TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 2/5 - 1 phiếu
Tiền, hậu Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương - P2

Triệu Quang Phục, con trai của Thái phó Triệu Túc, là một tướng trẻ có nhiều tài năng và đảm lược hơn người. Từ nhỏ ở quê hương đã quen sông nước, lớn lên lại cùng cha theo phò Lý Nam Đế, Ngài đã lập được nhiều chiến công lừng lẫy. Là một người rất mực trung tín và độ lượng, nên Ngài được quân lính hết sức tin yêu. Khi lên ngôi, Lý Nam Đế đã phong cho Ngài làm Đại tướng, chức Tả tướng quân. Khi ở động Khuất Lạo, nhà vua lại trao  cho Ngài toàn bộ thuỷ binh, nghĩa là toàn bộ lực lượng tinh nhuệ lúc ấy, để đánh Trần Bá Tiên, tức cũng là một cách "chọn mặt gửi vàng", tin tưởng tuyệt đối.

Là vị tướng thiện chiến, Triệu Quang Phục hiểu rất rõ địa hình địa vật ở miền Chu Diên, là nơi quê  hương của Ngài.

Sau nhiều trận dàn quân đánh nhau với Trần Bá Tiên không phân thắng bại, Ngài nhận thấy quân ta có phần núng thế vì quân của Bá Tiên đông hơn. Để bảo toàn lực lượng, Ngài rút toàn bộ hai vạn thuỷ quân về đầm Dạ Trạch, để giữ thế phòng ngự.

Đầm Dạ Trạch hồi ấy là một hồ nước mênh mông, xung quanh cây cối lau sậy um tùm, mọc lên từ mặt bùn lầy, nhưng ở giữa, lại có những cồn đất cao cây cối rậm rạp có thể đến ở được. Xe ngựa không thể vào đấy, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống bằng sào thì mới đến nơi. Đường đi lối lại vừa như có lại vừa như không, nên chỉ những ai thông thuộc địa hình mới không bị lạc. Nếu không may, lỡ rơi ra khỏi thuyền, thì lập tức sẽ bị rắn độc cắn chết.

Triệu Quang Phục là người vùng này nên chẳng lạ gì đường đất Dạ Trạch. Ngài cho binh lính dùng thuyền tiến sâu vào đầm, đến ở trên những bãi đất cao giữa đầm. Ngài đề ra kỷ luật rất nghiêm: Ban ngày tuyệt đối không để lộ dấu vết nào là có người ở. Phải dùng củi khô để nấu cho đỡ khói, và nếu có khói thì phải lấy quạt, quạt luôn tay cho khói tan ra ngay, nên đứng xa trông vào, do bị khuất rừng cây, sẽ không thể phát hiện ra có khói được. Còn mỗi khi ra vào khu vực đầm, là phải lập tức quay lại, khéo léo xoá dấu vết, không cho quân giặc phát hiện.

Như thế mà suốt thời kỳ quân ta ở đây, Trần Bá Tiên cho quân đi sục sạo nhiều lần mà cũng chẳng phát hiện ra được. Chúng chỉ thấy ban đêm, không hiểu quân ta từ đâu, xông vào các doanh trại, hết trại này đến trại khác, giết hoặc bắt sống quân lính và lấy hết lương thực của chúng mang đi.

Trần Bá Tiên và quân lính hết sức hoang mang. Còn bên phía ta, quân và dân đều vui mừng phấn khởi. Mọi người yêu mến gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương và truyền nhau kể câu chuyện Ngài được gặp hai vị Thánh bất tử là Tiên Dung và Chử Đồng Tử, vốn ngày xưa xây dựng lâu đài thành quách ở đây, để lại nền đất cũ và cả vùng đầm Dạ Trạch này. Hai vị Thánh tuy về trời nhưng từ đấy vẫn hiển linh, giúp đỡ anh hùng hào kiệt trong nước, mỗi khi họ gian khó xây dựng cơ nghiệp ban đầu.

