Cuối đời nhà Lê, ở huyện La Sơn xứ Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh) có một nhân tài lỗi lạc đã từng được vua Quang Trung Nguyễn Huệ mời làm quân sư.
Đó là ông Nguyễn Thiếp.
Năm được hai mươi tuổi, cụ mắc bệnh điên. Về sau bệnh không còn, nhưng cụ đặt hiệu mình là Cuồng Ẩn (hoặc Điên Ẩn). Cụ thi đậu nhưng không thích làm quan, rút lui về tu tiên tại núi Thiên Nhận.
Nghe danh cụ, Nguyễn Huệ ba lần gởi thơ mời giúp việc nước, nhưng cả ba lần đều bị từ chối. Sau rốt, cụ chịu hiệp tác với nhà vua, khuyên vua ba điều:
QUÂN ĐỨC: nghĩa là vua phải làm thế nào cho có đức.
DÂN TÂM: nghĩa là làm thế nào cho dân ủng hộ.
HỌC PHÁP: nghĩa là cách học hành kinh sử cho đúng đắn.
Năm cụ được sáu mươi tuổi, bọn Tôn Sĩ Nghị kéo quân Thanh tràn vào chiếm Thăng Long. Vua Quang Trung bèn xua binh ra Bắc. Lúc đi ngang Nghệ An, nhà vua bèn triệu cụ để hỏi:
- Nghe thầy tinh tường về khoa lý số lại hay về mưu lược. Nay Tôn Sĩ Nghị nó sang, thầy nghĩ chước nào?
Cụ Nguyễn Thiếp thưa rằng:
- Quân quý thần tốc. Người Mãn Thanh ở xa tới không biết rành tình hình nước ta. Vả lại chúng nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì trong vòng mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn thì khó lòng mà thắng chúng nó.
Vua Quang Trung nói:
- Phải, phải. Tôi nay ra Bắc Hà đánh nó cho chết. Tôi mà dẹp được giặc Tàu xong thì xin rước thầy ra dạy học. Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu, người mình tự làm lấy mà xài.
Cụ Nguyễn Thiếp thưa rằng:
- Chỉ có thuốc Bắc là phải dùng của Tàu mà thôi!
Quân Mãn Thanh phải tan vỡ ở Đống Đa. Về sau, vua gởi thơ cho cụ để cảm tạ:
- Tiên sinh đã chịu làm việc cho thiên hạ. Người xưa bảo: "Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ". Lời Tiên sinh hẳn có thế thật.
Ý của vua Quang Trung là nhìn nhận cụ đã có công trong việc chiến thắng quân Tàu.
Cụ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp thọ được tám mươi mốt tuổi. Nay ở xã Nam Kim, tỉnh Hà Tĩnh còn ngôi mộ cụ.