Ông Huỳnh Mẫn Đạt quê quán ở Rạch Giá thi đậu cử nhân, triều Tự Đức ông làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh Hà Tiên.
Khi thực dân chiếm Nam Kỳ, ông viện cớ già, xin về hưu trí.
Trong khi ấy, người bạn của ông là Tôn Thọ Tường ra đầu hàng tân trào, được phong làm Đốc phủ sứ.
Hôm ấy, ông Huỳnh Mẫn Đạt lên Sài Gòn chơi. Đi ngang qua bùng binh chợ, ông dừng lại để nghe giàn nhạc của nhà binh Tây thổi kèn.
Tình cờ, Đốc phủ sứ Tôn Thọ Tường đi xe song mã tới. Ông Huỳnh Mẫn Đạt không muốn gặp mặt Tôn Thọ Tường nên vội vàng núp bên gốc cây.
Trong bụng ông khinh thường Tôn Thọ Tường. Nhưng Tôn Thọ Tường, lanh mắt nhảy xuống xe, chạy lại chào hỏi ông Huỳnh Mẫn Đạt. Rồi trách ông này sao lên Sài Gòn mà không ghé nhà mình chơi.
Ông Huỳnh Mẫn Đạt đứng trước một tình thế khó xử, bèn ngâm bài thơ bát cú, tỏ bày tâm sự:
Cừu mã ba năm dạo cặp kè,
Duyên sao giải cấu khéo đè ne.
Đã cam bít mặt cùng trời đất,
Đâu dám nghiêng mày với ngựa xe.
Hớn hở trẻ dong đương dặm liễu,
Lơ thơ già núp cội cây hòe.
Sự đời thấy vậy thì hay vậy,
Thà ẩn non cao chẳng thấy nghe.
Ý của ông Huỳnh Mẫn Đạt là buồn cho mình già nua, an phận, không bằng Tôn Thọ Tường là người tuổi trẻ, bay nhảy gặp thời. Lời văn công kích bạn nhưng rất tao nhã.
Ông Tôn Thọ Tường bèn trình bày cảnh khổ não của mình: tuy làm việc cho Pháp nhưng lòng vẫn đau xót:
Tình cờ xảy gặp bạn tiền liêu,
Thi phú ngâm nga hứng gió chiều.
Thế cuộc đổi dời đà lắm lắm,
Thiên cơ mầu nhiệm hãy nhiều nhiều.
Nước non dường ấy tình dường ấy,
Xe ngựa bao nhiêu, bụi bấy nhiêu.
Hăm hở nhạc Tây nghe trỗi mạnh,
Nghe qua ngùi nhớ giọng tiêu thiều.
Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) quê ở làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định ( nay là TP. HCM ); có sách cho rằng ông là người ở Rạch Giá - Kiên Giang.
Huỳnh Mẫn Đạt thi Hương đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1831), làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh An Gian. Ông nổi tiếng giỏi thơ Nôm ở đất Đồng Nai; là bạn tâm giao của Bùi Hữu Nghĩa (nhà thơ yêu nước 1807 - 1872)
Ông đứng trong hàng ngũ những nhà thơ yêu nước ở Nam Bộ thời kỳ đầu kháng Pháp của dân tộc. Ông góp phần vào cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường (Tôn Thọ Tường là tay sai cho Pháp, nhưng tự cho mình là người thức thời, là người trung thành với Triều đình nhà Nguyễn; tự ví mình như “Tôn phu nhân quy Thục”, “Từ Thứ quy Tào” ở trong thơ. Tường đã bị Phan Văn Trị ( 1830 - 1910 ) và Huỳnh Mẫn Đạt cùng một số nhà thơ yêu nước khác họa thơ đập lại ). Những bài thơ như: “Điếu Nguyễn Trung Trực”, “Cây dừa”, “Chó già”, “Lão kỹ quy y”,. . . Nói lên lòng chung thủy của ông đối với đất nước; sự ngưỡng mộ với những anh hùng liệt sĩ chống Pháp và sự căm ghét, khinh bỉ bọn tay sai của bọn thực dân xâm lược
Năm 1861 giặc Pháp tấn công Định Tường, Huỳnh Mẫn Đạt cùng binh sĩ ra sức giữ thành mà không nổi. Đến khi nhà Nguyễn nhường ba tỉnh miền Đông (gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) cho Pháp, Huỳnh Mẫn Đạt lại được cử làm Tuần phủ Hà Tiên. Chẳng bao lâu sau, toàn cõi Nam Kỳ cũng vào tay Pháp hết, không hợp tác với chính quyền mới, ông cáo quan về sống tại Rạch Giá cho đến khi mất.
Theo bia mộ, Huỳnh Mẫn Đạt qua đời vào tháng 2 năm Nhâm Ngọ (tức tháng 3 năm 1882), hưởng thọ 75 tuổi.