Krishina là hóa thân thứ tám của thần Vishnu.
Lúc này hoàng tộc Yadava ở Mathura sảy ra sự bất hòa. Kansa truất ngôi cha, đánh bại chị mình là bà Devaki, cùng chồng bà là Vasu-deva. Không những chỉ hạ ngục anh chị, mà còn hạ lệnh giết bất cứ người con nào của chị sinh ra vì có lời tiên tri trong đám cưới của Devaki, theo truyền thuyết của Puranic, Kansa được các thầy bói nói rằng một đứa trẻ của Devaki sẽ giết anh ta. Kansa sắp xếp để giết tất cả trẻ em của Devaki. Kansa đã giết tất cả sáu đứa con của Devaki.
Lúc này Mẹ Trái đất bất bình vì những hành vi bạo tàn của Kansa và các vị Vua quỷ khác, người hóa thân thành con bò và đến đến gặp Chúa Brahma cùng với các vị thần khác, họ đưa cô đến bờ biển của đại dương. Ở đó, họ hô vang Purusha Sukta và triệu tập Chúa tể Vishnu. Chúa tể Vishnu cam đoan rằng thần sẽ đầu thai cùng với rắn thần Shesha hay Ananta của mình trong triều đại Yadu để chấm dứt sự chuyên chế của bạo chúa Kansa.
Khi Devaki sắp sửa sinh hạ đứa thứ bảy thì thần Vishnu tới cứu bằng cách lấy bào thai còn trong tử cung mang lại trao cho Rohini, người vợ khác của Vasu-Deva, lúc đó đương sống cùng hai vợ chồng người chăn bò Nanda và Yasoda tại Gokula. Tới kỳ hạn, đứa trẻ bọc sinh ra và mang tên là Bala-Râma. (Chính là hóa thân của rắn thần Ananta mà thần Vishnu vẫn nằm nghỉ ngơi trên đó)
Sau đó bà Davaki lại mang thai đứa thứ tám. Vào lúc bà hạ sanh đứa trẻ này, nhã nhạc vang lừng, trên mặt đất các cây đều nở hoa tưng bừng. Đứa trẻ này chính là thần Vishnu giáng sinh lần thứ tám thành Krishna. Khi vừa sinh ra, Krishna xuất hiện trước cha mẹ với vương miện trên đầu, mình mặc áo vàng, bốn tay cầm bốn vật tượng trưng là vỏ ốc, đĩa tròn, bông sen và cái chùy. Krishna nói với cha mẹ hãy mang mình tới nhà Yasoda để đánh tráo lấy đứa con gái mà Yasoda sắp sinh. Dứt lời, Krishna trở lại hình hài đứa trẻ sơ sinh. Tuy sự hiển hiện cùng lời dặn dò vừa qua rất đỗi kỳ lạ, Vasudeva cũng quyết định tuân theo. Ông đặt đứa trẻ nằm gọn trong một cái lẵng, rồi đội lên đầu sửa soạn ra khỏi nhà tù. Những dây xích tự nhiên được tháo tung, cửa ngục mở, các lính canh ngục ngủ thiếp trong mê man và Vasudeva ra đi êm thắm.
Trên đường đi, Vasudeva phải lội qua con sông Yamuna. Lội tới giữa dòng, đứa trẻ bỗng trở nên nặng quá chừng, nước sông lại gần ngập tới đầu, khó mà lội qua được. Nhưng khi đứa trẻ vừa khỏa chân xuống nước, dòng sông bỗng rút cạn, thế là hai cha con sang bờ yên lành.
Khi tới nhà Nanda, có tiếng vọng ra bảo Vasudeva cứ vào, cứ đặt đứa con trai xuống bên cạnh Yasoda và mang đứa trẻ gái Yasoda mới sinh trở về ngục. Việc xảy ra thật lẹ và êm thắm. Cả Nanda và Yasoda đều không hay biết chi cả. Từ đấy Yasoda nuôi nấng Krishna mà vẫn tưởng là nuôi chính con mình đẻ ra.
Nghe tin chị sinh, Kansa lại tìm cách giết đứa trẻ, lần này cô gái hiện hình một nữ thần bảo với Kansa rằng đứa trẻ mà Kansa muốn giết hiện đương sống ở Gokula bên kia bờ sông Yamuna. Kansa bèn sai bầy âm binh của mình đi giết hết những trẻ sơ sinh của cả vùng này.
Chuyện kể về thời thơ ấu của Krishna thật nhiều. Yasoda luôn luôn lo lắng về những hành vi lạ lùng của chú bé, mới phút trước chú là chú bé thường, phút sau chú đã hiện thành đấng chí tôn của vũ trụ. Bà cũng lo lắng về việc Kansa luôn luôn tìm cách ám hại đứa trẻ. Một lần Kansa sai Pâtanâ, một con ma cà rồng, hiện thành hình một người đàn bà có vẻ đẹp dịu hiền tới bế đứa trẻ lên lòng cho bú. Krishna hút hết chất độc tự vú con yêu ra, khiến nó chết tức khắc và hiện nguyên hình.
Một lần khác Yasoda đặt chú bé chơi yên lành dưới gầm một chiếc xe bò lớn trong sân. Yasoda vừa đi nơi khác, một con quỷ bộ hạ của Kansa bèn nhảy lên định làm cho chiếc xe sập xuống nhưng Krishna đã lấy ngón chân hất phăng chiếc xe nặng đập vào tường đối diện, giết chết tươi con quỷ.
Một lần khác Yasoda đương cùng chú bé đùa thì một đám mây đen kịt bất chợt sà xuống, túm lấy cổ chú bé rồi bay lên cao. Lần đó cơ hồ không còn cách gì cứu được chú bé, nhưng đám mây bị cưỡng bay chậm lại rồi hạ thấp dần... thấp dần xuống làng, chú bé thoát nạn.
Một lần Yasoda muốn giữ cho chú bé khỏi nghịch bèn cột chú vào trục một bánh xe. Nhưng chú đâu chịu đứng nguyên một chỗ. Chú kéo lết chiếc bánh xe tới phía hai cây cổ thụ lớn mọc sát bên nhau. Chú gắng đi lọt vào giữa, chiếc bánh xe bị mắc chặn, chú vẫn kéo làm hai cây cổ thụ đổ rụp. Bỗng có hai thần linh hiện lên nói họ vốn đã bị cầm tù trong cây từ lâu, nay được Krishna phóng thích, họ xin một lòng quy thuận và thờ phụng như bậc thầy.
Krishna thường hay lấy cắp bơ của các bà hàng xóm để phân phát cho khỉ và cho lũ trẻ khác, nhưng khi các bà tới mách thì bà nào cũng ngạc nhiên nhận thấy rằng Krishna đã lấy cắp bơ ở nhà mình vào cùng một lúc, còn bà Yasoda lại xác nhận rằng cũng lúc ấy Krishna không hề ra khỏi nhà.
Một lần khác Krishna bốc đất bỏ vào miệng khi bà Yasoda mở miệng Krishna để lấy đất ra thì được chứng kiến hình ảnh toàn thể vũ trụ.
Khi lên sáu, lên bảy, Krishna được phép theo anh là Balâ-râma ra đồng cỏ chăn đàn súc vật. Khoảng thời gian này trong rừng Brindâban thường vang ròn những tiếng cười của Krishna cùng lũ bạn mục đồng. Krishna rất thích thổi sáo, tiếng sáo huyền ảo đến nỗi dòng sông Yamuna cũng chạy lạc đường vì mải nghe, và những bông sen khắp vùng đều bừng nở mãn khai trong hân hoan.
Một lần có con rồng khổng lồ ẩn mình rất khéo chỉ để lộ riêng chiếc miệng há rộng của nó. Lũ trẻ mục đồng ngỡ đó là cửa động bèn chạy ùa vào. Con rồng hít hơi lùa cả lũ trẻ cùng đàn súc vật vào bụng. Lũ trẻ la hét kêu cứu Krishna. Krishna bèn tới cho con rồng hít nốt mình vào bụng. Nhưng khi đã vào trong, Krishna trở thành cao lớn dị thường làm vỡ bụng con rồng, lũ mục đồng và đàn súc vật được cứu thoát toàn vẹn.
Một ngày kia có một con hạc khổng lồ cao bằng trái núi tới đậu bên bờ sông. Krishna để cho con hạc cặp mình giữa mỏ. Nhưng hạc chưa kịp nuốt thì Krishna đã trở thành một vật nóng bỏng, con hạc muốn nhả tức khắc, nhưng Krishna vẫn bám lấy, cố làm cho đứt mỏ hạc khiến con chim khổng lồ phải rãy chết.
Một lần khác quỷ Metrâsur hiện thành hình một con cừu đực, thoạt giả vờ gậm cỏ yên lành, rồi bất chợt lao hết tốc độ về Krishna. Ai cũng nghĩ rằng lần này Krishna tất phải chết, nhưng Krishna vẫn điềm nhiên đợi lúc con quỷ vừa tới, bèn vung tay nắm lấy gáy cừu quay tít mấy vòng trên không rồi ném thẳng vào gốc cây. Metrâsur tan xác, máu thịt văng tung tóe khắp nơi.
Vào một ngày nóng nực, đoàn mục đồng tới hồ Kâliya uống nước. Chúng không biết nước hồ đã nhiễm độc từ lâu, vì vậy chúng chết hết. Thấy vậy, Krishna khóc rống lên, nước mắt tiếc thương rỏ xuống và các bạn nhỏ đều hồi sinh. Krishna bèn quyết định giết con rắn độc ngụ dưới hồ. Con rắn độc Kâliya này đã phải rời bỏ chỗ ở cũ của nó vì sợ thần điểu Garuda (do Vishnu thường cưỡi). Garuda sở dĩ không tới rừng Brindâban vì có lời nguyền của một đạo sĩ nếu nó tới đó sẽ bị chết. Vì vậy Kâliya vẫn được sống yên lành ở hồ này. Nọc độc của nó tiết ra khiến không một loài cây cỏ nào sống nổi quanh hồ, trừ một gốc cổ thụ. Nguyên do cây này đã một lần Gurada tới đậu; vì Garuda là thần điểu của Vishnu nên cây được nhiễm chất linh thiêng mà không bị nọc rắn làm chết. Một hôm, lũ mục đồng đương chơi banh, trái banh rớt xuống hồ. Krishna trèo lên cây, nhảy xuống hồ. Kâliya thấy nước hồ bị khuấy rộn thì giận lắm, bèn nghển cả trăm đầu lên quan sát. Thấy chú bé, nó bèn quấn lấy kéo xuống đáy hồ, định mổ cho chết. Nhưng răng rắn vừa đụng tới thịt thì Krishna bắt đầu lớn bồng lên; lớn đến mức Kâliya buộc lòng phải thả chú.
Trong khi đó lũ mục đồng trên bờ hoảng sợ, một vài đứa chạy về báo bà Yasoda và Nanda.Bà Yasoda muốn liều nhảy xuống hồ cứu con, nhưng Bala-râma khuyên bà đừng lo ngại, Krishna quyết thắng trận và trở lên. Đoạn Bala-râma trèo lên cây lấy tù và ra thổi, ý báo cho Krishna biết rằng mẹ đương lo lắng. Krishna bèn thả cho ống sáo của mình nổi lên mặt nước, gián tiếp báo rằng mình không sao. Các bạn bè của Krishna thấy vậy càng sợ hãi vì chúng cho rằng không bao giờ Krishna muốn rời chiếc sáo của mình cả. Bala-râma lại thổi một điệu tù và khác xin Krishna chứng tỏ rằng mình còn sống. Krishna bèn quặp lấy một đầu con rắn ngoi lên khỏi mặt nước. Đầu rắn đảo quẫy làm chiếc lông công như nhảy múa trên mặt nước khiến mọi người đều cho là Krishna bị giết đến nơi rồi. Không lâu Kâliya kiệt sức, Krishna tuần tự chém rụng những đầu của nó. Lúc Krishna sắp hạ độc thủ, chém nốt chiếc cuối cùng thì lũ vợ con rắn sụp lạy xin chú hãy tha sống cho chồng, cho cha. Krishna ưng thuận với điều kiện rắn phải trở về chốn cũ. Kâliya đáp nếu nó về chốn cũ thì thần điểu Garuda sẽ ăn thịt nó mất. Krishna bảo nó cứ yên chí, khi thần điểu Garuda thấy dấu chân Krishna trên đầu nó, sẽ không bao giờ tìm cách hại nó nữa. Thế là Krishna lên bờ. Lúc đó đã muộn lắm rồi, không ai kịp về nhà. Mọi người đồng ý ngủ qua đêm trong rừng. Họ tụ tập dưới một cây đa cổ thụ. Nửa đêm rừng phát hỏa, đám mục đồng thức giấc kêu cứu. Krishna ba lần mở miệng hút hết lửa, cứu được nạn cháy rừng.
Krishna dần lớn lên và trở thành thành một chàng thanh niên.
Một lần vào đầu vụ gió mùa, dân chúng như thường lệ sửa soạn làm lễ dâng lên thần Indra (thần Sét). Krishna nói điên gì mà cầu cúng thần Indra để xin cho được mùa. Mùa màng xấu hay tốt là do số phận của chính mình! Thần Indra giận lắm và để chứng tỏ rằng quyền uy của thần lớn hơn Krishna, thần bèn hóa phép mưa to gió lớn, nước sông Yamuna biến thành thác lũ tràn bờ.
Krishna bèn dẫn dân chúng cùng gia súc lên đường tới núi Govardhana; Krishna dùng một ngón tay nhấc bổng núi lên làm nơi trú ẩn cho cả đoàn người và vật. Suốt trong bảy ngày, ai nấy sống yên lành khô ráo.
Indra biết không thể thắng được, đành cho mặt trời ló rạng, dòng sông trở lại an lành, đoàn người và vật trở về làng, núi được hạ xuống y như cũ. Indra cưỡi bạch tượng Airâvata tới ra mắt, chịu thần phục Krishna.
Một hôm Krishna lấy trộm tất cả quần áo của đám phụ nữ tắm dưới sông. Họ cầu khẩn xin Krishna trả lại. Krishna bắt họ từng người phải đích thân tới lấy. Đây Krishna không có ý gì khác hơn là dạy cho họ một bài học cao cả về tâm linh (Có sách giảng: lũ bò tượng trưng các giác quan; các cậu mục đồng tượng trưng trí khôn; các cô mục đồng tượng trưng trí thức; đồ các cô mặc ngoài tượng trưng sự ngu dốt. Lấy cắp đồ tức là lấy đi sự ngu dốt làm sáng tỏ chân lý), bù lại Krishna hứa sẽ cùng họ khiêu vũ vào một đêm trăng rằm.
Tới đúng kỳ trăng tròn, tiếng sáo huyền ảo của Krishna vang tới làm những phụ nữ đó không sao ngủ được. Họ bèn kẻ trước người sau lẻn chồng, ra khỏi nhà, theo đường tới rừng. Sau một giây lâu hội họp, Krishna bảo họ phải trở về vì họ đã được ngắm trăng đẹp bên bờ sông rồi. Cả bọn khóc lóc não nề xin Krishna đừng sớm ruồng rẫy như vậy. Không nỡ phụ lòng ưu ái của họ, Krishna đành đích thân san phẳng một khoảng cao màu vàng lộng ngay trên bờ sông để sửa soạn làm nơi khiêu vũ. Trong khi đó các thiếu nữ xuống tắm dưới hồ Mânasa-rovara (hồ linh thiêng), lên trang điểm cho thật đẹp, rồi các cô nhảy vòng tròn xung quanh Krishna như quâu vòng tròn một vừng trăng sáng. Khi lòng tự kiêu của các cô lồ lộ trên nét mặt thì Krishna biến mất, chỉ mang theo có mỹ nhân Radha. Các cô khóc lóc, đi sâu vào rừng hỏi thăm chim muông, hoa cỏ xem có thấy Krishna ở đâu không. Các cô gặp lại nàng Radha cũng đương khóc mếu vì mất Krishna. Có gì đâu, cũng vì nàng kiêu hãnh là đã riêng được chàng mang đi, chàng bèn biến mất. Các nàng đưa nhau trở về khoảng đất cao màu vàng lộng trên bờ sông ngồi khóc nỉ non. Thấy vậy Krishna trở lại. Cuộc khiêu vũ dưới trăng lại được tiếp tục. Krishna tự phân thân thành đủ số Krishna cho mỗi cô. Họ nắm tay nhau khiêu vũ tưng bừng, trông xa như một chiếc vòng lớn nạm vàng và ngọc bích : ánh vàng là khuôn mặt của từng Krishna, ánh ngọc bích sáng ngời là khuôn mặt của các nàng.
Tiếng gà báo sáng đâu đây. Trăng tà về đỉnh non Tây tự lúc nào. Tới giờ phải chia tay rồi; Krishna nói với các nàng hãy luôn luôn suy niệm về tình bạn cao quý này, như vậy nào có khác gì họ thường xuyên hiện diện bên nhau. Ai nấy vui vẻ ra về, và không một ai khác trong làng biết chuyện khiêu vũ trong đêm cả.
Kansa suốt mười mấy năm trời tìm đủ thiên phương bách kế mà không giết nổi Krishna đành cho mời Krishna, Nanda và toàn thể các bạn mục đồng trai của Krishna về kinh đô Mathurâ dự hội. Krishna và các bạn chàng nhận lời. Tới ven đô, mọi người dừng lại, chỉ một Krishna vào thăm trước địa điểm mở hội. Chàng tiến thẳng tới khán đài danh dự nơi Kansa sẽ ngự lãm, nơi đây có treo cây cung thần của Shiva, tượng trưng cho uy quyền ngự trị của Kansa. Tương truyền cây cung đó chưa có ai giương nổi. Krishna lẹ làng kéo dây cung, cánh cung uốn cong và gãy làm đôi, tiếng vang dội làm cả kinh đô kinh hoàng. Kansa linh cảm ngày cuối cùng của mình đã đến.
Hôm sau, Kansa tới khai mạc ngày hội chính thức. Krishna cùng anh là Bala-râma dẫn đầu đám bạn mục đồng vào. Tới cửa giác đấu trường, Kansa đã cho phục một con voi cực lớn, anh quản tượng được lệnh thúc cho voi tiến lên dày xéo cả đám đông, nhưng Krishna nắm đuôi voi kéo lùi lại nhẹ như kéo một chú bê nhỏ. Cả voi lẫn quản tượng cùng bị giết. Hai tay cầm hai chiếc ngà bự, Krishna cùng anh vào thẳng giác đấu trường, đấu vật với vô địch của nhà vua. Tên này làm sao địch nổi Krishna. Kansa uất hận, bèn hạ lệnh cho ngự lâm quân bắt giữ hai anh em, nhưng Krishna đã nhảy tới kết liễu đời tên thoán đạt phản phúc. Cha Kansa trở lại ngôi báu. Krishna cứu cha, mẹ ruột mình ra khỏi nhà ngục.
Trong mấy năm đầu, Krishna đã giúp vương quốc này đẩy lui nhiều vụ xâm lăng và trừ khử nhiều tà quái tới quấy nhiễu.
Viswakarman, kiến trúc gia thần thông, đã xây một đô thị duyên hải cho Krishna, mang tên là đô thị Dwârakâ. Nhiều khi Krishna dùng phép thần thông mang cả dân chúng Mathurâ tới Dwârakâ trong một đêm, khiến sớm hôm sau khi bừng mắt dậy, họ rất đỗi ngạc nhiên thấy quanh mình biển cả bao la.
Krishna cưới tới hàng ngàn vợ (Thực ra đây cũng hàm ngụ ý nghĩa tượng trưng. Krishna tượng trưng cho mọi yếu tố dương hòa hợp với mọi yếu tố âm để sinh sản và trường tồn trong trời đất), ngôi chính tất là nàng Rukmini. Tương truyền nàng Rukmini ngưỡng mộ Krishna từ thuở nhỏ, nàng vẫn hằng cầu nguyện mong được làm vợ Krishna. Lớn lên, các anh nàng muốn gả nàng cho người khác. Nàng viết thơ nói rõ nỗi lòng mình với Krishna. Krishna tới cứu nàng vào đúng lúc nàng sắp làm lễ kết hôn với người do các anh lựa chọn. Nàng được đưa về Dwârakâ. Cùng Krishna, nàng sinh hạ được người con trai tên là Pradyumna mà người ta cho chính là hóa thân của thần tình yêu Kâma-deva. Với bà vợ nào, Krishna cũng có được mười cậu con trai và một cô con gái. Một vị đạo sĩ tò mò muốn biết Krishna đã làm thế nào mà sống hòa thuận được với hàng ngàn bà vợ như vậy, thì rất đỗi ngạc nhiên thấy rằng bà nào cũng khoe là chính Krishna cùng ở với bà. Thành ra tất cả hàng ngàn vị phu nhân ai nấy đều sống rất hỉ hả.
Một hôm bà chính thất Rukmini hỏi đức ông chồng là ông trung thành với ai nhất. Krishna đáp "Radha!".
Vì Radha là bóng đẹp xuất hiện tự tuổi thơ của Krishna, nên các vị phu nhân ở Dwârakâ chẳng ai biết mặt. Các bà yêu cầu Krishna cho được gặp Radha.
Khi sứ giả của Krishna tới, thấy Radha đương ngồi tham thiền, đôi mắt nhắm, miệng lẩm bẩm gọi tên Krishna. Nàng đẹp hiền thục như bông sen trắng nở trong đêm. Khi được cho hay Krishna muốn mời nàng tới, nàng thoạt khước từ. Sau vì muốn làm đẹp lòng Krishna, nàng ưng thuận. Nàng trang điểm y như ngày nào cùng Krishna khiêu vũ bên bờ sông gợn ánh trăng vàng. Tới Dwârakâ, vẻ đẹp rực ràng cao quý của nàng làm mờ nhạt hết thảy các nhan sắc khác, chẳng khác mặt trời ló rạng thì trăng sao tất phải chìm đi.
Tới lúc chia tay, nàng không muốn đi nữa, Krishna phải an ủi nàng rằng Krishna là cả thế gian, và cả thế gian ở trong Krishna, có cái gì ngăn cách được hai người đâu.
Mối tình chung thủy, thiết tha, cao đẹp đó cũng là tượng trưng mối tình của đấng Chí Tôn hướng về thế nhân, và khát vọng muôn đời của thế nhân hướng về nguyên lý tối cao Thượng Đế, Chân-Thiện-Mỹ.
Thiên anh hùng ca Râmâyana cùng với thiên anh hùng ca Mahâbhârata thường được ví với hai thiên trường ca của Homère : Odysée và Iliade.
Trong sự hình thành cá tính dân tộc, những nhân vật truyền kỳ trong văn chương bình dân và dã sử thường có ảnh hưởng mạnh mẽ không kém gì những bậc anh hùng trong chính sử. Có thể nói rằng tất cả các bậc vĩ nhân của Ấn Độ đều đã được hun đúc nuôi dưỡng bởi những công nghiệp siêu phàm của các nhân vật trong hai thiên anh hùng ca trên. Trong vòng ba ngàn năm nay, những tác phẩm ấy thành cái di sản quí báu của nhân dân Ấn Độ, món ăn tinh thần của người trí thức cũng như người thất học nam hay nữ, giàu hay nghèo.
Một tác phẩm văn học sở dĩ trở nên bất tử và được truyền tụng rất sâu rộng không phải chỉ nhờ ở tính cách lý tưởng hay nội dung đạo đức của nó. Điều kiện quan trọng hơn là nó phải thể hiện được những khía cạnh đặc biệt của đời sống tình cảm, tư duy và sinh hoạt vật chất của con người bằng nghệ thuật độc đáo.
Cả hai thiên anh hùng ca đều được diễn tả bằng những câu thơ Sloka (câu thơ đôi : hai câu một vần) là điệu thơ giàu nhạc điệu và phổ thông nhất trong Phạn văn, rất thích hợp để diễn tả những tình cảm bi hùng trong lịch sử. Lời thơ lại hồn nhiên giản dị, giàu vẻ tự nhiên hơn là những kỹ thuật cầu kỳ. Anh hùng ca Râmâyana thể hiện đời sống tôn giáo và những tình tự đạo đức của Ấn Độ cổ thời, làm sống dậy tất cả những đức tính quý nhất của con người trên cả hai phương diện thế gian và siêu thoát. Đối với nhân dân Ấn Độ, ông hoàng Râma hóa thân thứ bảy của thần Vishnu, là hiện thân của đạo đức, của tình thương yêu vô vàn. Theo truyền thuyết thì truyện này do Nârada, một đạo sĩ thấu thị (rishi), kể lại cho đạo sĩ Vâlmiki nghe. Ông này nhờ có thần Brahmâ khuyến khích và giúp đỡ, đã tìm được nguồn cảm hứng lạ kỳ để thuật lại sự tích Râma cho các môn đệ nghe bằng những vần sloka tuyệt tác. Chính thần Brahmâ cũng cảm thấy rung động vì lời giọng hát của Vâlmiki nên đã phải thốt lên :
"Chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì anh hùng ca Râmâyana còn làm say mê nhân thế và cứu giúp họ ra khỏi vòng tội lỗi".
Sử gia Pháp Michelet (1798-1874) sau khi đọc Râmâyana đã không tiếc lời ca ngợi :
"Người nào đã từng hành động hoặc ham muốn quá nhiều, hãy uống cạn ly rượu đầy sức sống và tuổi trẻ này ... Ở Tây phương, cái gì cũng chật hẹp : Hy Lạp nhỏ bé làm tôi ngột ngạt; Do Thái khô khan làm tôi khó thở. Hãy để cho tôi hướng về Á châu cao cả và Đông phương thâm trầm trong giây lát. Chính nơi đó đã phát sinh ra bài thơ vĩ đại của tôi, mênh mông như Ấn độ dương tràn ngập ánh mặt trời rực rỡ tốt lành. Đó là một tác phẩm chứa chan hòa điệu thiêng liêng, tạo nên một không khí thái hòa và tình thương vô biên ngay giữa những cảnh tượng mâu thuẫn xung đột" (Trích dẫn theo : Jawaharlal Nehru, The Discovey of India, Signet Press, Calcutta 1956).
Điều cần ghi nhớ là bản anh hùng ca Râmâyana được truyền tụng đến ngày nay không phải là nguyên bản của Vâlmĩki, mà là một thiên trường ca đã được khai triển rất nhiều bởi biết bao thi sĩ vô danh trải qua nhiều thế kỷ. Hàng thế hệ thì nhân đời nọ qua đời kia đã không ngừng phụ họa và bổ túc những lời thơ tuyệt diệu.
Toàn bộ Râmâyana nguyên bản Phạn ngữ gồm bảy cuốn, nhưng cuốn sau cùng chỉ là một phụ bản do đời sau thêm vào (Sau này Râmâyana được chia thành 12 cuốn, cuốn thứ 12 chính là phụ bản của nguyên tác). Phụ bản này kể thêm một đoạn kết bi thảm cho tác phẩm, có dụng ý vừa ca ngợi thêm đức tính vô song của nàng Sĩtâ, vợ hoàng tử Râma, vừa gây cảm xúc mạnh mẽ tột độ cho người đọc. Nhờ phụ bản này, chúng ta được biết anh hùng ca Râmâyana gồm có 7 cuốn, 500 đoạn và 24.000 câu thơ đôi sloka. Trong phần kết luận, phụ bản này còn cho biết thêm rằng con và em của hoàng tử Râma đã tạo lập được một số đô thị trong Vương quốc rất phồn thịnh vào khoảng thế kỷ thứ VI, thứ V trước Công nguyên. Do đó, có thể tạm kết luận rằng thiên hùng ca Râmâyana, sau mấy thế kỷ truyền tụng và tăng bổ, đã được hoàn thành dưới hình thức hiện thời vào khoảng hai, ba trăm năm trước Công Nguyên.