Nhằm đời vua Lê Thái Tông (1434 - 1442) ở nước ta có ông Lương Nhữ Học người làng Lục Hồng, tỉnh Hải Dương vốn ham chuộng thơ văn và cách sao lục các văn thơ đời trước. Thuở bấy giờ ở nước ta không có nghề in. Người ta thường viết vào trúc, vào tre hoặc vào giấy bản. Một áng văn thơ dù hay muốn truyền đi phải chép bằng tay thành nhiều bổn.
Ông Lương Nhữ Học nghe nói ở bên Tàu có nghề in, nhưng không biết người Tàu làm cách nào để in. Bây giờ, ông mới tâu với vua Lê cho mình qua bên Tàu tìm cách học in. Người Tàu có tính hay giấu nghề, nên ông Lương Nhữ Học không dễ gì thâu thập cái hay của họ. Ông biết một nơi kia có những thợ in làm việc, ông bèn thuê một căn nhà ở khít bên rồi đục lỗ ở tường rình xem họ làm việc từng ngày.
Thuở đó, người ta chưa phát minh ra máy in, mọi việc ấn loát đều phải làm bằng tay. Ông Lương Nhữ Học thấy người Tàu khắc chữ vào những bản gỗ rồi thoa mực lên và đem in vào giấy, muốn in nhiều hay ít gì cũng được. Khi đã rõ bí quyết này rồi, ông liền trở về nước dạy cho dân chúng ở làng Liễu Tràng cưa bào từng bản gỗ, rồi dùng mũi dao bén khắc chữ lên gỗ đoạn đem in thì thấy kết quả tốt đẹp.