Đời nhà Tiền Lê, vua Lê Ngọa Triều là bực bạo chúa hôn quân, mỗi ngày lo say mê tửu sắc, bỏ phế việc nước.
Bấy giờ Lý Thái Tổ, khi chưa lên ngôi, còn là một vị quan nhỏ ở đất Đằng Châu. Một hôm, Lý Thái Tổ đi thuyền giữa sông, chợt nhìn lên ngôi miếu trên bờ, hỏi quân hầu:
- Ngôi miếu ấy thờ thần nào vậy?
Quân hầu thưa:
- Dạ, đó là nơi thờ ông Thổ Địa của vùng đất Đằng Châu này. Dân trong làng thường đến cầu đảo để gió thuận mưa hòa. Bấy lâu, Thổ thần nổi danh là linh thiêng ...
Lý Thái Tổ chưa tin, nên nói vọng lên miếu:
- Nếu linh hiển thì xin Thổ Địa hãy hóa phép làm một trận mưa trên sông, phân nửa bên này thì mưa, phân nửa sông bên kia thì tạnh.
Chập sau, trời chuyển mù mịt, mưa rớt trên phân nửa sông mà thôi. Bên kia, nơi Lý Thái Tổ ngồi thuyền, nắng sáng rực rỡ.
Lý Thái Tổ kinh ngạc, sai người tu bổ ngôi miếu ấy, cúng tế trọng thể.
Từ đó. Lý Thái Tổ tin nơi vận mạng đế vương của mình. Thừa lúc vua Lê Ngọa (Trong sách chép là Lê Ngọc Triều. Tìm trên Net, thấy có một bài viết khác nói về Thần Thổ Địa Đằng Châu của trang Web: Lịch Sử Việt Nam) Triều làm nhiều điều mất lòng dân, vua Lý sửa soạn binh mã, chờ cơ hội để khởi nghĩa, rồi đến miếu Thổ Địa xin cầu mộng.
Đêm ấy, vua thấy Thổ Địa hiện về dạy bảo:
- Muốn thắng tất thắng. Muốn thành tất thành.
Khi thức dậy, vua bàn với quần thần. Ai nấy đều bảo đó là điềm tốt.
Về sau, vua Lý Thái Tổ lên ngôi, sửa vùng Đằng Châu trở thành một phủ.
Thần Thổ Địa ngày xưa được sắc phong là Khai Thiên Thành Hoàng Đại Vương.
Đời nhà Trần, thần được phong thêm mấy chữ Khai Thiên Trấn Quốc.
Đền ở phía trong đê, hàng năm nước lụt tràn lên, đê quá yếu và quá thấp, nhưng vẫn chống giữ nổi trước sức nước. Dân làng truyền tụng:
- Khi nước dâng quá cao, nửa đêm chiêng trống inh ỏi. Dưới ánh trăng mờ, thấy nào xe ngựa, cờ lọng phất phơ. Ngoài ra hàng trăm bóng người đi theo sau, chỉ tay về phía nước lũ đang dâng cao. Phải chăng nhờ sức hộ trì của Thổ Địa mà đê vẫn đứng vững.
Nhưng lần lần, sóng đánh vào bờ, đất lở dần dần tới sát chân nền. Quan địa phương chạy sớ về triều đình, xin phép sửa sang lại, đắp nền khác to hơn ở trên đê lớn, phía trong xa.
Một đêm nọ, số dân phu đang ngủ yên giấc sau một ngày làm việc mệt mỏi, chợt nghe tiếng người thúc giục:
- Các ngươi hãy cho ta mượn cuốc, xuổng (Xuổng: thuổng), nhanh lên. Rồi cứ nằm ngủ như trước, để mặc bọn ta làm việc. Cấm chẳng cho ai đi tới đi lui, nghe chưa?
Dân phu sợ hãi, lắng nghe tiếng bọn người ấy hì hục đào xới. Đến sáng, mặt trời mọc tỏ rõ, họ giựt mình ngơ ngác. Trong đêm vừa rồi, đoàn âm binh đã xúm nhau dời tất cả cột kèo, trụ đá qua bên kia sông, xây cất bên ấy để phòng ngừa đất lở.
Ngôi Thổ Địa càng lừng danh, ai có việc cầu ước đến khấn vái luôn luôn được mãn nguyện.
Nhân ngày rước sắc thần, quan tri phủ ở địa phương có làm một bài thơ ca ngợi Thổ Địa:
Bờ bãi đất chia rành chói chói,
Khai thiên huyền tạo ngóng vơi vơi.
Đền thành muốn biết chân linh tích,
Đêm ấy công thần khéo chuyển dời.