Ông bá hộ nọ sinh ra hai người con gái xinh đẹp. Với bản chất lo xa, ông gả đứt con gái thứ hai cho một thanh niên dốt đặc, suốt ngay anh ta chỉ biết chăm lo việc đồng áng. Riêng về đứa con thứ ba, ông gả cho một chàng nho sĩ đang học hành dở dang.
Hôm nọ, nhân lúc rảnh rang, ông bá hộ rủ hai chàng rể đi dạo chơi ngoạn cảnh. Trên dòng sông trong vắt, nước chảy êm đềm, ông thấy một con ngỗng vừa lội, vừa kêu inh ỏi.
Ông bèn hỏi:
- Này hai con, tại sao con ngỗng kêu to như thế?
Chàng rể thứ ba, ỷ mình biết chút ít chữ nghĩa, bèn vỗ trán suy nghĩ rồi long trọng nói:
- Trường cảnh tắc đại thanh.
Trong khi ấy chàng rể thứ hai giải thích:
- Con ngỗng kêu to vì trời sanh nó sẵn như vậy.
Chập sau, ông bá hộ gặp một con vịt lội tung tăng trong ao, ông hỏi hai chàng rể:
- Tại sao nó nổi phêu trên mặt nước.
Chàng rể nho sĩ nói câu chữ:
- Đa mao thiểu nhục tắc phù.
Chàng rể nông dân lắc đầu:
- Chẳng có gì lạ cả. Trời sanh nó nổi thì nó nổi
Mãn cuộc du ngoạn, ông bá hộ đưa hai chàng rể về nhà uống rượu, ông gật gù khen chàng rể thứ ba:
- Con học nhiều, rành sách vở thánh hiền. Hồi nãy con giải đáp rành rẽ, cha lấy làm vui lòng ...
Người rể thứ hai nghe vậy, tỏ thái độ bất mãn:
- Vậy chớ hồi nãy khi thấy con ngỗng kêu lớn tiếng, dượng ba nói câu gì?
Người rể thứ ba đáp:
- Trường cảnh tắc đại thanh, nghĩa là cổ dài thì kêu tiếng to lớn.
Người rể thứ hai đáp:
- Vô lý quá. Vậy chớ con ếch, con ển ương đâu có cổ dài, chúng nó vẫn kêu to! Còn dượng cắt nghĩa tại sao con vịt nổi phêu trên mặt nước?
- Tôi nói: đa mao thiểu nhục tắc phù, nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nó nổi.
Người rể thứ hai cãi:
- Vậy chớ chiếc thuyền đâu có lông, đâu có thịt mà nó vẫn nổi phêu trên mặt nước! Tóm lại, hai câu chữ nho của dượng Ba đều ... trật cả. Theo ý kiến nông cạn của tôi thì "ngỗng kêu lớn tiếng." "vịt nổi trên mặt nước." đều do trời sinh ra như thế, chẳng cần giải thích lôi thôi.
Người rể nho sĩ lắc đầu, nhìn nhận rằng lời nói ngang tàng của chàng dốt cũng có lý.
Ông bá hộ bèn cười khì, lẩm bẩm:
- Thế mới hay, lời tục thường nói: "Thà dốt đặc còn hơn chữ lỏng".