Bùi Cầm Hồ là người làng Đỗ Liêu, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tỉnh được giữ chức Ngự sử trung thừa kiêm Tham chi chính sự dưới triều vua Lê Nhân Tông. Đó là một con người thông minh, trung thực và thẳng thắn. Việc thanh tra phá án của ông nổi tiếng là sáng suốt, có tình có lý được dân mến mộ và ủng hộ, sử sách ngợi ca. Với Bùi Cầm Hồ không một thế lực uy danh nào có thể làm sai lệch công việc, cản ngăn quyết định của ông.
Một trong những vụ án mà ông xét xử là vụ "chinh phụ giết chồng". Chuyện kể rằng, hồi đó ở ngoại ô kinh thành Thăng Long có một đôi vợ chồng nhà lái buôn nọ sống rất hoà thuận, êm đềm. Một ngày kia trước lúc chồng đi xa, người vợ liền đi mua lươn về để nấu cháo cho chồng ăn - món ăn mà người chồng rất thích. Nào ngờ vừa ăn xong lái buôn lăn ra chết không hề trăn trối được một lời. Lập tức chị ta bị chức sắc địa phương trối gô lại và dẫn lên Huyện đường xét xử. Chị đã bị ghép vào tội "Mưu sát chồng vì ngoại tình". Người đàn bà đó dập đầu kêu oan nhưng sau đòn tra khảo cực hình không chịu đựng nổi nên đành phải nhận tội. Thế là án quyết xử hành hình bằng hình thức voi giày, chỉ chờ ngày thực hiện.
Vụ án kinh động đó đã lan về Kinh Thành và đến tay Bùi Cầm Hồ. Ông suy nghĩ rất nhiều, phải chăng người đàn bà ấy đã vô tình mua nhầm loại rắn độc mình lươn lẫn trong đống lươn mà sinh ra tai hoạ. Bởi ông đã nhiều năm làm nghề khai khẩn đất hoang, và xuất thân từ vùng nông thôn nên hiểu rất rõ về loài rắn và lươn. Ông ngầm cho người ra cái chợ mà vợ lái buôn nọ đã tới và mua một mớ lươn về, chọn ra mấy con rắn độc mình lươn đem cho chó ăn, quả nhiên chó lăn đùng ra chết.
Thế là người đàn bà góa bụa thương tâm ấy thoát khỏi án voi giày nghiệt ngã. Đâu đâu người ta cũng trầm trồ khen tài đức của quan ngự sử Bùi Cầm Hồ.