Nhận thấy Triệu Quang Phục là người hiền tài, có ý chí đuổi giặc cứu nước, Tiên Dung - Chử Đồng Tử hiện về, trao cho Ngài một chiếc vuốt rồng mà bảo: "Tướng quân hãy cài vật này lên mũ đầu mâu, tất sẽ diệt được giặc!". Nói rồi lại biến đi ngay.

Triệu Quang Phục làm theo. Quả nhiên từ ngày có vuốt rồng, trí lực của Ngài sáng láng điều binh khiển tướng như thần, lại có thêm sức mạnh tuyệt vời một địch cả trăm, nên Ngài đi đến đâu, quân giặc bị chết lăn ra tới đó. Về sau khi chỉ vừa mới nghe tên Ngài, quân giặc đã hồn vía lên mây, run lên cầm cập, không còn dám quay đầu lại giao chiến.

*
*        *

Năm 550, vua Lương thăng chức cho Trần Bá Tiên để cổ vũ y, nhưng sau đó lại gọi y về để dẹp loạn Hầu Cảnh trong nước. Quân quyền ở Giao Châu uỷ lại cho Dương Sằn, vốn là tướng tâm phúc của Bá Tiên. Cũng may cho Bá Tiên, bởi nếu không y sẽ phải chết, vì lúc này lực lượng của Triệu Quang Phục đã phát triển rất mạnh.

Hay tin bên nhà Lương đang có biến, Triệu Quang Phục đốc xuất toàn bộ lực lượng từ đầm Dạ Trạch ra, tiến đánh Dương Sằn.

Dương Sằn đâu phải là đối thủ của Triệu Quang Phục! Vừa trông thấy dáng vẻ oai phong hùng dũng của Ngài, y đã khinh hồn bạt vía vội quay đầu ngựa. Nhưng chạy đi đâu cho thoát? Triệu Quang Phục ngay lập tức đã phóng ngựa tới sát bên, tay đưa một nhát dao, Dương Sằn chết ngay tại trận. Quân ta ào ạt xông lên đuổi theo đám loạn quân Lương đang chạy thục mạng.

Thắng trận, Triệu Quang Phục dẫn tướng sĩ vào thành Long Biên. Từ hai năm trước, Ngài đã hay tin Lý Nam Đế lâm bệnh mất ở động Khuất Lạo, lại không có con nối dõi, nên Ngài bèn xưng Vương, gọi là Triệu Việt Vương.

Tạm thời Triệu Việt Vương đóng đô ở Long Biên, nhưng sau đó Ngài dời sang Vũ Ninh.

Sự việc Triệu Quang Phục, sau khi đánh đuổi xong quân Lương, chỉ xưng "Vương" chứ không xưng "Đế", bấy lâu chưa thấy ai giải thích. Phải chăng Ngài cho rằng, dẫu là "Vương" hay "Đế" thì cũng đều là làm vua cả, nhưng vì thế lực chưa đủ mạnh, nên không nên để phương Bắc tự ái, hay Ngài còn nghĩ, dẫu sao thì mình cũng chỉ là tướng được uỷ quyền chống giặc của Lý Nam Đế, nên chỉ lo làm tròn bổn phận, còn việc lên ngôi chẳng qua chỉ là do bất đắc dĩ mà thôi?

Dẫu sao mặc lòng, tuy không tự tôn xưng như Lý Nam Đế, nhưng trên thực tế, Ngài cũng là người kế vị xứng đáng, và điều ấy nói lên rằng Ngài là người trung tín và rất mực khiêm nhường, mặc dù bình sinh Ngài là vị tướng thao lược, có công lớn nhất đánh đuổi ngoại xâm vào lúc bấy giờ.

Và những phẩm chất của Ngài lại đặc biệt sáng ngời khi ta đem so sánh với Lý Phật Tử, tức Hậu Lý Nam Đế, là một kẻ tham lam đầy tham vọng, quỉ quyệt và phản trắc...

*
*        *

Khi Lý Nam Đế chạy sâu vào động Khuất Lạo để củng cố lực lượng thì một cánh quân khác rất đông, đến ba vạn người, do Lý Thiên Bảo, anh ruột của Lý Nam Đế chỉ huy, chạy vào giữ đất Cửu Chân. Trần Bá Tiên phái tướng dưới quyền đuổi theo, Lý Thiên Bảo chống cự bị thua mất già nửa quân số, phải chạy sang động Dã Năng, sau là phần đất thuộc địa phận nước Ai Lao (Lào).

Dưới quyền Lý Thiên Bảo lúc bấy giờ có người cùng họ làm tướng, tên gọi Lý Phật Tử. Ở đất Dã Năng, Lý Thiên Bảo xây thành đắp luỹ, hùng cứ một phương, xưng là Đào Lang Vương, có Lý Phật Tử giúp sức.

Năm 555 Đào Lang Vương lâm bệnh mất ở Dã Năng, Lý Phật Tử nối quyền.

Nghĩ mình bây giờ mới là người kế vị chính thống, vì Lý Nam Đế và Lý Thiên Bảo đều mất, lại không có con nối dõi, nên Lý Phật Tử nhổ trại, đem quân tiến về vùng Thái Bình là quê hương cũ, đánh đuổi quan quân trị nhậm của Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương đem quân đi đánh, qua năm trận, bên Lý Phật Tử núng thế, phải xin giảng hoà.

Triệu Việt Vương nghĩ Phật Tử là người cùng họ của Lý Nam Đế, dẫu sao thì cũng nể tình cũ, bèn chấp nhận, rồi chia cho phần đất phía tây của Nước, còn mình vẫn ở phía đông, ranh giới là bãi Quần Thần (nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát thuộc huyện Từ Liêm - Hà Nội).

Lý Phật Tử dời đến đóng đô ở tại thành Ô Diên, còn Triệu Việt Vương vẫn đóng ở Vũ Ninh.

*
*        *

Lý Phật Tử có người con trai tên gọi Nhã Lang, còn Triệu Việt Vương có cô con gái tên gọi Cảo Nương. Cả hai đã ở độ tuổi dựng vợ gả chồng. Cái mẹo của Triệu Đà xưa kia, dùng con trai gửi rể để làm gián điệp, sau đánh chiếm lấy nước Âu Lạc của An Dương Vương, được Lý Phật Tử đem ra áp dụng.

Phật Tử thừa biết Triệu Việt Vương là người độ lượng trung tín lại khoan hoà, nên rất dễ mắc vào mẹo này. Ấy là cái mẹo của những kẻ lừa lọc phản trắc, chỉ biết lấy oán trả ân, và có tâm địa độc ác, luôn luôn dùng cái vẻ thơn thớt bên ngoài để che đậy.

Phật Tử cử đại thần cùng con trai mang lễ vật rất hậu đến ra mắt Triệu Việt Vương để xin làm thông gia, cho Nhã Lang sánh duyên cùng Cảo Nương. Triệu Việt Vương chấp nhận, nghĩ rằng hai nước hoà hiếu sẽ tránh được nạn binh đao, dân chúng, do vậy cũng được yên ổn mà làm ăn sinh sống.

Hồi ấy, phong tục tập quán của nước ta vẫn còn tục gửi rể (bây giờ ở một số dân tộc thiểu số vẫn còn tục lệ này), cho nên sau lễ thành hôn, đương nhiên Nhã Lang sẽ ở lại làm phò mã trong triều đình của Triệu Việt Vương.

Trong những  tháng đầu, năm đầu, tình yêu của nàng công chúa với chàng phò mã cũng chan chứa đượm nồng, chẳng khác nào của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ khi trước. Và cũng như Mỵ Châu - Trọng Thuỷ, tình yêu của Cảo Nương là ngây thơ, chân thực, còn của Nhã Lang thì chỉ là giả tạo bề ngoài.

Khi nhận thấy Cảo Nương đã thương yêu mình hết lòng, đến mức không còn đề phòng gì nữa, thì Nhã Lang bảo Cảo Nương dẫn đến các nơi trọng yếu như kho tàng, chỗ đóng doanh trại của quân đội v.v... lấy cớ là đi dạo chơi cho biết. Triệu Việt Vương, do hết sức thương yêu và chiều chuộng con gái, thấy thế cũng chẳng nhắc nhở điều gì. Thế là, chỉ mấy tháng sau, mọi đường đi lối lại trong thành Vũ Ninh cùng thực lực trong thành thế nào, Nhã Lang đều đã nắm vững và có thể ghi chép, hoạ lại thành bản đồ.

Tiến thêm một bước nữa, Nhã Lang hỏi Cảo Nương rằng vua cha (tức Triệu Việt Vương) có phép thuật gì mà đánh quân Lương tài giỏi đến thế? Cảo Nương thật lòng, kể lại là vua cha có "vuốt rồng cài lên mũ đâu mâu", rồi lén đi lấy cho Nhã Lang xem. Nhã Lang ngắm nghía, suýt xoa, rồi thừa lúc Cảo Nương đi ra ngoài lâu, đã lấy chiếc vuốt giả thay lấy vuốt thật. Khi Cảo Nương quay lại rồi đi cất mũ, đã hoàn toàn không hay biết gì.

Cả Triệu Việt Vương và triều đình Vũ Ninh cũng không ai hay biết điều gì, bao gồm tất cả các việc của Nhã Lang và dã tâm mà hai cha con y đang ráo riết theo đuổi.

Sau mấy năm điều tra hết nội tình và pháp thuật của triều đình Vũ Ninh, Nhã Lang lên đường về nước, lấy cớ là lâu ngày chưa về thăm nhà. Lời tâu trình của y được Triệu Việt Vương chấp thuận ngay vì nó thật hợp tình. Nhà vua lại ban cho Nhã Lang rất nhiều tặng vật quí để về làm quà biếu thông gia, như phong tục tốt đẹp từ lâu đời vẫn thế.

Khi vào từ biệt vợ để lên đường, Nhã Lang tặng nàng một chiếc áo lông ngỗng, nói là mùa đông đã đến mà ở một mình thì lạnh lẽo, rồi y nói thêm:

- Nếu chẳng may có sự gì xảy ra, đi đến đâu nàng cũng nhổ một chiếc lông trên áo vứt xuống, để tôi còn biết dấu vết mà tìm.

Cảo Nương bùi ngùi, hai tay mân mê chiếc áo, hoàn toàn chẳng đoán được thâm ý của Nhã Lang qua lời dặn dò này. Nàng chỉ gật gật đầu, rồi tự nhiên, hai mắt nhoà đẫm lệ... 

  Về đến nhà, Nhã Lang đem hết mọi điều đã biết ở triều đình Vũ Ninh nói lại cho Lý Phật Tử. Phật Tử cả mừng, hết lời khen ngợi đứa con chí hiếu đã biết nghe lời cha (!) Khi giở đến tặng vật mà Triệu Việt Vương gửi biếu, Lý Phật Tử cười tít mắt. Vàng bạc châu báu thì ông ta chẳng thiếu thứ gì, nhưng ông ta cười là cười Triệu Việt Vương tài ba lỗi lạc, mà sao lại vô tâm đến như thế!

*

*        *

Sau mấy năm vẫn giữ hoà hiếu để che mắt Triệu Việt Vương nhằm chuẩn bị thêm lực lượng, rồi đến một ngày, hai cha con Lý Phật Tử bí mật hành binh tiến đánh Triệu Việt Vương. Khi quân của Lý Phật Tử tiến sâu vào biên giới, Triệu Việt Vương cả giận, vội điểm binh mã ra đối địch. Vẫn hùng dũng như xưa, ngồi trên mình ngựa, đầu đội mũ đâu mâu, tay xách đại đao, Triệu Việt Vương đứng dưới cờ thách hai cha con Lý Phật Tử ra đấu. Nhưng cha con Lý Phật Tử hèn nhát đâu có dám ra! Chỉ có mấy viên tướng trẻ hùng hổ cầm vũ khí xông tới. Trận đấu diễn ra quyết liệt. Thật đáng tiếc cho Triệu Việt Vương, bây giờ vuốt rồng trên mũ đâu mâu chỉ còn là vuốt giả, nên sức lực của Ngài đã không còn được như xưa.

Bây giờ càng đánh sức lực của Ngài càng suy giảm chứ không phải càng đánh càng mạnh như hồi chống quân Lương!

Ngó thấy ba mặt, quân của Lý Phật Tử đang ùn ùn kéo đến bao vây mà quân của Ngài thì rõ ràng là thua kém về số lượng (do mấy năm Lý Phật Tử chiêu tập binh mã rất nhiều, còn Ngài thì vẫn giữ nguyên quân số), nên Ngài gạt một đường đao rồi quay ngựa, thét bảo tướng sĩ lui binh.

Quân của Triệu Việt Vương chạy vào thành Vũ Ninh xong thì chốt ngay cánh cổng lại. Quân của Lý Phật Tử bao vây bên ngoài. Hai bên cầm cự nhau có đến cả tháng trời. Nhã Lang dâng kế với Lý Phật Tử cho y dẫn một toán quân lẻn vào thành đốt kho lương thực, vì y đã biết rõ mọi vị trí. Lý Phật Tử lưỡng lự bởi ông ta lúc ấy chỉ có mỗi Nhã Lang là con nối dõi, nhưng muốn phá thành thì chẳng còn cách nào khác, nên cuối cùng đành phải chấp nhận.

Lừa thời cơ đêm tối, Nhã Lang cùng tốp lính đã vào được thành, qua một con đường nhỏ mà y đã biết từ trước. Nhưng ngọn lửa của y vừa đốt lên thì quân của Triệu Việt Vương đã từ đâu xông tới. Nhã Lang đã bị chém chết ngay tại trận. Bọn lính đi theo y cũng bị giết chết không còn sót một tên nào. Nhưng lúc ấy ngọn lửa đã bốc lên rất cao. Những người lính của Triệu Việt Vương tức giận, ném tất cả chục cái xác vào đống lửa. Không một ai, kể cả những người lính đã làm việc này, biết rằng chàng phò mã quí hoá của thành Vũ Ninh, thế là đã bị thiêu ra thành tro bụi!

*

*        *

Nhận được tin kho lương thực bị cháy, Triệu Việt Vương gầm lên một tiếng, bảo tướng sĩ ngày mai mở cửa thành, quyết sống mái một trận. Mọi người có mặt lúc ấy đều hiểu rằng nhà vua chẳng còn có cách lựa chọn nào hơn.

Sáng hôm sau, cổng thành vừa mở, Triệu Việt Vương nai nịt gọn gàng, ngồi trên mình ngựa có Cảo Nương khoác áo lông ngỗng ngồi ở đằng sau, cầm đại đao xông ra phá vòng vây của Lý Phật Tử. Tướng sĩ và quân lính cùng ùn ùn kéo ra theo Ngài.

Cơn giận đã làm cho sức lực Triệu Việt Vương đột nhiên tăng lên gấp bội, mặc dù vuốt thần nay đã mất hiệu lực. Cây đại đao của Ngài khua đi đến đâu là lính của Lý Phật Tử phải dạt ra đến đấy.

Vòng vây bị phá, tướng sĩ và quân lính của Triệu Việt Vương chạy tản đi các nơi. Lý Phật Tử hô quân đuổi theo, nhưng suốt buổi chiều hôm ấy vẫn không bén gót được Triệu Việt Vương. Đêm xuống, cả hai bên đều nghỉ để đến sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc chạy, đuổi, và như thế, kể đã được mấy ngày đêm liền.

Triệu Việt Vương, mặc dù đã chọn được những lối đi bất ngờ, nhưng không hiểu sao, quân của Lý Phật Tử vẫn cứ lẵng nhẵng bám theo đằng sau. Còn những cánh quân khác, hoặc bị bắt, hoặc đều đã tìm được các lối thoát riêng rồi.

Khi chạy đến cửa biển Tiểu Nha, thấy trước mắt chỉ có mặt nước mênh mông, ngó lại, thấy quân của Lý Phật Tử vẫn đang đuổi theo mỗi lúc một gần. Nhà vua bảo con gái xuống ngựa, rồi Ngài cũng nhảy xuống đến bên mép nước, chắp hai tay lại mà khấn: "Xin Long Vương hãy hiện về cứu giúp chúng con!"

Đó là lời cầu khấn đã được truyền lại ngay từ thời các vua Hùng, mỗi khi có ai gặp phải hoạn nạn. Khi Triệu Việt Vương vừa dứt lời, đã thấy rồng vàng đội nước nhô đầu lên nhìn Ngài mà bảo:

- Tại nhà vua đã quá tin vào con gái và chàng rể đó! Hãy nhìn vào chiếc áo lông ngỗng kia.

Triệu Việt Vương vẫy con gái lại gần, bảo nàng quay lưng lại, và Ngài không còn tin vào mắt mình: chiếc áo xác xơ, lông ngỗng đã bị bứt đi gần hết!

Ngài gầm lên: "Đồ phản bội!", rồi vung đao chém xuống, Cảo Nương gục xuống chết ngay tại chỗ.

Nhà vua nhảy lên mình ngựa, phi tiếp. Nhằm phía đông, vượt qua một cánh đồng, đến cửa Đại Nha thì Ngài vẫn chỉ thấy mặt nước mênh mông phía trước. Đang định nhảy xuống ngựa để khấn vái như lần trước, thì Ngài đã thấy rồng vàng hiện ra. Rồng vàng quẫy đuôi, nước rẽ sang hai bên, và Triệu Việt Vương phóng ngựa chạy theo. Nước ở đằng sau cũng từ từ khép kín lại...

Sự việc đó xảy ra vào mùa đông năm 570, chấm dứt 23 năm đánh giặc và trị vì đất nước của một vị tướng tài ba thao lược, nhưng đã vô tình để mất cảnh giác, đến nỗi phải sa cơ bởi dã tâm của một kẻ phản bội.

Từ trước đến nay đã có nhiều người nói đến sự giống nhau giữa hai tấn kịch An Dương Vương - Mỵ Châu và Triệu Việt Vương - Cảo Nương này. Quả là lịch sử đã có sự lặp lại gần giống nhau như thế thật! Có nhà nghiên cứu bảo đây là sự lặp lại của môtíp dân gian trong truyện kể thời trước, nghe ra cũng có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, nếu ta quan sát cuộc sống, thấy bao nhiêu mẹo lừa cũ rích mà người của thời hiện đại này vẫn còn mắc phải, thì thử hỏi, sự giống nhau của hai tấn kịch kể trên cũng có gì là khó hiểu đâu!

*

*        *

Lý Phật Tử sau khi hại xong Triệu Việt Vương bèn dẫn quân vào thành Vũ Ninh thu vét vàng bạc châu báu, bắt đàn bà con gái, rồi rút về Ô Diên, tự đắc lên ngôi Hoàng đế, cũng xưng là Lý Nam Đế. Để phân biệt hai Lý Nam Đế, người đời sau gọi Lý Bí là Tiền Lý Nam Đế, còn Lý Phật Tử là Hậu Lý Nam Đế.

Những ngày mới lên ngôi, tuy bề ngoài hớn hở vui tươi, nhưng bên trong thì  Hậu Lý Nam Đế đau xót âm thầm vì đứa con nối dõi đã chết!

Việc đầu tiên mà Hậu Lý Nam Đế làm là cho xây ở thành Ô Diên một ngôi đền để thờ Nhã Lang, đứa con mà xác đã thành tro bụi ở thành Vũ Ninh từ mấy tháng trước.

Nhận thấy ở Ô Diên chỉ gợi lại nỗi buồn phiền làm cho lương tâm luôn bị cắn rứt, nên Hậu Lý Nam Đế cho dời đô về Phong Châu, nơi đất Kinh đô của các vua Hùng thuở trước. Ý của Hậu Lý Nam Đế là nối lại chính thống của các vua Hùng từ xa xưa, chứ Tiền Lý Nam Đế so với ông ta bất quá cũng chỉ là một người ngang hàng mà thôi.

Vị Hoàng đế không còn chút liêm sỉ này, chỉ có mỗi một tài là tài lừa lọc, đã không nhìn thấy Ô Diên là vị trí trung tâm để chấn hưng đất nước và phát triển quân đội (đặc biệt là thuỷ quân) nhằm kế sách lâu dài, mà chỉ thấy trước mắt cần phải chính thống ngay tức khắc.

Quả là Hậu Lý Nam Đế đã chính thống được cái tên hiệu. Thực tế, ông ta đã kéo lùi sự phát triển của đất nước lại 32 năm, tức là cả thời gian hết cha đến con, trị vì.

Mặc dù lúc bấy giờ đã luống tuổi, nhưng Hậu Lý Nam Đế vẫn năng "đi lại" với các nàng cung nữ. Thế rồi ông ta cũng sinh được một người con trai, đặt tên là Lý Sư Lợi.

Là một kẻ vô lại, nên dưới quyền Hậu Lý Nam Đế, chỉ là một lũ quan chức bất tài, vừa tham vừa ác chẳng nghĩ gì đến dân, nước. Một thời gian dài phương Bắc có loạn liên miên, hết nhà Lương thì đến nhà Trần, nên cha con Hậu Lý Nam Đế mới bình yên kéo dài được.

Quả nhiên, nhà Tuỳ vừa chính vị được năm thứ nhất (602) đã cử ngay Dương Tố làm Tổng quản Giao Châu. Tố tiến cử Lưu Phương, người Trường An, vốn là một kẻ mềm mỏng, giảo hoạt, có biệt tài lừa phỉnh dụ dỗ, dẫn đại binh đi trước đánh mở đường.

Quân Lưu Phương ùn ùn kéo sang, lúc bấy giờ Hậu Lý Nam Đế đã mất được mấy năm, và Lý Sư Lợi, cũng vẫn tự xưng là Lý Nam Đế, đang trị vì.

Vị Hậu Lý Nam Đế thứ hai này, đang trẻ người non dại, vốn chỉ quen ăn chơi hưởng lạc, nên vừa nghe tin quân giặc tới, là đã mặt xanh nanh vàng, mất hết can đảm của một người điều binh khiển tướng.

Lưu Phương đánh đến núi Đô Long thì gặp một tốp lính nhỏ người địa phương xông ra kháng cự, y cho quân dẹp được, rồi tiến vào Phong Châu, đóng doanh trại ngay sát cạnh dinh của Lý Sư Lợi.

Nếu gặp phải một triều đình có sĩ khí nào khác, thì trước khi đến đấy, ít nhất quân của Lưu Phương cũng phải bị sứt mẻ ít nhiều, đằng này Lưu Phương cứ dẫn quân lẳng lặng tiến lên, hầu như không vấp phải một sức đề kháng nào đáng kể.

Lý Sư Lợi cùng triều đình hèn nhát đã đành. Ngay cả hai người tôn thất, một là Lý Đại Quyền làm Thái Bình hầu giữ thành Long Biên, và một nữa là đại tướng Lý Tấn Đỉnh làm An Ninh hầu giữ thành Ô Diên, mỗi viên đều có trong tay tới hàng vạn quân, vậy mà vẫn ngồi yên, không đi tiếp ứng! Thật đúng là cha nào con ấy, vua nào tôi ấy, kể từ đời Lý Phật Tử, họ chỉ là những kẻ vô tướng bất tài!

Lưu Phương cho người sang tận triều đình Lý Sư Lợi dụ hàng. Vị Hoàng đế hèn mạt cùng trăm quan vội vàng quì ngay xuống để nghe chiếu chỉ. Thế là Hậu Lý Nam Đế thứ hai cũng chấm dứt.

Lưu Phương cho quân dẫn Lý Sư Lợi về phương Bắc, rồi cho chết biệt tăm ở nơi đất khách quê người. Còn các viên tướng của triều đình Hậu Lý Nam Đế, Lưu Phương cho bắt tất cả, rồi mang ngay ra bãi cỏ trước thành hành quyết!

Chắc là đến trước lúc chết, cả Sư Lợi và các tướng đều đã hiểu được thế nào là lời lẽ phủ dụ của những kẻ xâm lược!

*

*        *

Sau khi Triệu Việt Vương "đi xuống biển" ở cửa Đại Nha, nhân dân trong vùng thương tiếc, lập đền thờ ở đấy để thờ Ngài.

Về sau những người họ Lý cùng chi phái của Lý Phật Tử cũng lập ở cửa Tiểu Nha đền thờ Hậu Lý Nam Đế. Tiểu Nha đối diện với Đại Nha, và như thế, có nghĩa là Hậu Lý Nam Đế đã đối mặt với Triệu Việt Vương mà song song cùng tồn tại vậy!

Chả biết vì thần linh không cho có sự đánh lộn sòng hay là do trời xui đất khiến thế nào, mà một đêm mưa gió bão bùng, sấm sét nổ ra dữ dội, sáng hôm sau, thấy ngôi đền ở Tiểu Nha bị đánh bạt xuống sông, không còn để lại tăm tích.

Dân làng Độc Bộ, vốn đã lập đền thờ Triệu Việt Vương ở Đại Nha, nay lại dựng thêm ngôi đến khác ở Tiểu Nha. Họ không thờ Hậu Lý Nam Đế như làng Phù Xa trước kia, mà thờ Ngô Nhật Khánh, một trong 12 vị sứ quân của đời sau, cách đó gần 400 năm.

Đại Việt sử ký toàn thư tuy vẫn gọi Lý Phật Tử là vua, là đế, nhưng cũng không ngần ngại đưa ra lời bình "không bằng chó lợn" để chỉ những hành vi và việc làm của vị "đế" này.

Ngày nay, tên của Triệu Việt Vương và Tiền Lý Nam Đế đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học. Về tên của Triệu Việt Vương thì đương nhiên là rõ ràng, không có gì phải bàn bạc. Nhưng tên của (Tiền) Lý Nam Đế, lại chỉ thấy ghi là Lý Nam Đế. Phải chăng, cũng nên có cách gì để phân biệt với Hậu Lý Nam Đế? Chỉ ghi là Lý Nam Đế, e có người sẽ tưởng lầm là Hậu Lý Nam Đế (tức Lý Phật Tử) cũng được hậu thế tôn vinh, vì Lý Phật Tử cũng xưng là Lý Nam Đế, như Lý Bí.

(Tiền, hậu Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương - P1)

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Anh và em gái  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  9. Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
  10. Đền Cờn (Tạo lúc: 08/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn