hứa hẹn mà không ăn thua. Cuối cùng Vi-sa-ka xin chồng làm một chuyện cho chúng tẽn. Bèn bảo chồng đắp bệnh nằm nhà. Tin ấy đến tai các quán thượng. Nàng gửi cho mỗi người một thư mời đến nhà vào giờ nọ giờ kia. Trước đó nàng thuê làm sáu cái hòm lớn đặt vào sáu buồng khác nhau. Mỗi quan đến giờ hẹn tới nhà nàng được tiếp ân cần và cứ đến lúc sắp được hưởng ơn huệ cao nhất thì có tiếng gõ cửa và bị bỏ vào một hòm. Sáng dậy, nàng bắn tiếng là Ma-hăng-sa-đa chết, mang đến cho vua sáu hòm của cải của chồng. Vua chưa hiểu ra thế nào thì Ma-hăng-sa-đa đã tới cùng với vợ trang sức đầy hoa. Nàng kiện các quan thượng. Sau đó các hòm mở ra. Ma-hăng-sa-đa kể cho vua hay mọi việc và được vua khen ngợi.
Truyện của người Ca-sơ-mia (Cachemire) và người Ả-rập (Arabes), người Xi-ri-a-cơ (Siriaques) cũng kể tương tự:
Chồng nàng U-pa-cô-sa đi hành hương ở núi Hy-mã-lạp (Himalaya). Hàng ngày, nàng ở nhà đi tắm sông Hằng. Một hôm trên đường về lần lượt gặp ba người, một thượng thư, một linh mục (pu-rô-hi-ta) và một chánh án, đều muốn dùng bạo lực bắt nàng. Để được thoát nạn người đàn bà ấy hẹn với mỗi người đến nhà mình trong một đêm, nhưng với giờ giấc khác nhau. Trước đó nàng sai con hầu mang tiền đến cho một lái buôn mà khi chồng ra đi dặn gửi cho hắn. Nhưng nàng lại quên không lấy chứng từ nên bị tên lái buộc phải ngủ với hắn một đêm, nếu không thì mất. Nàng hẹn hẹn hắn đến nhà vào giờ chót. Nàng còn bảo con hầu chuẩn bị cho mình một thứ nước trộn bồ hóng, dầu và nước thơm. Lại thuê thợ đóng một cái tủ lớn có từng cánh có khóa. Canh một, viên thượng thư đến. Nàng bắt hắn ta phải tắm đã mới cho chung gối. Con hầu dẫn hắn vào một phòng tối nói là xoa bóp, kỳ thực là bôi nước bồ hóng. Đang làm dở dang thì linh mục tới. Chủ tớ bèn giấu thượng thư vào ngăn đáy tủ khóa lại. Linh mục và tiếp sau là chánh án đều lần lượt bị bôi bồ hóng từ đầu đến chân như thượng thư và đều nằm vào ngăn thứ hai, thứ ba, v.v... Nàng tiếp tên lái buôn ở ngay cái buồng có tủ. Trao đổi với hắn về số tiền gửi, lái ta nói rất tự nhiên: - "Nàng đừng lo. Tôi đã nói là tôi nhận số tiền của chồng nàng gửi cho tôi rồi". Ngoảnh về phía cái tủ, nàng nói to: - " Các ông Thần Bếp nhà tôi, các vị có nghe anh ta nói gì không?". Đoạn cũng bảo con hầu đưa hắn vào buồng tối tắm nước bồ hóng, nói dối là tắm nước lã và vì lúc ấy trời sắp sáng, nên tống hắn ra cửa. Sáng dậy, nàng đến gặp vua và kiện người lái buôn không chịu trả số tiền của chồng mình gửi. Vua cho đòi lái đến. Hắn chối phăng. Nàng nói là có nhân chứng biết việc này tức là ông Thần Bếp mà chồng nàng đã cất vào tủ. - "Hãy chở tủ đến đây", vua bảo. Khi tủ được mang đến, nàng nói to. - "Các vị hãy thành thực chứng nhận lời của ngươi lái buôn này đi, nếu nói sai ta sẽ đốt các vị cùng với cái tủ". Lập tức từ cái tủ có ba tiếng nói phát ra chứng nhận lời của người đàn bà. Tên lái kinh ngạc thú nhận. Vui sai mở tủ thì thấy có ba bóng đen nhẵn nhụi chui ra. Mọi người cười ồ. Nàng kể lại mọi việc cho vua hay, được vua ban vàng bạc. Và vua đuổi cổ ba người kia.
Một truyện khác của Ả-rập (Arabic).
Một thiếu phụ đẹp có chồng thường xa nhà, dan díu với một anh chàng khác. Một hôm gã trai này đánh nhau với một lão thầy tướng, bị tống giam. Thiếu phụ nghĩ cách cứu, bèn tìm đến phòng làm việc của cảnh sát trưởng. Người này đòi được ngủ một đêm sẽ tha. Nàng mời đến nhà mình vào lúc mặt trời lặn. Lại đến yết kiến quan chánh án. Chánh án cũng đòi như trên và cũng được hẹn vào lúc nhá nhem. Sau đó lại đến lượt tể tướng, rồi vua, và họ đều được hứa hẹn vào những thời gian muộn hơn. Sau cùng thiếu phụ đến nhà người thợ mộc đặt một cái tủ năm ngăn, mỗi ngăn có cánh và khóa riêng, hẹn chiều phải xong. Thợ mộc cũng đòi một ân huệ đặc biệt thay cho tiền công và được nàng hẹn vào nửa đêm.
Đến giờ hẹn, cảnh sát trưởng tới. Nàng đưa cho hắn mặc một bộ đồ ngủ màu vàng. Sắp bước vào cuộc vui thì chánh án tới, gõ cửa. Cảnh sát được chui vào nằm ở ngăn tủ dưới cùng, khóa lại. Chánh án sau khi viết cho nàng bức thư tha tội gã tình nhân bị giam (mà nàng bảo là anh ruột mình) cũng được nhận bộ đồ ngủ màu đỏ, và cũng hốt hoảng chui vào ngăn tủ thứ hai sau khi nghe tiếng gõ cửa của tể tướng. Lại đến lượt tể tướng với bộ đồ ngủ màu xanh và chui vào ngăn thứ ba sau khi nghe tiếng gõ của vua. Tiếp đến, vua cũng nhận bộ đồ ngủ màu lam và chui vào ngăn thứ tư khi có tiếng gõ cửa của người thợ mộc. Khi người thợ mộc sắp sửa lả lơi, nàng bỗng bảo hắn: - "Sao cái ngăn tủ quá hẹp?". - "Hẹp thế nào được". Hắn nói thế rồi trèo vào nằm thử để cho nàng thấy mình làm đúng. Nhưng thiếu phụ đã bất chợt đóng ập cửa lại khóa luôn hắn vào trong, rồi đi đến nhà giam đưa giấy của chánh án cho chủ ngục. Tình nhân được thả, nàng đưa về nhà. Hai người đùa giỡn vui thú bên cạnh cái tủ. Sau đó họ nhặt nhạnh mọi thứ của quý và mấy bộ áo quần tốt của mấy người kia, đoạn họ sang nước khác. Năm người nằm phục vị trong tủ luôn trong hai ngày. Mót quá, anh thợ mộc đái xuống đầu vua, vua đái xuống đầu tể tướng, tể tướng đái xuống chánh án, chánh án đái xuống cảnh sát trưởng. Cuối cùng họ nhận ra nhau nhưng chẳng có cách gì để tự giải thoát cả. May sao, giữa lúc ấy anh chồng thiếu phụ về. Thấy nhà trống mà có cái tủ lạ và tiếng rì rầm bên trong, hắn bèn cạy khóa. (Một dị bản kể là hàng xóm nghe tiếng kêu cứu đến phá cửa ra). Để an ủi anh chàng mất vợ, vua phong cho hắn làm hữu thừa tướng [4].
Trong Nghìn lẻ một đêm, truyện trên được kể giống với một loại truyện mà người phương Tây quen gọi là "truyện ngăn kéo" [5]: bốn anh chàng mê gái - ở đây là gái có đức hạnh - bị gái lừa và biến thành những con người kỳ cục (vì cũng như các trường hợp đã kể, khi sắp được hưởng ân huệ, cô gái bắt họ thay những áo quần lố lăng mà mình đã chuẩn bị sẵn), và chưa được gì thì đã có tiếng đập cửa, rồi bị đẩy vào những gian buồng khác nhau. Sau khi từ những căn buồng này bước ra, người nào cũng buộc phải nhảy hết hơi và mỗi người phải kể một câu chuyện vui.
Truyện của Ba-tư (Iran)- Nhà kiến trúc, vợ anh ta và ba vị đại nhân của vua Gu-va-chia:
Thành phố Bim xứ Kéc-man có một nhà kiến trúc giỏi nhưng lười. Một hôm vợ bảo đi sang nước Gu-va-chia để xây dựng sự nghiệp nếu không thì xấu hổ. Khi chồng ra đi, vợ giao cho một cây bạch dương, bảo: nếu cây héo là lòng trung thành bị giảm sút: nhưng nếu cây tươi thì nên nhớ là vợ mình đang đợi. Đến nơi, anh mới biết các nhà kiến trúc nước này đều bị vua giam, vì vua sai làm một cung điện và một lầu bát giác, hẹn nếu không xong thì phạt một nghìn đồng, nhưng không ai chịu làm. Anh xin phép vào ngục hỏi những người bị giam, rồi trở về quyết vẽ mẫu thi công. Làm xong, anh được vua khen ngợi, cho làm quan với số tiền thưởng đã hứa, lại cất nhắc làm đại thần. Có ba vị đại thần cũ ghen tị, tìm cách hãm hại. Một hôm anh cầm cây bạch dương tươi bỗng nhiên nhớ vợ, khóc rồi ngủ vùi. Một người lấy rượu thịt bỏ vương vãi ở xung quanh anh và ở ngai vàng, rồi tâu cáo với vua rằng anh say sưa đến mức có hành vi thiếu tôn kính. Vua cho đòi đến, anh nói thực về cây bạch dương và sự trung thành của vợ, lại nói mình chưa ăn uống gì, chắc là bị người vu cáo. Vua cho người ngửi ở mồm quả không thấy có mùi men, nên tha. Nghe lời anh tâu, chúng bèn dọn tiệc cố phục rượu để hy vọng lúc say, anh phun ra những điều bí mật. Thế rồi một hôm trước mặt vua, bọn đại thần gièm về đức hạnh của vợ anh. Anh đưa cây bạch dương xanh tươi tỏ vẻ không tin và<em style="box-sizing: border-box; cursor: pointer; -webkit-tap-highlight-color: transparent; margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; font-style: italic; font-variant: inherit; font-weight: inherit; font-stretch: inherit; font-size: inherit; line-height: