Ở tỉnh Khánh Hòa, có người con gái nọ giỏi về phép thần thông. Nàng ngao du qua đến bên Tàu. Nhan sắc lộng lẫy đó khiến thái tử Tàu để ý, cưới nàng làm vợ, sanh hai đứa con trai mặt mũi khôi ngô.
Lần hồi, thái tử Tàu say mê một nàng khác ở tỉnh Phước Kiến mà lãng quên người vợ Việt Nam này. Nàng thua buồn định trốn về nước.
Thuở đó bên Tàu có cây Kỳ Nam rất quý, dùng làm vị thuốc hoặc tiện ra hột chuỗi cho các quan đại thần đeo. Sực nhớ đến nước nhà không có giống Kỳ Nam, nàng quyết tâm thâu về tổ quốc nguồn lợi quan trọng đó. Bữa kia, nàng bẻ một nhánh Kỳ Nam, đọc thần chú rồi thả nhánh nọ xuống biển. Rồi mẹ con ngồi lên nhánh đó, gió xuôi đưa trở về Khánh Hòa, tấp ngay Cửa Bé. Nàng rứt nhánh Kỳ Nam ném tung khắp hướng trên núi. Nhờ phép linh của nàng, cây Kỳ Nam mọc đều khắp trên núi, giống như loại chùm gởi, mùi thơm bay nực.
Hòn núi đó bây giờ tên là Hương Sơn, có thứ Kỳ Nam tốt nhất.
Nói về thái tử nọ, khi hay tin bà vợ trốn về Việt Nam thì hoảng sợ, sợ nhất là bà vợ nọ tóm thâu hết tất cả cây Kỳ Nam bên Tàu. Chàng ra lệnh đóng chiếc thuyền, trương buồm qua Khánh Hòa. Nàng hay được bèn bày ra một kế: Thừa lúc đang vui vầy ăn tiệc, nàng niệm thần chú khiến tảng đá lớn trên núi lăn xuống nhận chìm ghe của chàng. Chàng không còn phương thế nào về Tàu được nữa đành ở lại với vợ con.
Bây giờ, tại Cửa Bé, tỉnh Khánh Hòa còn thấy dạng hai tảng đá lớn chất chồng. Tảng dưới giống hình lái ghe, tảng trên giống hình hòn đá nhận chìm ghe.
Không bao lâu, vợ chồng đều chết. Dân chúng nhờ ơn nàng đem giống Kỳ Nam về nước nên lập miếu thờ.
Rất tiếc là hai đứa con trai của nàng lớn lên tánh tình quá đổi hung hăng nổi danh là cậu Chài, cậu Quý phá xóm phá làng, làm mất thanh danh của người mẹ yêu nước.