Đã lâu lắm rồi, trong một ngôi làng nghèo nhỏ có một bà mẹ góa với công việc hàng ngày bán hàng ăn cho những nho sinh trong trường làng. Bà mẹ góa có ba người con, một mình bà phải nuôi ba người vì chồng bà đã tử trận. Bà có một người con gái tên Quỳnh năm nay vừa tròn mười lăm tuổi. Quỳnh là cô gái thùy mị, nết na có vẻ đẹp không phải cô gái nào trong vùng cũng có được. Quỳnh không chỉ đẹp về bề ngoài mà tính tình của Quỳnh cũng được rất nhiều người yêu quý bởi cô chưa làm mất lòng ai bao giờ.
Trong các nho sinh thường hay mua đồ ăn của bà mẹ góa, có một chàng trai tên Giao một nho sinh thanh tú, lịch thiệp và học rất giỏi. Ngày nào chàng cũng đi qua và mua xôi của Quỳnh. Và rồi chàng đã si mê nàng từ lúc nào không hay. Chàng đã mang theo quyết tâm phải gắng học thi đỗ làm quan để hỏi Quỳnh làm vợ. Quỳnh cũng đã có cảm tình với chàng và chỉ đợi chàng ngỏ lời. Nhưng trong trường cũng có một nho sinh con nhà quan của vùng, mặc dù đã có vợ nhưng vẫn đem lòng si mê Quỳnh. Hắn cậy mình là con quan có chức có quyền nên luôn muốn chiếm đoạt nàng về làm vợ lẽ. Nhưng Quỳnh luôn tìm mọi cách để né tránh hắn, hắn rất bực và lợi dụng quyền lực của cha mà đem vàng bạc châu báu qua hỏi cưới nhưng Quỳnh và bà mẹ đã khôn ngoan từ chối. Biết là từ chối khéo, dùng kế trì hoãn. Nhưng hai mẹ con chỉ mong sao chàng Giao kia hãy mau mau đem lễ vật đến hỏi, thế là xong. Thế rồi, cuối cùng ngày thi cũng tới. Giao đã kịp nói lời hẹn ước với Quỳnh trước khi lên đường về kinh dự kỳ thi.
Chàng đi. Đi mãi, ba năm đã trôi qua, mà không hề có một bóng nhạn, tin câu báo về. Nhà của chàng nho sinh con quan lại đem lễ vật sang dạm hỏi. Lần này thì không thể từ chối được. Nhưng Quỳnh không muốn làm vợ bé của một tên con quan vốn học dốt, hợm hỉnh, chuyên đem tiền ra để mua tình cảm. Nàng xin phép mẹ được cạo đầu lên chùa đi tu. Cuộc đời thật nhiều điều trớ trêu, khi Quỳnh vừa vào chùa thì chàng Giao với mũ áo kim khôi trở về làng. Khi vừa về đến làng chàng liền hỏi thăm đến Quỳnh, khi biết tin nàng lên chùa chàng đã vô cùng đau buồn. Oán trách sao không trở về tìm Quỳnh sớm hơn thì đã không xảy ra chuyện buồn như vậy. Chàng vì những công việc làm quan trị thủy giúp dân nên không thể về sớm hơn, sau khi hoàn thành xong nhà vua mới cho chàng về thăm mẹ, thăm quê nhà.
Mặc dù đã lên chùa nhưng Quỳnh vẫn không thể quên được hình bóng của chàng Giao. Nhà chùa cũng không thể để nàng rời chùa được vì nàng đã cắt đứt mọi duyên nợ với trần đời. Mặc dù rất nhớ chàng nhưng khi chàng Giao đến thăm nàng đã tránh không dám gặp vì nàng sợ rằng khi gặp Quỳnh chàng sẽ không chịu nổi với vẻ ngoài tiều tụy của mình. Nàng không thể ăn uống được gì, ngoài cố gắng quên tất cả sự đời, dồn tất cả tâm huyết vào tiếng kinh, tiếng mõ. Vì quá đau buồn mà Quỳnh đã chết khô chết héo. Nhà chùa cảm động trước hành động, tình cảm của nàng. Họ đem xác nàng thiêu thành tro, để thổi hồn vào một bức tượng đồng trinh. Một dúm tro tàn bay ra, rơi xuống bãi đất trống trước cổng chùa. Vài hôm sau, người ta thấy chỗ đó mọc lên một loài cây, có lá mà không có cành. Hoa lại có đặc điểm nở vào nửa đêm với màu trắng muốt hương thơm ngào ngạt. Người ta liền lấy tên nàng để đặt tên cho loài cây hoa đẹp này. Đó là hoa Quỳnh.
Chàng Giao, sau nhiều lần lên chùa mà không sao tìm được Quỳnh thì cũng trở nên bi luỵ. Chàng trở về thẩn thờ không ăn, không uống rồi cũng bị bệnh tương tư mà chết. Chổ nấm mồ chàng, bỗng mọc lên một loài cây có cành mà không có lá. Người ta đem cây đó về trồng bên cạnh cây Quỳnh, thì Quỳnh bỗng tựa vào thân cây đó vươn lên tươi tốt, nở hoa. Và từ đây nhân dân có tục trồng Quỳnh cạnh Giao là nghĩa đó. Bông hoa Quỳnh vẫn giữ nguyên vẻ khiêm nhường như xưa. Chỉ có những ai hay thức đêm mới thưởng thức được vẻ đẹp thầm kín độc đáo.