Ngày hôm sau, đến lễ sinh nhật quan Đại tướng. Trên lịch, ngày sinh của Êmily và cha nàng sát cạnh nhau như thế đấy. Quà biếu lại đến tới tấp, trong đó có một chiếc yên ngựa tuyệt vời, hoàn mỹ, kiểu cách cực đẹp, vừa tiện dùng vừa sang trọng. Người ta chỉ có thể kể đến một ông hoàng mới có một chiếc yên đẹp như thế mà thôi. Ở đâu ra món lễ vật làm đại tướng vui thích đến thế? Chỉ có một mảnh giấy nhỏ buộc vào yên ngựa trên có viết hàng chữ: "Của một người mà Đại tướng không quen biết."
Đại tướng tự hỏi: "Cái người mà ta không quen biết là ai thế nhỉ? Xem nào, cố nghĩ xem. Nhưng không, chẳng có ai mà ta lại không quen biết, ta quen tất cả mọi người, tất cả mọi người."
Trong khi nói như thế, Đại tướng chỉ nghĩ đến phái thượng lưu mà đúng là ngài quen biết từ đứa trẻ con nằm trong nôi trở lên. Ngài lại tiếp: "À, ta đoán ra rồi, quà này là của vợ ta đây. Chắc bà ấy muốn đùa mình một bữa ra trò đây. Thật là tuyệt!"
Ít lâu sau, tại nhà ông hoàng có mở một dạ hội khiêu vũ lớn. Một người đeo mặt nạ và ăn mặc giả trang giáo sĩ có khăn trùm mặt, trên mũ có đính hoa dạ hợp đang nhảy với Pxysê- nàng Êmily. Đại tướng phu nhân hỏi:
- Ai thế?
Đại tướng trả lời: - Hoàng tử đấy! Tôi chắc là như vậy vì tôi đã nhận ra ngài qua thái độ trìu mến lúc ngài hạ cố bắt tay tôi.
Phu nhân có vẻ không tin. Quan Đại tướng không dễ dàng chịu để ai ngờ vực sự sáng suốt của mình, tiến đến gần người bận đồ giáo sĩ trùm mặt màu đen, cầm lấy tay người ấy và lấy ngón tay trỏ của mình vẽ lên hình huy chương của Hoàng gia. Người bận đồ giáo sĩ lắc đầu không nhận và nói:
- Danh hiệu của tôi là danh hiệu viết trên một thứ lễ vật mừng ngày sinh nhật ngài: một người mà ngài không quen biết.
Đại tướng lại nói: - Thế thì tôi biết ngài là ai rồi. Chính ngài đã gửi biếu tôi tấm yên ngựa.
Người bận đồ giáo sĩ không nói gì nữa và biến vào đám đông. Đại tướng phu nhân bảo:
- Êmily, cái người mặc đồ giáo sĩ màu đen nhảy với con là ai thế?
Pxysê trả lời: - Con không hỏi tên chàng ta.
- Vì cô đã biết rồi, đó là vị giáo sư chứ ai?
Đại tướng phu nhân nói tiếp với vị bá tước già:
- Người mà ông bảo trợ cũng có đây: Anh ta mặc một bộ đồ giáo sĩ trùm mặt màu đen có đính hoa dạ hợp trên mũ.
Bá tước trả lời: - Thưa quý bà rất kiều diễm, có thể là như vậy. Vả chăng nên biết rằng có một hoàng tử cũng ăn mặc như thế đấy.
Đại tướng nói: - Đúng, đúng đấy. Tôi đã nhận ra đúng là hoàng tử qua cái bắt tay trìu mến của ngài và chính ngài đã mừng tôi chiếc yên ngựa. Tôi phải đến mời ngài ngày mai lại nhà tôi xơi cơm mới được.
Bá tước nói: - Ngài đi mời đi, nếu là hoàng tử thì chắc chắn ngài sẽ nhận lời mời đấy.
- Nếu là anh chàng kia thì anh ta chẳng đến đâu. Vậy tôi có đi mời cũng chẳng có gì trở ngại cả.
Và Đại tướng tiến đến phía người bận đồ giáo sĩ màu đen, vừa lúc ấy đang nói chuyện với nhà vua. Đại tướng mời một cách hết sức cung kính. Ngài mỉm cười nghĩ rằng người ta sắp sửa được biết là ngài đoán đúng hay phu nhân đoán đúng. Người bận đồ giáo sĩ màu đen nhấc mặt nạ ra. Đó là Gioóc.
Chàng hỏi: - Bây giờ ngài có nhắc lại lời mời nữa hay không, thưa quan Đại tướng?
Đại tướng đứng thẳng mình, cao lên đến mười phân nữa. Ngài cứng người ra, lùi hai bước rồi lại tiến lên một bước như sắp sửa nhảy điệu Menuet. Mặt ngài chuyển sang một vẻ cực kỳ nghiêm trang và biểu lộ đến mức cao nhất mà một vị tướng có thể có. Cuối cùng ngài nói:
- Tôi không bao giờ nói hai lời cả. Thưa giáo sư, tôi đã mời ngài rồi.
Ngài nghiêng mình chào, mắt liếc nhà vua. Đức hoàng thượng đã nghe thấy hết và có vẻ hài lòng.
Thế là ngày hôm sau quan Đại tướng mở tiệc lớn. Nhưng khách chỉ có vị bá tước già và người được ông bảo trợ. Gioóc tự nhủ: "Thế là ta đã đặt được hòn đá đầu tiên".
Thật vậy, hòn đá móng đã được đặt một cách rất long trọng và câu chuyện khó có thể dừng ở đấy được. Đại tướng bảo phu nhân:
- Chàng trai này thật khéo cư xử và ăn nói lỗi lạc đến thế là cùng.
Sự thực là Gioóc đã nổi bật trong bữa tiệc ấy và chàng nói nhiều điều thú vị đến nỗi quan Đại tướng bị lôi cuốn và vô tình nhiều lần ngắt lời chàng bằng những câu: "Thật là tuyệt!"
Quan Đại tướng kể chuyện bữa tiệc hôm ấy với một trong những bà có tài trí nhất trong triều và bà ta yêu cầu lần sau nếu giáo sư lại đến nhà ăn cơm thì Đại tướng sẽ mời bà ta cùng dự. Thế là lại phải mời giáo sư lần nữa và lần này Gioóc lại còn xuất sắc hơn lần trước. Bây giờ người ta mới biết là anh đánh được cờ - món chơi say mê của Đại tướng. Ngài tự nhủ:
- Đây không phải là con nhà hèn kém mà là con nhà có tài năng. Không ai có thể bắt mình bỏ các quan niệm ấy đi được. Sao mà nó lại sinh ra ở dưới hầm nhỉ? Mình không thể tự giải đáp được điều đó, nhưng dù sao cũng chẳng phải lỗi tại anh chàng.
Ngài giáo sư được nhà vua tiếp trong cung tất nhiên cũng có thể được nhận vào nhà Đại tướng. Việc đó chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. Cả thành phố đều đồn rằng chẳng bao lâu ông ta sẽ đến ở hẳn đấy chứ chẳng chơi đâu. Nhưng trong nhà Đại tướng thì chẳng ai nói đến chuyện ấy cả.
Dẫu sao sự việc đã xảy ra đúng như lời đồn đại. Gioóc chịu ơn mưa móc, được làm cố vấn thân cận của nhà vua. Êmily trở thành cố vấn phu nhân. Từ triều đình đến thành phố chẳng ai thấy chuyện đó là chướng cả. Đại tướng bèn triết lý rằng:
- Cuộc đời lúc thì là bi kịch, lúc thì là hài kịch. Trong tấn bi kịch là là chết chóc, trong tấn hài kịch thì người ta lấy nhau.
Gioóc và Êmily sinh hạ được ba đứa con trai kháu khỉnh, khi những đứa trẻ đến nhà ông ngoại chơi và cưỡi trên ngựa gỗ thì ông cũng bắt chước chúng cưỡi lên một con ngựa gỗ, giả làm lính hầu, lính hầu của các quan cố vấn thân cận tí hon của nhà vua. Đại tướng phu nhân ngồi trên ghế xô pha nhìn chúng mỉm cười ngay cả khi ngài nhức đầu ghê gớm.
Gioóc đã hiển đạt như thế đó và với tài năng của anh, anh còn thăng tiến hơn nữa. Vả lại, như thế mới bõ công kể cho các bạn nghe chuyện con trai một người gác cổng.
-- Hết --