Ngày xửa ngày xưa, tại gia đình nọ sinh được bảy chị em gái tài sắc nghiêng thành, mỗi người mỗi vẻ. Cô cả xinh đẹp, nhưng cô hai còn xinh hơn và cô thứ ba thì xinh nhất. Cô thứ tư biết đi mây về gió, cô thứ năm có tài ngủ mà như không ngủ. Cô thứ sáu có mái tóc như những chiếc dùi trống và cô thứ bảy hiền lành nhất, hay được gọi là Lãng Quên. Khác hẳn với cô, sáu cô chị chỉ luôn nghĩ đến làm những việc xấu. Bảy chị em sống trên một hòn đảo đẹp, nơi có những khóm tre kẽo kẹt trong gió và những hạt cà phê được chế biến khéo léo nhất.
Cô Út thật ra có tên là Nyi Boungsou Rarang nhưng mọi người thường gọi là Lãng Quên. Không phải là cô bé hay quên, không nhớ gì cả mà là mọi người thường xuyên quên mất cô. Khi mẹ cô dọn cơm, sáu cô chị sà vào ăn như đàn sẻ ngô, ăn lấy ăn để cho đến khi chẳng còn hạt cơm nào. Cô bé Lãng Quên chỉ còn biết ngồi mà khóc nức nở. Khi cha mẹ qua đời, cô bé Lãng Quên còn phải sống trong khốn khổ. Các cô chị đua nhau lấy chồng, họ tranh lấy hết các chàng trai trong làng đến nỗi chẳng còn chàng trai nào dành cho Lãng Quên.
Vậy là các cô chị ai cũng có chồng con, nhà cửa đề huề, trâu bò đầy chuồng, thóc lúa đầy vựa thì Lãng Quên chẳng có lấy một chỗ trú chân. Cô phải đi ngủ giữa các cụm dương xỉ.
Một hôm các cô chị bảo Lãng Quên đến đập lúa giúp. Cô đến làm từ sáng sớm đến tối mịt và sau khi xong việc, cô chỉ dám hỏi các chị :
– Nếu các chị thương em thì hãy cho em xin một chút gạo để em về nấu bát cháo ăn cho qua ngày.
Các cô chị chẳng những không cho mà còn mắng nhiếc, xỉ vả Lãng Quên thậm tệ :
– Thật là một kẻ trơ trẽn. Mày không biết đây là phần gạo cho gà sao? Mày lại định ăn mất cả phần của gà ư?
Và cô bé được thưởng thêm một trận đánh túi bụi của các cô chị.
Lãng Quên vừa trở về vừa khóc tấm tức. Cô đi lang thang hy vọng tìm được chút gì đó để ăn. Cô cứ đi, đi mãi, cuối cùng cô dừng lại bên hồ nước. Ở đó có một người đi câu hòa câu được con cá. Con cá đang giãy giụa ở đầu dây. Nó mới đẹp làm sao, người nó vàng rực lấp lánh. Tuy nhiên con cá lại rất nhỏ bé, nhỏ đến mức nó có thể nằm ở trên móng tay. Lãng Quên thương con cá lắm, cô bé liền vội vã chạy đến bên người đi câu và khẩn nài :
– Bác ơi, xin bác đừng giết con cá tội nghiệp này. Nếu bác ăn nó, bác cũng chẳng thấy có vị gì vì nó quá nhỏ. Xin bác hãy mở lòng, bác hãy cho cháu. Nó sẽ là người bạn đồng hành của cháu. Để đổi lại, cháu sẽ cầu khấn trời đất phù hộ cho bác có những chuyến đi câu khác may mắn hơn. Cháu muốn cứu mạng sống cho con cá này.
Cũng may, bác đánh cá là người tốt. Bác đưa con cá nhỏ bé cho Lãng Quên. Trong đời cô, cô chưa bao giờ được niềm vui lớn như vậy. Đây là lần đầu tiên cô được nhận một thứ gì đó ở người khác. Cô bé nhanh chóng múc đầy nước vào chiếc gáo dừa và thả con cá vào đó. Cô đặt tên cho nó là Cá Vàng. Mặc dù cô chẳng có gì để ăn, nhưng mỗi khi xin được chút gì cô luôn nhớ mang về cho cá một phần. Cá Vàng cũng lớn dần. Chiếc gáo dừa giờ chẳng đủ chỗ cho nó nữa. Khi nó dài bằng ba ngón tay, cô bé đem nó thả vào một hồ nước nhỏ trong rừng.
Mỗi khi xin được chút cơm, cô bé lại chạy đến bên hồ nước và gọi:
– Cá Vàng! Cá Vàng! Cá Vàng! Lại đây chú cá nhỏ! Chị sẽ cho chú ăn.
Và Cá Vàng cũng không bao giờ chịu ngoi lên nếu như nghe thấy tiếng người lạ. Dần dần, Lãng Quên làm thành một bài thơ gọi cá :
Cá Vàng! Cá Vàng là cá vàng ơi
Rẽ sóng rẽ khơi lên đây với tôi
Chia sẻ những gì tôi kiếm được
Hãy nhanh lên, cá vàng đáng yêu !
Chỉ nghe thấy Lãng Quên hát như vậy là Cá Vàng đã bơi vào sát bờ, nhô đầu lên khỏi mặt nước và đớp những hạt cơm trong tay cô bạn và để lại vài vảy cá vàng. Và khi Lãng Quên bước đi, cá luôn ra hiệu chào từ biệt bằng cách quẩy đuôi thật mạnh.
Chẳng bao lâu sau, Cá Vàng đã lớn bằng một em bé. Ngày xưa, chú là một con cá chép nhỏ đáng yêu, bây giờ đã thành chú cá chép lớn với lớp vảy bằng vàng lấp lánh. Nó đã hiểu được tiếng người và tuân theo những yêu cầu của Lãng Quên.
Các cô chị độc ác sớm muộn cũng đã biết Lãng Quên thường chuyện trò với một con cá Vàng ở hồ trong rừng. Họ cùng nhau thuyết phục Lãng Quên đưa con cá cho họ. Cô cả nói :
– Này cô em ngốc nghếch, mày chưa biết đến món cá chép rán hay sao?
– Mày có muốn nếm thử món cá hầm chứ? – Cô hai nói.
– Mày chưa bao giờ được thưởng thức món cá nướng hay sao? – Cô ba nói.
Các cô chị dùng hết lời lẽ lúc nịnh nọt, lúc quát mắng để ép Lãng Quên đưa cá cho họ. Họ còn hứa sẽ mời Lãng Quên đến dự tiệc, mang bộ quần áo lụa cho cô để đi dự hội.
Cuối cùng Lãng Quên nói :
– Vậy thì ai là người chia xẻ với tôi những chiếc bánh mà các chị hứa cho tôi nhưng chỉ là bánh vẽ? Không, ngàn lần không. Con cá của tôi, tôi sẽ giữ nó lại. Không có con cá của tôi, các chị cũng chẳng chết đói được.
Các cô chị lần này nhận thấy rằng không thể bắt nạt Lãng Quên như xưa nữa. Chúng gào càng to hơn :
– Hãy chờ đấy, đồ bướng bỉnh, rồi mày sẽ thấy.
Nói rồi, chúng trở về nhà bảo các ông chồng đi câu con cá vàng. Thật kỳ lạ, cá vàng không hề nổi lên. Nó chỉ nổi lên khi nghe Lãng Quên hát bài hát quen thuộc. Đó là điều các cô chị độc ác không hề hay biết. Chúng cố gắng tìm cách nhử cá vàng lên nhưng vô ích.
Một buổi tối, một cô chị nấp vào bụi rậm để rình xem Lãng Quên đã gọi cá vàng lên như thế nào. Cô ta căng tai ra và nghe thấy bài hát gọi cá và nhắc lại cho đến khi thuộc làu.
Sáng hôm sau, nhân lúc Lãng Quên đi làm trong làng, các cô chị tìm đến bên hồ. Chúng đã thủ sẵn chiếc dao nhọn và hy vọng bắt chước giọng Lãng Quên giống nhất. Cô chị cả nhấp một chút mật ngọt rồi bắt đầu lên giọng :
Cá vàng ! Cá vàng là cá vàng ơi
Rẽ sóng rẽ khơi lên với tôi
Chia sẻ những gì tôi kiếm được
Hãy nhanh lên, cá vàng đáng yêu.
Mặt nước hồ động đậy. Cá vàng bơi về phía bờ chỗ các cô chị đang đứng. Cá vàng đã nhầm. Nó đang bơi về phía những kẻ độc ác, họ không mang cơm lại cho cá vàng như Lãng Quên vẫn từng làm. Bàn tay cho cá vàng ăn cơm không phải là bàn tay của Lãng Quên mà là bàn tay của những cô chị độc ác.
Nghe thấy tiếng gọi quen thuộc, cá vàng nhô đầu lên khỏi mặt nước, miệng há sẵn. Nhanh như cắt, các cô chị bắt được cá vàng và chặt đứt đầu. Trở về nhà, các cô chị chia cá vàng. Ai cũng muốn chọn phần ngon, phần đầu còn thừa lại để mặc trên bàn.
Khi màn đêm buông xuống, sau một ngày lao động vất vả, Lãng Quên nhanh chóng trở về bên hồ nước trong khu rừng để gặp lại người bạn bé bỏng của mình. Cô vẫn hát bài hát quen thuộc. Nhưng lần này, mặt nước hồ vẫn yên lặng. Cô hát lại một lần nữa, rồi lần nữa nhưng cá vàng vẫn không xuất hiện. Lãng Quên bắt đầu khóc nức nở. Cô bé cảm thấy cô đơn và tội nghiệp.
– Chẳng lẽ cá vàng lại quên mình rồi sao – Lãng Quên tự nhủ. Bất chợt qua làn nước mắt, cô phát hiện ra trên bãi cỏ ven hồ có một vệt máu.
– Trời ơi mình khóc ra máu thật ư? Cô tự hỏi, trái tim cô thắt lại vì đau khổ.
Trong giây phút đó, cô bỗng nhớ đến các chị của mình và những lời dọa dẫm của họ. Cô liền chạy thục mạng về phía làng. Nhưng khi nghe cô hỏi, các cô chị đều điềm nhiên nói :
– Mày nghĩ chúng tao là kẻ cắp à?
– Chúng tao mà thèm ăn xin như mày à?
Thậm chí các cô ta còn bảo Lãng Quên cứ đến nhà họ mà lục tìm xe có tìm thấy dấu vết của con cá vàng không. Nhận thấy sự trâng tráo này, con gà mái trong chuồng tức quá phải kêu lên :
Cục ta cục tác
Kia là cái đầu
Trên tấm ván nhỏ
Nghe thấy vậy, các cô chị vội vã giấu chiếc đầu cá trong đống bát đũa trong bồn rửa bát. Con gà mái lại tiếp tục :
Giữa đống bát đĩa.
Là đầu cá vàng
Các cô chị lại vội vã giấu chiếc đầu cá trong bếp lò, lấy miếng thịt rắn che lên trên.
Gà mái lại kêu :
Cục ta cục tác
Ở giữa bếp lò
Là đầu con cá
Lần này, các cô chị tức điên người với con gà mái, họ đến tóm cổ con gà và trong khi giận dữ, họ tiện tay ném luôn con gà vào chỗ để đầu cá. Họ cười khẩy và chế nhạo Lãng Quên :
– Đây, con cá yêu quý của mày đây. Mày hãy mang nó về nếu mày muốn. Chúng tao ăn thịt nó đấy. Thì đã sao?
Thật tội nghiệp cho Lãng Quên. Nước mắt cô chảy như suối, cô ôm chiếc đầu cá còn lại về chỗ ngủ của mình ở bên hồ. Cô nhẹ nhàng rửa sạch chiếc đầu cá, xức dầu thơm rồi quấn nó vào tấm vải sạch trước khi đem chôn ngay bên cạnh chỗ cô nằm. Hàng ngày, cô tưới lên nấm mồ biết bao nhiêu là nước mắt. Và rồi một điều kỳ diệu đã xảy ra. Từ nấm mồ đó một loại cây kỳ lạ mọc lên và lớn rất nhanh. Mọi người bảo đó là cây chè nhưng lá của nó lại giống như vảy cá và bằng vàng rồng. Trên những chiếc lá vàng là những bông hoa bạc lấp lánh. Những bông hoa này chẳng bao lâu rụng xuống, nhường chỗ cho những quả mọng mà chưa ai từng nhìn thấy. Đó là những quả bằng đá quý, ngọc trai, kim cương, tất cả đều to như đầu con cá xấu số.
Ai nhìn lên cây cũng phải lóa mắt, ban đêm cây tỏa ánh sáng còn hơn ban ngày nắng chói chang.
Vào một ngày đẹp trời, nhà vua trẻ đi ngang qua khu rừng. Nhìn thấy cây thần kỳ liền cho đòi gặp chủ nhân. Cô gái xinh đẹp có vẻ mặt buồn buồn bước ra từ trong ngôi lều lụp xụp ra về kể lại cho nhà vua nghe mọi chuyện. Ngay lập tức, nhà vua đem lòng yêu mến cô gái. Ngài đưa cô về cung điện và cô bé Lãng Quên của chúng ta ngày xưa giờ đã trở thành hoàng hậu.
Lãng Quên cho đem chiếc đầu cá vàng về chôn cất trong vườn thượng uyển và ở đó lại mọc lên một cây kỳ lạ. Mỗi tối, cô lại đến bên cây, khóc thương cho số phận con cá và nước mắt cô lại tưới vào gốc cây. Chẳng bao lâu cây thần kỳ lại lớn thành cây vàng, hoa bạc và quả kim cương và vương quốc đó trở nên giàu có nhất thế gian.
Thời gian trôi qua và một năm hạn hán đã đến với vương quốc nọ. Con người và súc vật phải đi lang thang khắp nơi kiếm nước để uống. Khu rừng rậm cũng trở nên khô héo và rụng hết lá. Các cô chị độc ác đành phải từ bỏ đàn trâu vì chúng đã chết vì quá khát và đói. Ngay các cô cũng chẳng còn gì để ăn và uống. Họ liền lần tìm tới nhà cô em út. Nhưng hoàng hậu không thứ tha cho sự độc ác của họ, cả ba lần cô đều cho người xua đuổi họ về. Một lần, khi cô đến khóc bên nấm mồ cá vàng, cây quý bỗng rực rỡ hơn bao giờ hết, những vảy vàng va vào nhau tạo nên một bản nhạc :
Từ những oán hận cũ
Cây vàng đã mọc lên
Và bạn, người bạn quý
Hãy thứ tha lỗi lầm
Nghe cây hát như vậy, Lãng Quên liền bỏ qua mọi lỗi lầm cho các cô chị và cô cũng đã quên hết những gì mà họ đã hại cô, hại cá vàng. Từ đó bảy chị em lại được sống trong tình yêu thương và hạnh phúc.