Sự tích vua Heo
Trước Tiếp theo

Đánh giá: 4/5 - 10 phiếu

Sự tích vua Heo

Ngày xửa ngày xưa, không rõ thời gian nào, có một cậu bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lang thang khắp nơi xin ăn qua ngày, một ngày cậu đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt. Cậu còn hay nghịch ngợm lấm lem nên mọi người chế giễu gọi cậu là thằng Heo. Mặc cho mọi người chê, Heo vẫn không mảy may quan tâm. Bao nhiêu năm trôi qua, năm nào cũng hạn hán lũ lụt, mấy đứa trẻ nhà nghèo bằng tuổi cậu không ốm yếu thì cũng gầy tong teo, ấy thế mà Heo vẫn sống khỏe mạnh và ngày càng lớn. Năm lên mười lăm tuổi, Heo lui đến ở với một vị quan lớn.

Heo khỏe mạnh lại nhanh nhẹn nên quan ưng lắm, sai tất thảy mọi việc. Một hôm, vị quan lớn bắt Heo múc một chậu nước để kì chân cho quan. Lúc Heo sờ vào chân của quan, quan chỉ tay vào mấy cái nốt ruồi của mình và nói:

- Mày có nhìn thấy không? Đây là ba nốt ruồi son quý của ông đấy, mày rửa chân ông cẩn thận, làm xước ba nốt ruồi của ông thì cả họ nhà mày cũng không đền được cái tướng quý báu đấy đâu.

Heo ta nghe quan lớn nói vậy thì mới vạch áo cho quan lớn nhìn những nốt ruồi son của mình và nói:

- Quan lớn mới có mỗi ba cái nốt ruồi son thôi mà đã cẩn trọng giữ gìn như báu vật đến vậy. Quan nhìn xem, con có tận chín cái nốt ruồi son đây này.

Quan lớn ngạc nhiên nhìn thấy tận chín cái nốt ruồi son ở đằng sau lưng Heo thì chột dạ: "Ôi trời đất! Mình có ba cái nốt ruồi son thôi mà gia thế đã được thế này, cái thằng mồ côi bẩn thỉu kia lại có đến tận chín cái. Sau này nó không làm Vua thì ắt cũng quan to chức lớn, ta lại dưới chướng nó thì còn mặt mũi nào nữa. Ta phải giết nó đỡ gây hậu họa về sau".

Thế rồi vài ngày sau, quan lớn giao cho đứa hầu gái một gói thuốc độc và dặn rằng:

- Hôm nay xới cơm cho thằng Heo ăn thì phải rắc ngay gói thuốc độc này vào bát, để ai biết được chuyện ta cho Heo trúng độc ra ngoài thì ngươi sẽ chết ngay tức khắc.

Cô hầu gái cầm lấy gói thuốc độc từ tay tên quan mà lòng đau như cắt, cô và Heo làm người hầu trong nhà đã bao năm nay, có gì cũng giúp đỡ nhau, lần này quan ép cô giết Heo, cô không biết phải làm như thế nào. Buổi hôm ấy, Heo sách giỏ ra chợ mua một ít giấy bút cho chủ. Về đến nhà thì cô hầu gái đang cho đàn Heo ăn. Đang đói bụng, Heo vơ vội bát cơm định cho vào miệng thì nghe tiếng cô vừa gõ vào chiếc máng lợn vừa mắng:

- Heo ôn! Heo ôn! Heo ăn Heo sẽ chết, mà Heo không ăn thì Heo cũng sẽ chết!

Cô vừa gõ mạnh vừa nói đi nói lại tới ba lần liền. Anh chàng Heo nghe thấy cô hầu gái quát đàn Heo thì cảm giác có điều không lành bèn lân la đến chỗ cô hầu gái dò hỏi:

- Tôi sắp gặp chuyện gì đáng lo sao? Cô nói cho tôi biết đi.

Cô hầu gái đáp:

- Sau này Heo đừng quên tôi thì tôi sẽ nói cho Heo biết.

Heo gật đầu đồng ý. Cô hầu cầm tay Heo kéo ra một góc khuất rồi kể hết đầu đuôi câu chuyện cho Heo nghe và bảo:

- Heo mau chạy trốn đi, đừng để quan lớn biết được, nếu không không những Heo chết mà tôi cũng chết.

Cảm tạ ơn cứu mạng của cô hầu gái vô cùng, Heo ôm lấy cô hầu gái và nói:

- Sau này nếu như tôi làm nên thì cô hãy tìm tới ta, nhưng nhớ khi đến thì để mái tóc lù xù như này tôi mới nhận ra được.

Heo bỏ chạy thật xa, đến làm thuê cho một lão trọc phú. Trọc phú thấy Heo đến xin việc, nhìn cũng nhanh nhẹn tháo vát nhưng chưa biết phân công cho Heo làm việc gì nên hắn bắt trông nom mấy đứa con chơi bời lêu lổng của hắn. Heo vui vẻ chấp nhận, trông mấy đứa nhỏ không quá vất vả nhưng mấy đứa này lại nghịch ngợm vô cùng, Heo lúc nào cũng phải kè kè bên chúng để chăm sóc. Có lần không may để một đứa nghịch bẩn, Heo bị trọc phú mắng nhiếc thậm tệ. Tuy nhiên Heo vẫn kiên nhẫn chịu đựng không cãi lại lời nào.

Một hôm, lão trọc phú thấy mấy đứa con hắn không có gì chơi nên hắn bảo Heo:

- Mày hãy bò ra sân làm ngựa để cho các con tao cưỡi. Có thế mới đáng đồng tiền bát gạo tao thuê mày.

Cực chẳng đã Heo phải bò ra để làm ngựa, hết đứa lớn rồi đến đứa nhỏ leo lên lưng Heo để cưỡi, chúng nó tỏ ra rất thích thú. Đến hôm sau chúng lại đòi cưỡi, đứa con lớn của lão trọc phú nhảy phốc một cái lên lưng Heo, nó kéo tai, Heo vẫn cố chịu đựng. Một lúc sau, nó lấy một cái roi quật mạnh vào đít Heo, vừa quật nó vừa kêu "nhoong nhoong" như kiểu cưỡi ngựa thì Heo tức giận đùng đùng, Heo quay tay ra sau gạt nó một cái, thằng bé đang ngồi bị gạt mạnh văng xuống đất vỡ đầu chảy máu rồi chết. Heo hốt hoảng: "Mình đánh chết con trọc phú rồi, tí nữa là đến lượt mình cũng phải chết theo", nghĩ thế Heo vội vàng bỏ trốn luôn.

Heo bỏ đi rất xa, tới tận một ngôi chùa ở trên núi. Heo xin sư trụ trì được cắt tóc quy y đi tHeo cửa phật. Vị sư đang cần người khéo léo, giỏi leo trèo để lau chùi các pho tượng phật nên đã nhận Heo ở lại chùa. Một hôm, vị hòa thượng thấy những phần kẽ chân kẽ tay của những pho tượng bám đầy bụi bặm, nghĩ là Heo mải chơi không chịu lau chùi nên đã mắng Heo một trận, hao thấy thế thì ức lắm. Hôm sau Heo tỉ mỉ lau kĩ nhưng các pho tượng vẫn không sạch được vì những kẽ đó rất khó chùi. Bực mình Heo trợn mắt nhìn pho tượng và quát:

- Mau nhấc tay lên cho ta lau.

Pho tượng gỗ bỗng giơ tay lên trời, lau xong Heo lại quát:

- Duỗi chân ra mau, không ta cho ăn một gậy bây giờ.

Pho tượng phật đang ngồi tự dưng nhổm dậy duỗi chân ra để cho Heo lau. Chỉ một loáng là các pho tượng đều sạch bóng. Lau xong tất cả, Heo lại hô các pho tượng trở về như vị trí ban đầu. Ngày nào lau chùi Heo cũng làm như vậy, cho đến một hôm, mệt quá nên lau chùi xong Heo bỏ vào giường ngủ mà quên mất không hô cho các pho tượng trở lại vị trí ban đầu. Buổi tối khi các hòa thượng lên chùa để tụng kinh thì ai nấy giật mình nhìn tướng tá các pho tượng, cái thì giơ tay, cái thì nghiêng mình, thật là một cảnh tượng chưa bao giờ có, sư trụ trì cho gọi Heo lên và hỏi:

- Tại sao các pho tượng lại trở nên kì quái thế này?

Heo lễ phép đáp:

- Là con không lau được các kẽ tượng nên mới bảo chúng làm như thế đó ạ.

Lần này vị sư lại càng bất ngờ hơn. Ông thầm nghĩ bụng: "Chỉ có thiên tử mới có thể ra lệnh được phật. Chắc chắn sau này Heo sẽ lên làm Vua, ta mà giấu nó trong đây, sau này quan quân truy nã thì ta sao tránh khỏi tội lớn". Nghĩ thế ông cho người bí mật lên báo quan. Nhưng lúc quan quân đến Heo đã chạy thật xa, một chú tiểu đồng tốt bụng đã nhanh nhẹn báo cho Heo biết sự tình nhắc Heo bỏ trốn thật mau.

Heo cứ chạy mãi chạy mãi, đến một huyện kia, Heo lại xin làm hầu cho một phú thương. Trước nhà phú thương có trồng một hàng cau, cây nào cây nấy xếp hàng nhau thẳng tăm tắp. Hàng cau này chính là hàng cao phát lộc cho ông ta nên ông ta chăm sóc rất chu đáo, thuê Heo về ông giao nhiệm vụ cho Heo hàng ngày phải xách nước tưới cau. Một hôm, Heo mệt quá ngồi nghỉ dưới gốc cau, Heo buột miệng chỉ vào ba cây cau và nói:

- Cây này là cây cha, cây này là cây mẹ, còn cây này là cây con!

Bỗng nhiên, ba cây cau đang thẳng tắp ngang nhau thì trở nên lớn bé cao thấp khác nhau. Cây cha thì cao và lớn hơn tất cả, còn cây con lùn tè, buồng có nó còn gần chạm tới mặt đất. Sang ngày hôm sau, phú thương thấy hàng cau mình sảy ra sự lạ bèn gọi Heo đến hỏi cho ra nhẽ. Heo đáp:

- Là tôi ngỗi chỉ tay vào chúng nói thế nên chúng thay đổi như vậy đó.

Phú thương cười ngặt nghẽo, nào có ai ra lệnh được cho cây bao giờ, nhưng cũng bảo Heo:

- Nếu đúng là mày ra lệnh cho chúng thì mày hãy biến chúng về vị trí như cũ xem.

Heo trợn mắt bảo hắn:

- Lời tôi nói ra rồi sẽ không rút lại đâu. Quân tử nói một là một, một lời nói ra nặng tựa ngàn cân.

Phú thương nghe vậy thì tức lắm, điên tiết cầm gậy đuổi đánh Heo. Heo bỏ chạy thục mạng, dù có mệt mỏi, đói đến lả đi Heo vẫn không dám dừng lại vì sợ bị bắt lại đánh đạp. Mãi đến nửa đêm, vừa mệt vừa buồn ngủ, Heo chui đại vào một nhà nọ để kiếm chỗ ngả lưng. Trong nhà la liệt là người, không còn chỗ cho Heo ngủ, nhìn bên cạnh có bàn thờ Long Thần vừa vặn nằm, lại có cả chiếu manh nên Heo vứt tượng Long thần xuống đất trèo lên bàn ngủ ngon lành. Sáng hôm sau Heo dậy sớm, ra khỏi nhà tiếp tục đi.

Khi chủ nhà thức dậy, đã thấy tượng Long thần nằm ở dưới đất, trên bàn thờ thì có dấu vết người nằm mà chưa dọn dẹp nên ai nấy cũng đều thấy làm lạ, hỏi ai dám vứt tượng Long Thần xuống đất thế này thì không ai nhận. Mọi người lau chùi lại bàn thờ rồi đưa tượng Long thần lên chỗ cũ. Nhưng khi họ nhấc tượng lên thì không tài nào nhấc nổi. Họ ngơ ngác nhìn nhau không biết nói gì, chủ nhà vội cho mời một thượng đồng đến xem bà ta thì thay lời Long thần nói rằng:

- Ta ở đất của nhà Vua, Vua đặt ta ở đâu thì ta ở yên chỗ đó.

Nghe thấy thế, ai nấy đều tin rằng thiên tử đã đến ngủ tại nhà mình tối qua. Tin này truyền đi một cách nhanh chóng trong dân chúng. Mọi người đều phấn khởi vì sắp có một minh chúa xuất hiện cứu giúp sinh linh đang đau khổ trong cảnh lầm than cơ cực của nước nhà lúc bấy giờ.

Heo bỏ chạy lên núi thì gặp một toán giặc, Heo liền xin họ cho gia nhập đi đánh, càng ngày càng lập nhiều chiến tích. Nhờ có trí thông minh và khả năng trời phú sai khiến được cả Thần Phật thì Heo được cả sơn trại tôn làm trại chủ. Càng ngày càng có nhiều anh em xin đi theo. Heo chỉ đạo quân mình chống đối với quân của triều đình, nhiều trận đánh Heo chiến thắng làm cho quân triều đình thất bại thảm hại. Đất đai của Heo ngày càng được mở rộng mãi. Chàng tự xưng Vua, thiết lập hệ thống quan và binh lính triều đình. Từ đó mọi người hay gọi chàng là Vua Heo.

Một ngày nọ khi đi qua tỉnh năm xưa, bỗng có một cô gái ra chặn đường xin bái kiến, quân lính mang cô đến gặp Vua Heo, Vua Heo nhận ra cô gái có mái tóc lù xù năm xưa đã cứu mạng mình thì lập tức mang nàng về kinh và phong làm hoàng hậu. Vua Heo sống hạnh phúc bên hoàng hậu, nhân dân dưới triều Vua Heo thì an nhàn, ấm no hạnh phúc, mọi người ca tụng Vua không ngớt.

(Đọc truyện cổ tích hay Sự tích chim hít cô)

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Anh chàng nghèo khổ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  9. Người nghèo, người giàu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  10. Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Main:
Secondary:
Outline:
Footer:
Menu: