Vào thời nguyên thủy, mỗi khi thấy những hiện tượng tự nhiên kì lạ mà con người ta khi đó chưa đủ khả năng giải thích, lập tức họ liên hệ ngay đến những vị thần, những tư duy giản đơn hoặc những con vật hoang dã vốn sống ngay xung quanh họ... Nguyệt thực là một hiện tượng tự nhiên không phải thường xuyên xảy ra nên vì thế nó lại càng được coi trọng. Trong nhiều thần thoại trên khắp thế giới không ít lần Nguyệt thực bị đổ cho các linh vật thần thoại "gặm", ở Trung Hoa việc "gặm trăng" được người xưa cho là do "Thiên Cẩu" gây ra. Trong "Thiên Cẩu Truy Tiên Thảo" của dân tộc Bạch (một dân tộc vốn xuất hiện lâu đời ở Trung Hoa) có viết rằng: Vốn Thiên Cẩu ban đầu ở dưới đất, vô tình phát hiện ra Mặt Trăng và Mặt Trời cướp tiên thảo của chủ nhân liền đuổi cắn, theo lên tận trên trời... khi mà đuổi tới nơi đó chính là lúc Nguyệt thực hay Nhật thực (Trong nhiều tích có nhắc đến cả Nhật thực như tích này).
Trong Sơn Hải Kinh có miêu tả: "Lại hướng tây 300 dặm là Âm Sơn 陰山. Dòng sông Trọc Dục 濁浴 đi ra, rồi chảy về hướng nam trút vào đầm Phiền 蕃, trong nước nhiều sò vằn. Có loài thú, dạng nó như con cáo mà đầu trắng, tên là Thiên Cẩu, tiếng nó như tiếng "ríu ríu", có thể ngăn điềm dữ." Nhiều ý kiến cho rằng có thể Thiên Cẩu là cái nhìn của người xưa về một loài động vật có thật ở thời đó... cũng có thể quá chứ nhỉ?
Khác với Hạo Thiên Khuyển của Nhị Lang Thần, xuất thân của nó vốn là con chó kéo xe của Viêm Đế chứ không có thú "ăn trăng".